Đến hẹn lại lên, cứ đến mồng 3/3 âm lịch – ngày Tết Hàn thực hằng năm, gạt bỏ những bận rộn của công việc, nhiều gia đình ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc tranh thủ dành thời gian cùng ngồi nặn bánh trôi, bánh chay để cúng gia tiên.
Ghi nhận trên con phố nhỏ Hàng Đậu (Hoàn Kiếm, Hà Nội) từ 6g sáng, một quán nhỏ ven vỉa hè đã tất bật với cảnh người nhào nặn, chờ lấy bánh trôi, bánh chay. Đôi bàn tay khéo léo của người thợ chốc chốc lại biến những khối bột gạo nếp thành những viên bánh trôi, bánh chay với hình khối tròn xinh, đẹp mắt…
Gọi là Tết Hàn thực (với ý nghĩa đồ ăn nguội, lạnh) nhưng cả ngày người ta không kiêng lửa, mọi việc nấu nướng vẫn thực hiện bình thường. Trong ngày Tết Hàn thực, bánh trôi và bánh chay được chọn là hai thứ bánh chủ đạo nên còn được gọi là ngày tết bánh trôi, bánh chay.
Cả hai loại bánh này đều được làm từ bột gạo nếp cái hoa vàng, tuy nhiên mỗi thứ lại có hương vị đặc biệt riêng. Bánh trôi có nhân bằng đường phên hoặc mật. Bánh nặn xong sẽ được thả vào nồi nước sôi đến khi “ba chìm bảy nổi” thì được vớt ra và ngâm trong nước đã đun sôi để nguội cho săn lại rồi mới bày ra đĩa. Để bài trí đẹp mắt, trên đĩa bánh người ta còn rắc thêm hạt vừng giòn tan và thơm phức.
Bánh chay to hơn bánh trôi khoảng 2 – 3 lần, bên trong lớp vỏ gạo nếp là nhân đậu xanh đã nấu chín. Bánh được vớt ra bát (mỗi bát 3 – 4 chiếc) và được chan thêm một chút nước chè đường khuấy với bột đao hoặc bột sắn dây ướp hoa bưởi.
Tết Hàn thực được cho là có nguồn gốc từ Trung Quốc. Tuy nhiên ở nước ta có nhiều sự tích cho rằng bánh trôi, bánh chay có từ thời Hùng Vương. Tục làm bánh trôi, bánh chay để nhắc lại sự tích “bọc trăm trứng” của Mẹ Âu Cơ. Rõ rệt nhất là vào thời Lý, người Việt ăn Tết Hàn thực với mục đích chủ yếu là lễ Phật và cúng gia tiên. Người ta cũng không kiêng lửa trong ngày này mà vẫn nấu nướng bình thường.
Theo Tuoitre.vn