Khi du lịch đến một nơi mới, đâu sẽ là điểm đến trong “top list” của bạn? Bảo tàng? Trung tâm triển lãm nghệ thuật? Công viên? Điểm di tích lịch sử? Nhà hàng/quán ăn nổi tiếng do Lonely Planet giới thiệu? Hay các trung tâm mua sắm?
Có thể tôi là phụ nữ và có chút “nghiện” shopping? Có lẽ thế, nhưng là người thiên về tìm hiểu văn hoá khi đi du lịch, tôi thích tới chợ – nơi tôi có thể quan sát và tìm hiểu cuộc sống, văn hoá của người dân bản địa một cách chân thực và sống động.
Bạn muốn biết cuộc sống nơi đây giàu có hay khó khăn? Hãy nhìn thực phẩm họ mua bán hàng ngày. Tôi đã nhìn thấy bã trà lên men được đóng gói bán tại chợ nổi gần hồ Inle, Myanmar. Đi khắp chợ tại khu vực New Bagan tôi mới nhìn thấy một hàng bán thịt nhưng nhỏ và khiêm tốn giữa các hàng bán rau củ. Hay người Myanmar mua dầu ăn từ những thùng dầu to không rõ nguồn gốc, không nhãn mác.
Bạn cũng có thể biết được đồ ăn truyền thống hay món ăn ưa thích của họ là gì. Lần tới một dãy chợ nhỏ tại thành phố Thimphu, Bhutan, tôi đã thấy cơ man các rổ ớt nhỏ và rất cay, xanh và đỏ. Hoá ra, ớt là món ăn ưa thích của các bạn Bhutan. Những ngày sau đó, bất kỳ bữa ăn nào tôi cũng nhìn thấy món ớt xào không với nước xuýt. Món ăn rất ngon nhưng tôi chỉ có thể ăn một lần vì quá cay.
Bạn có thể sẽ nhìn thấy những đồ thực phẩm mà chưa nhìn thấy bao giờ. Những lúc như thế, tôi chỉ ước mình có thể giao tiếp với người địa phương để hỏi họ cái này dùng để nấu món gì, rau này ăn thế nào, sống hay nấu chín.
Đến chợ, bạn sẽ hiểu hơn một chút về nếp sống, thói quen sinh hoạt của người dân địa phương. Cũng ở chợ gần hồ Inle, tôi thấy người ta mang những gùi cơm nóng hổi, đong vào lá chuối và bán kèm với một chút thức ăn, có thể là rau luộc hay đậu rán. Hoá ra, họ cũng giống dân ta, để chắc bụng cho một ngày làm việc nặng nhọc, cơm vẫn là món chính. Đến cuối phiên chợ, sau khi đã bán xong các món hàng, người bán hàng sẽ mua cơm và ngồi ăn trên những tấm phản gỗ của các gian hàng trước khi về nhà. Lúc đó, tôi cũng cảm thấy vui lây khi nhìn họ vừa ăn uống vừa cười đùa sau một phiên chợ thành công.
Tôi cũng đã rất thích thú khi nhìn thấy mấy cô thợ may may hàng ngay giữa chợ. Váy của phụ nữ và đàn ông Myanmar khá đơn giản, chỉ cần viền các đường vải và may hai mép vải dọc liền với nhau là được. Thế nên, chỉ cần sau 10′ phút chọn vải là người mua đã có ngay một chiếc váy mới. Thú vị phải không các bạn?
Đối với tôi, chợ là một bức tranh nhiều màu sắc và đặc biệt tươi sáng nếu đó là chợ ngoài trời: màu rau củ, hoa quả, các mặt hàng hoá, vải vóc, quần áo, các vật dụng, v.v. Tôi thích lang thang chợ vào buổi sáng để chụp những bức ảnh trong ánh sáng dịu của bình minh. Dù không biết nhiều về bố cục và ánh sáng, nhưng những bức ảnh được chụp vào thời điểm này, cùng với màu sắc sinh động của chợ luôn là những bức ảnh yêu thích nhất của tôi.
Tôi cũng thích thử đồ ăn tại chợ. Các món ăn “nguyên bản” và không pha tạp, chưa được biến đổi để phù hợp với khẩu vị khách du lịch. Hoặc đôi khi có những món ăn đặc sản địa phương mà bạn chỉ có thể tìm thấy tại chợ mà không phải tại các quán hàng ở khách sạn hoặc trong phố. Một trong những món bánh xèo ngon nhất tôi được ăn ở Huế là ở một chợ quê làng Chuồn – một làng ven biển. Nhân bánh xèo là cá Kình mới được đánh bắt ngày hôm đó. Vì mới đánh bắt nên vị cá rất ngọt và thơm. Và tôi vẫn chưa thể tìm được bánh xèo nhân cá Kình ở nơi nào khác.
Tại chợ, bạn cũng có thể quan sát cách người dân bản xứ ứng xử với nhau, họ có phải là người thân thiện không, có vui vẻ không, người dân vùng này sống vất vả hay thư giãn…. tất cả sẽ hiện lên một cách rất chân thực và không hề diễn. Vì bạn đang lạc vào thế giới của họ, là kẻ đứng ngoài, chứ không phải là trung tâm được phục vụ như tại các khu du lịch.
Khi hoà mình vào một không gian cuộc sống “thật” – không phải dành cho khách du lịch, bạn cũng sẽ dễ được nhận ra và thường là nhận được cái nhìn tò mò thân thiện của người dân địa phương (nếu bạn đi nước ngoài và ở một vùng không đông dân cư). Sự thích thú của họ có thể lan toả sang bạn, và bạn cảm thấy mình được chào đón.
Tất nhiên, bạn cũng sẽ “được” ngửi những mùi không thơm tho như mùi tanh của cá, những mùi lạ mà bạn chỉ dám thở nhè nhẹ mà không dám hít vào mạnh. Hoặc rơi vào tình cảnh dở mếu dở cười không tìm đâu được toilet sau khi thử một món ăn lạ của địa phương như tôi đã từng bị khi đi chợ gần hồ Inle.
Bạn cũng có thể sẽ phải bước qua những vũng nước bẩn, ra về với đôi giày dính bùn hoặc đi rón rén tránh xa các hàng cá nếu như không muốn bị nước bắn vào người khi các chị giơ dao chặt cá thoăn thoắt. Nhưng đối với tôi, nó vẫn là một phần thú vị của chuyến dạo chơi.
Sống động. Chân thực và đời thường. Đó chính là những gì tôi cảm nhận được khi đi các khu chợ.
Theo Depplus