Hang động Koonalda đã bị kẻ xấu đột nhập, phá hoại, khiến người dân bản địa phẫn nộ và chính quyền đang dồn lực tìm kiếm thủ phạm.
Hang động Koonalda hơn 20.000 năm tuổi ở Australia bị phá hoại
Hang động Koonalda nằm trên một dải đất bằng phẳng, khô cằn ở miền Nam Australia. Nơi đây là ngôi nhà của các tác phẩm nghệ thuật có từ 22.000 năm trước, và là địa điểm linh thiêng đối với người dân Mirning bản địa. Những khám phá tại hang động đã thay đổi hiểu biết của các nhà khoa học về lịch sử Australia.
Những kẻ phá hoại hang động Koonalda không bị chặn lại bởi hàng rào và các biện pháp bảo vệ tại hang động. Vì vậy, chính quyền tiểu bang Nam Australia đang đề xuất phương án lắp đặt camera an ninh và tham khảo ý kiến để bảo vệ địa điểm tốt hơn. Tuy nhiên ông Bunna Lawrie, trưởng lão người Mirning và là người giám hộ hang Koonalda, cho biết ông không biết gì về vụ phá hoại cho đến khi phương tiện truyền thông đưa tin.
Vụ việc đã khiến người Mirning thất vọng, họ nói rằng đã yêu cầu nhiều lần về việc củng cố an ninh cho hang Koonalda nhưng không được chính quyền đáp ứng.
Người dân Mirning cho biết, hang động Koonlda là địa điểm linh thiêng, không mở cửa với công chúng và khách tham quan. Chỉ một số trưởng lão nam trong làng mới có thể tiếp cận và vào bên trong hang động. Ngoài ý niệm tâm linh, những yêu cầu khắt khe được đặt ra để bảo vệ các hình ảnh nghệ thuật tinh xảo được khắc vào nền hang.
Trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học Australia tin rằng người dân bản địa của đất nước nafy chỉ tồn tại trên đất liền trong khoảng 8.000 năm. Hang Koonalda là nơi đầu tiên có tác phẩm nghệ thuật trên đá thể hiện người dân bản địa có thể đã xuất hiện từ 22.000 năm trước.
Điều này đã đưa hiểu biết của cộng đồng khoa học về lịch sử Australia lên một tầm cao mới. Năm 2014, hang Koonalda được chỉ định là địa điểm thuộc danh sách Di sản Quốc gia.
Theo Cục Biến đổi Khí hậu, Năng lượng, Môi trường và Nước Australia, niên đại của nghệ thuật hang động được đánh giá thông qua di tích khảo cổ học và dấu vân tay. Sau đó dấu vân tay được xác nhận bằng công nghệ carbon phóng xạ. Ngoài các đường rãnh được vẽ bằng ngón tay, hang động còn có một loại hình nghệ thuật trên đá khác lạ. Theo một trang web của chính phủ, các bức tường trong hang động có các đường cắt ngang và dọc thành hình chữ V bằng một công cụ sắc bén.
Theo Monster