Nằm ở phía nam Đại Tây Dương, bắc Nam Cực, Bouvet được cho là hòn đảo xa nhất thế giới.
Hòn đảo Bouvet tách biệt với cả thế giới
Cách duy nhất để đến hòn đảo Bouvet là di chuyển bằng tàu thám hiểm. Tới đây, bạn sẽ được trải nghiệm sinh tồn trên một trong những vùng đất khắc nghiệt nhất thế giới. Lớp băng và thời tiết trên đảo là các yếu tố giúp nghiên cứu quá trình biến đổi khí hậu trong tương lai. Nơi đây là thiên đường của chim cánh cụt, hải cẩu, cá voi sát thủ, cá voi lưng gù…
Hòn đảo nhỏ ở phía nam Đại Tây Dương, phía bắc Nam Cực được phát hiện vào 1/1/1739 bởi nhà thám hiểm người Pháp – Jean-Baptiste Charles Bouvet de Lozier. Vì ông không thể hạ thuyền và lập biểu đồ tọa độ chính xác nên vị trí của hòn đảo đã bị ẩn giấu trong 69 năm. Nhà thám hiểm lừng danh James Cook đã không tìm thấy nơi đây trong chuyến đi vào năm 1772.
Hòn đảo sau này đã được xác định bởi James Lindsay đến từ Anh vào năm 1808. Ông đã lập biểu đồ chính xác cho tọa độ của hòn đảo mặc dù không đặt chân đến đó. Người Na Uy đã đặt những bước chân đầu tiên tới hòn đảo vào tháng 12/1927. Tòa nhà đầu tiên được dựng lên trên hòn đảo là một túp lều vào năm 1929.
Một số tranh chấp về quyền sở hữu đã xảy ra khi người Anh tuyên bố tìm thấy hòn đảo vào năm 1825 và đặt tên là Liverpool. Na Uy sáp nhập hòn đảo vào năm 1930 và đặt tên là đảo Bouvet. Vào tháng 4/1964, một chiếc xuồng cứu sinh bị bỏ hoang trong đầm phá nhỏ của cao nguyên Nyroysa nhưng không có dấu vết của người đã sử dụng.
Thu hút trí tưởng tượng của những người kể chuyện, các nhà làm phim, vùng đất xa xôi này đã có mặt trong tiểu thuyết phiêu lưu “A Grue of Ice” và bối cảnh cho bộ phim bom tấn khoa học viễn tưởng “Alien vs Predator” năm 2004. Bờ biển Nyroysa, cao nguyên dung nham nhỏ được tạo ra bởi vụ phun trào núi lửa năm 1955 phía tây bắc, là nơi để hạ cánh xuống hòn đảo.
Trên hòn đảo là dòng sông băng bao phủ 93% diện tích và núi lửa đã ngừng hoạt động ở trung tâm. Miệng của ngọn núi lửa này chứa đầy băng và được cho là nơi khó đặt chân tới. Năm 1996, Viện Polar Na Uy đã xây dựng trạm nghiên cứu được làm từ các container trên khu vực hạ cánh Nyroysa.
10 năm sau, trận động đất mạnh 6,2 độ richter đã làm đổ các container. Sau đó, một cơn bão đã thổi chúng ra biển. Cách vùng đất có người sinh sống gần nhất khoảng 1.574 km và Nam Cực 1.770 km, nơi đây hứa hẹn là vùng đất ẩn náu an toàn nhất cho bạn để tránh dịch Covid-19.
Theo Anh Tú/ Zing news