Khách tới ăn món gà đốt lá chúc ở các nhà hàng ven hồ Ô Thum sẽ được chủ quán cho mượn thuyền đi chơi.
Hồ nước nổi tiếng với món gà đốt ở An Giang
Hồ Ô Thum (xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn, An Giang) được hình thành khoảng chục năm trước với mục đích ngăn nước để sản xuất nông nghiệp. Hồ nằm về hướng tây của núi Cô Tô và hướng đông của đồi Tức Dụp. Hồ có diện tích không lớn nhưng cảnh quan hữu tình, mặt nước phẳng lặng, xanh biếc. Vài năm gần đây, nơi này trở thành điểm du lịch mới nổi của vùng Bảy Núi.
Theo người dân trong vùng, hồ Ô Thum đẹp nhất khi vào mùa mưa, nước mênh mông tràn lên cả bờ kè đá, tạo nên khung cảnh hoang sơ.
Ven bờ trồng nhiều thốt nốt, loài cây mang tính biểu tượng của tỉnh An Giang. Tên gọi “thốt nốt” do người địa phương đọc chệch từ tiếng Khmer là “th’not”.
Thốt nốt mọc thành hàng hoặc đứng đơn lẻ ở vùng chân núi, ruộng đồng và phân bố nhiều ở các huyện biên giới Tri Tôn, Tịnh Biên.
Ngoài tham quan, chụp ảnh, du khách còn có thể chèo thuyền quanh hồ Ô Thum.
Những nhà hàng ở ven hồ đều cho khách chèo thuyền miễn phí khi đặt đồ ăn ở đây.
Đặc sản của vùng là món gà đốt lá chúc Ô Thum. Ban đầu, chỉ có một quán chuyên về món ăn này. Sau thấy nhu cầu của khách cao, người dân địa phương đã mở thêm nhiều quán phục vụ. Món ăn có nguồn gốc từ Campuchia, khi đốt chín sẽ có mùi thơm đặc trưng của lá chúc và sả. Thịt gà chấm mắm làm từ lá chúc, ăn kèm tỏi nướng.
Cây chúc được xem là đặc sản của vùng Bảy Núi, An Giang, trồng nhiều ở hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Lá cây có vị the như lá chanh nhưng thơm nồng hơn, giữ được hương lâu, không bị đắng.
Dọc đường vào hồ Ô Thum, người dân trong vùng bày bán trái thốt nốt tươi cùng nước giải khát, đường được làm từ trái này để du khách mua về làm quà.
Cảnh làng quê vùng Bảy Núi quanh hồ mộc mạc với những cánh đồng, hàng cây thốt nốt. Thấp thoáng phía xa là mái chùa vàng, mang kiến trúc đặc trưng của người dân tộc Khmer.
Theo Quỳnh Trần/Vnexpress