Lần theo những câu hát trong bài Trở về dòng sông tuổi thơ, “cặp đôi” chúng tôi đưa nhau đến thành phố Hannibal (Mỹ), nơi con sông Mississippi mà cư dân hai bang Missouri và Illinois cùng uống chung dòng nước từ hai bờ khác nhau.
Hẹn hò với Mark Twain’ bên dòng Mississippi
Huyền thoại dòng sông Cha
Với lịch sử của nước Mỹ, sông Mississippi thật đặc biệt khi từng là ranh giới của 13 thuộc địa đầu tiên ở phía đông, phía tây của sông, là vùng đất bao la mà Mỹ mua lại từ Pháp sau Thương vụ Louisiana năm 1883. Cũng từ bờ sông này, nước Mỹ mở mang bờ cõi về phía tây để thành một đất nước rộng lớn hùng mạnh.
Còn với tôi, con sông rộng và dài này thực sự bị đánh thức để rộn rã làm nên một thời hoàng kim khi máy hơi nước ra đời, song song với các cuộc di dân về miền Tây – miền đất mới.
Các chuyến tàu thủy phun đầy khói với tiếng còi hụ âm vang trên sóng nước bao la, ngược xuôi hơn 2 ngàn dặm. Sông Mississippi là bối cảnh khá phổ biến trong văn chương và âm nhạc. Nhiều câu chuyện của Mark Twain, bao gồm tác phẩm nổi tiếng của ông “Cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn”, diễn ra trên sông Mississippi.
Ông sống trên sông Mississippi và hoàn toàn dành tâm hồn mình cho dòng sông. Thậm chí, sông Mississippi còn là nguồn cảm hứng cho rất nhiều bài hát, như tác phẩm âm nhạc của Johnny Cash “Big River” hay ca khúc nổi tiếng “Moon River” từ năm 1961 trong bộ phim “Breakfast at Tiffany’s”.
Chúng tôi đến với dòng sông Mississippi và những chiếc tàu thủy chạy bằng hơi nước cũng một phần nào đó tìm sự đồng điệu với cuộc đời của nhân vật nữ họa sĩ Philadelphia gắn liền với hai dòng sông Murray và Darling trong tiểu thuyết “Tất cả các dòng sông đều chảy” (nguyên tác tiếng Anh “All the rivers run”).
Tác phẩm được viết nên bởi nữ nhà văn Nancy Cato mà chúng tôi từng một thời gối đầu giường hay đọc trộm trong giờ học.
Thành phố cổ Hannibal và chuyện vui từ cái tên Mark Twain
Người ta thường nói: “Các thành phố có con sông chảy qua bao giờ cũng đẹp”. Ngoài cái đẹp, sự phồn vinh nhờ những dòng chảy đã đem nguồn nước cho người dân, mang phù sa cho đất, mang tàu bè vận chuyển mua bán và làm nên phố hội kinh kỳ, mang đến các dòng văn hóa đa sắc và thay đổi lịch sử đất nước.
Đó là lý do để tôi chấm trên bản đồ thành phố cổ Hannibal – nơi mệnh danh là quê hương của nước Mỹ theo đúng với nội dung bảng chào “Welcome to Hannibal – America’s hometown”.
Nó nằm ôm ấp dòng sông, tựa đầu trên chiếc cầu mang tên nhà văn nổi tiếng Mark Twain và đã thành điểm dừng chân cho chúng tôi trong mùa lễ thánh tình yêu lần này.
Hannibal đón chúng tôi với chút nhẹ nhàng lãng mạn của Đà Lạt, một chút u tịch cổ kính của Sapa, một chút xanh mát của Tam Đảo.
Tôi dạo qua tượng đài của Samuel Clemens (tên thật của nhà văn Mark Twain) đang cầm vô lăng lái tàu với đôi mắt hướng xa ra đại dương vời vợi. Nhớ về cái tên ngộ nghĩnh của đại văn hào Mark Twain, một phụ lái tàu và gắn bó tuổi trẻ của mình trên sông Mississippi bằng những chuyến tàu hơi nước này.
Tên thật của ông là Samuel Clemens và bút danh của ông cũng sinh ra từ dòng sông này. Khi phải theo tàu học lái năm 21 tuổi, ông thường xuyên nghe phụ tàu dùng cây sào làm thước đo độ sâu hô to: “Half twain! Quarter twain! M-a-r-k twain!” nghĩa là “Nửa của vạch đôi! Phần tư của vạch đôi! Ðánh dấu vạch đôi!”, còn Twain là một cặp.
Nơi cây sào có dấu đo độ sâu vạch 2, tương đương 3,7m, độ sâu an toàn cho tàu chạy. Để rồi cái tên Mark Twain được lần đầu tiên dùng đến vào năm 1863 khi ông đang viết lách tại thành phố Virginia cũng như con sông Mississippi đã đi vào văn học và tuổi thơ bằng những cuộc phiêu lưu kỳ thú của Tom Sawyer và Huckleberry Finn.
Tôi nghĩ nên đổi tên nơi này thành “thành phố Mark Twain” bởi đâu đâu hình ảnh của ông cũng xuất hiện: từ công ty bia Mark Twain đến nhà hàng Mark Twain, từ bảo tàng đến công viên, từ đài hải đăng đến khu chợ… hay đến cả trên xe buýt chạy tour tham quan thành phố cũng gắn tên của nhà văn.
Tôi gọi những hàng cây lá phong dọc thành phố là hàng cây pháo hoa bởi lẽ những chiếc lá mùa đông úa đi nhưng lại tỏa lên rực rỡ đủ các màu tím mộng mơ, màu đỏ nồng nàn, màu vàng man mác hay kể cả màu hồng lãng mạn cứ như những chùm pháo hoa tung lên lập lòe hai bên đường.
Đứng bên dưới cây cột đèn hải đăng ẩn mình trên đồi Cadiff, tôi nhớ đây là khung cảnh mà nhà văn Mark Twain đã nhận xét là góc nhìn đẹp nhất tại thành phố nhỏ bé này.
Ở phía trái là nơi chiếc cầu mang tên của Mark Twain nối liền hai bang bởi con đường cao tốc Chicago – Kansas. Bên phải là ba hòn đảo Shuck Island, Pearl Island và Tower Island của bang Illinois tưởng như xa xôi mà lại rất gần. Phía dưới là chuyến tàu hàng lững thững đang men theo lèn núi đá dựng.
Rồi bất giác với chiếc lá phong nhặt được đang cầm trên tay, tôi nhủ thầm với người bạn nữ đồng hành rằng: “Khi nào đếm được hết lá mùa đông ở Hannibal thì ngày đó anh sẽ hết yêu em!”.
Bạn tôi không nói gì, chỉ nhẹ nhàng nghiêng đầu khẽ tựa vào vai tôi rồi cùng nhau nhìn về phía bầu trời xanh xa xa.
Theo Quốc Vinh/Tuổi trẻ