Tháng 3, hoa gạo rực lửa một góc trời, “đốt” mùa xuân chín đỏ. Giữa thời khắc giao mùa, người ta thường có một cảm xúc man mác khó gọi thành tên. Thân thương làm sao loài hoa có cái tên bình dị bước ra từ những vùng quê còn đượm hương lúa thơm ngát, tiếng gió thoảng và mang trong mình tình cảm chung thủy đến lạ!
Hoa gạo bung cánh cho mùa xuân chín đỏ
Khi những cơn mưa phùn lất phất tạm ngớt, đất trời trở mình trong hơi thở ấm áp của mùa xuân, hoa gạo bắt đầu bung nở báo hiệu sắp sang một mùa mới – mùa của sự đơm hoa kết trái. Được gọi bằng nhiều tên mỹ miều như Mộc Miên, Pơ lang, nhưng hình như cái tên hoa gạo lại được người ta yêu quý hơn cả vì nó dân dã và gần gũi với cuộc sống miền quê Việt Nam.
Hoa gạo thường bắt đầu nhú nụ vào tháng 2. Chờ sang tháng 3, cánh hoa bung nở, xòe rộng thành từng chùm và bền bỉ khoe sắc tới tận tháng 4. Thú vị làm sao khi mùa hoa mơ, hoa mận đi qua, ta lại có cơ hội được tận hưởng vẻ đẹp của loài hoa có màu đỏ rực trên mỗi dặm dài thiên lý.
Cái màu đỏ ấy làm ta say mê, choáng ngợp đến lạ thường. Hoa gạo rất lớn, nở thành từng chùm trên những cành khẳng khiu, trụi lá. Cánh hoa dày, đỏ tươi như làn môi gợi cảm của người phụ nữ đang yêu. Cây gạo càng già, hoa càng nhiều. Trên thân cây xù xì, mốc thếch “bật” ra những bông hoa đỏ thắm như những đốm lửa thắp đỏ trên cành. Tưởng như bao tinh túy, nhựa sống, năng lượng cây dồn hết cho hoa. Hoa lại dồn hết sinh lực của mình để thắp cho mùa xuân thêm chín đỏ. Mùa xuân trở nên gợi cảm hơn bao giờ hết. Xuân đỏ tươi, căng mọng, căng tràn nhựa sống, khiến ta nhớ đến câu thơ của Xuân Diệu: “Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi”.
Hình ảnh cây gạo nở hoa đỏ rực cả một miền ký ức tuổi thơ mà sau này, dù có đi tận phương trời nào ta cũng không thể quên được. Đứa trẻ nào cũng từng bị dọa “hồn cây đa, ma cây gạo” mà có thấy sợ đâu, vẫn mải mê chơi ú tim dưới gốc cây, nhặt những bông hoa đỏ thắm kết làm chuỗi vòng hoặc cài lên mái tóc…
Tùy niềm tin tâm linh mà người thôn quê Việt có phần nể sợ cây gạo, sợ màu hoa đỏ như máu. Nhưng phải chăng, vì sự vững chắc, sừng sững hiên ngang mà người ta cho rằng những linh hồn lang thang sẽ được nương tựa nhờ vào cây và được cây chở che để nhanh chóng siêu thoát. Bởi thế mà cây gạo thường được trồng ở những nơi linh thiêng như đình chùa.
Mỗi năm gạo lại ra hoa, năm nào cũng một màu đỏ khắc khoải ấy, nhắc ta phải sống khác đi, mạnh mẽ và hừng hực như màu lửa cháy.
Theo Bách Hợp/Timeout VN