Thành phố cổ ở miền Trung Việt Nam chịu nhiều tác động của bão lũ thường xuyên, nước biển dâng.
Hội An vào nhóm di sản trên bờ vực nguy hiểm
Hội An, Việt Nam: Thành phố ở miền Trung chỉ cao hơn mực nước biển chưa đầy 2 m. Những ngôi nhà gỗ cổ hàng trăm năm tuổi ở Hội An được xây từ thế kỷ 16-17 cũng thường xuyên bị hư hại do liên tục có các trận bão, ngập lụt và nước biển dâng.
Bán đảo Shiretoko, Nhật Bản: Bán đảo nằm ở vùng Hokkaido là vùng biển băng xa nhất về phía bắc của nước Nhật. Ở đây có hệ thực vật phù du phong phú, làm giàu cho môi trường biển. Gấu nâu và cú đại bàng Blankiston vẫn sinh sống trên bán đảo tuy nhiên phần biển băng đang thu hẹp đáng kể trong hơn 30 năm qua do hệ sinh thái bị tác động.
Venice, Italy: Thành phố có đến 118 hòn đảo lớn nhỏ này đang bị đe dọa trầm trọng vì ngập lụt trong các đợt bão cũng như thủy triều dâng. Mực nước biển tại đây đã dâng lên 30 cm từ năm 1897, theo báo cáo của UNEP/UNESCO.
Ruộng bậc thang vùng Cordillera, Philippines: Hơn 2.000 năm qua, người dân tộc Ifugao ở Cordillera, Philippines đã trồng lúa trên những thửa ruộng bậc thang. Tuy nhiên, nhiệt độ tăng lên và lượng mưa ngày càng nhiều đang ảnh hưởng đến việc canh tác. Ngoài ra, các cơn bão mạnh sẽ làm giảm độ ổn định của các thửa ruộng, gây xói mòn, lở đất.
Đỉnh Everest, Nepal: Vườn quốc gia Sagarmatha, Nepal, nơi có một phần đỉnh Everest, đang chịu tác động của nhiệt độ tăng khiến các dòng sông băng thu hẹp dần. Điều này gây bất ổn tới các sườn núi xung quanh và dẫn tới thảm họa lở đất.
Mũi Hảo Vọng, Nam Phi: Mũi Hảo Vọng là di sản thế giới có tới hơn một triệu ha đất được bảo vệ. Tuy nhiên, sự đa dạng của thực vật nơi đây, trong đó có quốc hoa Nam Phi là King Protea, cũng đang chịu áp lực lớn của hiện tượng khí hậu khô và nhiệt độ tăng.
Sông băng Pastoruri, Peru: Hiện tượng nóng lên toàn cầu đang tác động đến sông băng Pastoruri ở Vườn quốc gia Huascaran. Sông băng tan chảy gây ô nhiễm nước, đất do các kim loại nặng bị rò rỉ dưới lớp băng.
Quần đảo Galapagos: Biến đổi khí hậu khiến cho hiện tượng El Nino ảnh hưởng rõ rệt tới quần đảo Galapagos, thiên đường của thế giới hoang dã nằm ngoài khơi Ecuador. Thiếu nguồn nước lạnh và giàu dinh dưỡng tác động đến toàn bộ chuỗi thức ăn và nhiều loài động vật sẽ bị chết đói.
Vịnh băng Ilulissat, Greenland: Ở Ilulissat, du khách có thể nhìn thấy những tảng băng trôi từ dòng sông Kujalleq rồi chảy qua vịnh hẹp. Chính phủ Greenland thậm chí còn quảng cáo nơi này là điểm “phải đến trước khi quá muộn”.
Vườn quốc gia Yellowstone, Mỹ: Đây là nơi có đến một nửa số hồ nước nóng tự nhiên của thế giới, là nhà của rất nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm như gấu xám Bắc Mỹ, chó sói và bò rừng. Vườn quốc gia Yellowstone đang chịu ảnh hưởng từ hiện tượng trái đất nóng lên khi mùa đông ngắn dần và ít tuyết hơn, nước sông ấm, các hồ nước thu hẹp và mùa cháy rừng kéo dài hơn.