Chúng tôi đáp chuyến bay nội địa của hãng hàng không Air Mandalay đến Heho khi chiều tà. Một điều ngạc nhiên đến thú vị là khí hậu nơi đây khác hẳn Yangon (thủ đô cũ của Myanmar) nắng nóng, 25 độ C vào tháng 12 là một nhiệt độ lý tưởng. Một làn gió mát lạnh, trong lành thổi tung những mái tóc chưa kịp sửa sang sau hành trình hơn một giờ bay.
Chiếc xe ô tô 12 chỗ lao đi khi người cuối cùng của đoàn yên vị. Phải mất 40 phút mới đến được nơi cần đến – bến Nankan Canal, ai đó đã xuống làm thủ tục, mua vé thuyền máy để đi tiếp vào vùng hồ Inle. Cứ 4, 5 người một, lần lượt xuống thuyền. Chiếc thuyền máy lao đi trong ánh nắng chiều tắt hẳn. Không khí trở nên lạnh hơn khi bóng tối bao phủ dòng kênh, một cảm giác trải nghiệm thật thú vị khi phải quấn thêm một chiếc khăn lạnh trùm đầu và khép gối, ngả mình trên chiếc ghế gỗ có tựa sơn xanh đặt trong lòng xuồng. Hơn nửa tiếng sau, thuyền đã băng qua cổng chào bằng nứa, cập vào bến của resort bốn sao.
Một khung cảnh tĩnh lặng, đẹp tuyệt với những căn nhà nổi bằng gỗ, những chiếc cầu gỗ bạc màu mưa nắng đơn sơ, nối nhà với nhà, dọc lối vào là những chậu hoa xinh xắn chào đón khách đường xa bằng một màu đỏ tía ấm áp, thân thiện. “Ow”, thật thú vị với khung cảnh hữu tình nơi đây. Qua đêm trên căn nhà nổi trong ánh nến lung linh, giấc ngủ đến tự lúc nào…
Sớm hôm sau, chúng tôi dậy từ tờ mờ để đón bình minh. Không khí trong lành của một buổi sớm trên hồ – chẳng phải lúc nào cũng được tận hưởng. Rồi mặt trời cũng lên sau những rặng núi xanh mờ xa. Chọn hướng để bấm mấy bức ảnh, ánh nắng vàng ấm hắt vào vách gỗ, tạo thành một “bức tranh” thiên nhiên tự họa.
9 giờ chúng tôi khởi hành để vào làng Nyaungshwe, một ngôi làng được nhiều du khách chọn làm nơi dừng chân khi tới khám phá hồ Inle. Inle (hay Inlay) trong tiếng Myanmar có nghĩa là cái hồ lớn, nằm ở vị trí trung tâm bang Shan, cách thành phố Taung-kyi, thủ phủ bang Shan khoảng 40km về phía Nam. Hồ nằm ở độ cao khoảng 889 m so với mực nước biển, bao quanh là núi cao, và có diện tích khoảng 220 km2. Nơi sâu nhất khoảng 6m, mực nước thay đổi theo mùa chênh lệch giữa mùa cạn (tháng 5), và mùa nước đầy (tháng 8) khoảng 1,2m.
Điều đặc biệt của Hồ Inle không chỉ là vẻ đẹp sơn thủy hữu tình mà nó còn là nơi sinh sống của tộc người Inthar (một dân tộc thiểu số của Myanmar). Inthar theo tiếng Myanamar có nghĩa là “người sống trên hồ”. Từ ngàn năm nay, hồ Inle là nơi diễn ra mọi hoạt động đời sống xã hội của dân tộc Inthar.
Người dân Inthar hoàn toàn sinh sống trên mặt hồ, họ xây dựng nhà cửa và các công trình kiến trúc trên hồ, sáng kiến được coi là vĩ đại của người Inthar chính là việc họ tiến hành trồng trọt các loại cây trồng trên mặt nước hồ bằng cách tạo nên các bè nổi từ những xác bèo, xác rong rêu và cố định bằng những cây tre cắm xuống lòng hồ. Như vậy, những “cánh đồng nổi” này sẽ nổi lên và hạ xuống theo mực nước trong hồ.
Cây trồng phổ biến nhất của người Inthar là cây cà chua, cà chua được trồng trên hồ Inle là một đặc sản của nơi này, người dân Myanmar thường truyền miệng câu “đến Inle mà chưa ăn salad cà chua ở đây coi như chưa từng đến Inle”. Khi con gái đến tuổi lấy chồng, cha mẹ thường cắt cho một vài bè nổi để con gái làm của hồi môn, sống ở đâu thì đẩy bè đến đó mà canh tác trồng trọt, sinh nhai.
Chiếc thuyền len lỏi đưa chúng tôi đi qua những bè cà chua nổi mọc cao trên một mét, thảng lại bắt gặp những mảng hoa cúc trắng, hồng, tím trồng thành một vạt dài, mà người dân ở đây trồng để dành cho việc thờ cúng. Đằng sau mảng bè hoa là căn chòi canh lợp lá, khiến cảnh sắc ở đây thêm phần lãng mạn, yên bình giữa một vùng trời nước xanh bao la. Ngoài trồng trọt, người Inthar còn sống vào nguồn thủy sản đánh bắt được trong hồ. Lác đác trong ánh bình minh phía Đông, bóng những người đánh cá tung lưới trên hồ. Hình ảnh những người đàn ông Inthar chèo thuyền bằng một chân trên chiếc thuyền độc mộc nhỏ bé, đã trở thành một nét văn hóa sinh hoạt đặc trưng của vùng hồ.
Cuộc sống dù còn nhiều vất vả khó khăn, song người Inthar vô cùng yêu mến và gắn bó với vùng hồ Inle. Hồ là nơi diễn ra mọi hoạt động văn hóa, sản xuất của người dân. Lễ hội lớn nhất của vùng này thường diễn ra vào tháng 9 dương lịch hàng năm. Vẻ đẹp bình yên của hồ Inle còn được cảm nhận vào mỗi đêm hè tĩnh lặng, đến mức người ta có thể nghe được lời ca tiếng hát, vọng lại từ một nơi nào đó rất xa của những người dân chài đang đánh cá đêm, hay của đôi trai gái yêu nhau đang giao duyên trên mặt hồ thơ mộng.
Inle không chỉ thu hút du khách bằng vẻ đẹp hoang sơ, và những khu resort gần gũi với thiên nhiên, mà nơi đây còn là điểm đến của nhiều du khách muốn tìm hiểu về một vùng văn hóa có lịch sử khá lâu đời. Hiện tại phía Nam hồ Inle vẫn còn một vùng đất được ví như Bagan của bang Shan, đó là thành phố cổ Indein còn lại với những công trình kiến trúc được xây dựng bằng gạch từ thế kỷ thứ 11, nơi từng là thủ phủ thời vua Shan, hay những vẻ đẹp văn hóa của các dân tộc thiểu số như Padaung – dân tộc cổ dài.
Sau khi thưởng thức bữa trưa cổ truyền của người Inthar trên một nhà nổi ở làng Nyaungshwe với salad cà chua xanh trộn dầu dấm tỏi, rau tẩm bột chiên, tôm càng nướng, xôi, và mua bó hoa súng 20 kyat từ một người bán hoa trên thuyền, chúng tôi trở về để ra sân bay cho kịp chuyến, bỏ lại không khí gợi tình phiêu lãng của một vùng hồ mênh mang.
ĐI LẠI
Việc mua vé máy bay nội địa là khá dễ dàng từ các đại lý du lịch hoặc nhà nghỉ, khách sạn. Tuy nhiên bạn nên đặt vé máy bay trước để phòng trường hợp hết chỗ trên chuyến bay. Ôtô không phải là lựa chọn tốt vì thời gian di chuyển khá dài và chi phí cũng không rẻ hơn nhiều. Từ sân bay Heho, taxi bốn chỗ về tới làng Nyaungshwe là 278.000 – 370.000 đồng (khoảng 15 – 20 USD/xe), chiều từ sân bay về làng thường đắt hơn so với chiều ngược lại.
CÁC ĐỊA ĐIỂM CẦN KHÁM PHÁ
Cách duy nhất để khám phá lòng hồ Inle là đi thuyền máy hơn 200.000đ (khoảng 10 USD/thuyền/ngày cho bốn người). Có rất nhiều khu làng nổi như: làng trồng hoa, làm xì gà, làng của người cao cổ Pa-O, làng làm đồ bạc trang sức, dệt vải, hàng thủ công mỹ nghệ, làng In Dein… Chợ nổi Ywama họp theo phiên năm ngày một lần, ngôi chùa Phaung Daw Oo hay tu viện mèo nhảy là những điểm đến nổi tiếng của hồ Inle.
ĂN NGHỈ
Ở làng Nyaungshwe có khá nhiều nhà nghỉ với chi phí hợp lý từ 185.000 – 370.000đ (khoảng 10 – 20 USD/phòng/đêm. Nếu ngủ đêm trên hồ Inle thì phải nghỉ tại các khu resort với chi phí khá cao từ 833.000đ (khoảng 45 USD++/phòng/ đêm. Giá phòng luôn bao gồm bữa sáng. Một trong những món ăn cần thưởng thức khi tới vùng hồ Inle, đó là các món ăn bản địa của người Shan. Bạn hãy khám phá những tinh hoa ẩm thực của họ tại các nhà hàng trên lòng hồ hoặc nhà hàng View Point trong làng Nyaungshwe. Nhưng chi phí cũng không rẻ chút nào.
THỜI GIAN TUYỆT VỜI NHẤT
Vì hồ Inle có một cảnh sắc, khí hậu tuyệt vời và lãng mạn, nên sẽ rất thích hợp với những cặp tình nhân vào mọi thời điểm trong năm. Còn thời điểm tuyệt vời nhất là trong khoảng tháng 9 – 10 hàng năm, vì lúc này diễn ra rất nhiều lễ hội với màu sắc bản địa truyền thống. Hoạt động thú vị nhất khi ở trên hồ Inle là đi săn mặt trời khi hoàng hôn xuống. Và vì thế, máy ảnh hay máy quay là những vật dụng không thể thiếu cho chuyến đi.