Vì được nung ở nhiệt độ cao, gốm sứ Đông Triều vẫn giữ được vẻ đẹp tự nhiên và có độ bền cao. Với lòng nhiệt huyết, những người con của làng gốm vẫn ngày đêm giữ lửa để giữ gìn nghề truyền thống.
Gốm sứ Đông Triều – Nghề thổi hồn cho đất ở Quảng Ninh
Huyện Đông Triều cách thành phố Hạ Long khoảng 60km, là huyện có nghề gốm sứ nổi tiếng. So với Bát Tràng, Phù Lãm, Kim Lan… gốm sứ Đông Triều ở Quảng Ninh còn khá non trẻ về tuổi đời nhưng những người thợ ở nơi này chưa bao giờ vơi niềm tự hào về nghề truyền thống.
Năm 1955, nghề gốm ở đây bắt đầu nhen nhóm, thời gian đó chỉ có 2 xưởng làm gốm. Có thời gian dài, nghề gốm bị mai một, nhiều gia đình phải phá bỏ lò gốm vì sự xuất hiện của các sản phẩm từ nhựa, inox, nhôm…
Những sản phẩm đầu tiên của gốm Đông Triều chỉ là bát đĩa trang trí đơn giản hoặc tỉa hoa văn hình học. Ít năm sau xuất hiện thêm các loại ấm, chén, niễng… hình thành theo lối khuôn gỗ của gốm Bát Tràng.
Sau đó gốm nơi đây lại hình thành theo kiểu đổ rót của gốm Hải Dương. Giờ đây gốm sứ Đông Triều đã có mặt trên cả nước, nghề gốm cũng trở thành nghề chính của người dân ở khu vực này.
Để làm ra sản phẩm gốm sứ đạt chuẩn chất lượng và thẩm mỹ, người thợ luôn phải tuân thủ nghiêm ngặt các khâu chọn, xử lý và pha chế đất, tạo dáng, tạo hoa văn, phủ men và cuối cùng là nung.
Tất cả các công đoạn trong quá trình tạo ra sản phẩm gốm sứ đều quan trọng như nhau. Vốn là làng nghề gốm nặng lửa, quy trình sản xuất gốm sứ Đông Triều chủ yếu vẫn là những công đoạn thủ công, phải trực tiếp thao tác bằng tay.
Do vậy, gốm Đông Triều có sự khác biệt so với các loại gốm được sản xuất trong nhà xưởng lớn có máy móc hiện đại. Sự khác biệt này có những hạn chế nhưng cũng có nhiều ưu điểm, đó là cái hồn trong từng sản phẩm được những người thợ thể hiện thật trau chuốt tỉ mỉ.
Từ nguyên liệu đất sét thô, người thợ phải thực hiện nhiều công đoạn sàng lọc, loại bỏ tạp chất để thu về loại đất mềm, mịn, dẻo. Nếu đất sét còn lẫn tạp chất hay chưa được lọc kĩ thì sản phẩm sẽ không đạt được kết cấu đúng chuẩn.
Sau khi chuẩn bị nguyên liệu, người thợ tạo nên những đường cong mềm mại cho những sản phẩm gốm trên bàn xoay, hay tỉ mỉ xếp khuôn hình. Vì làm bằng tay nên để có một sản phẩm gốm phải tốn khá nhiều thời gian, tùy vào hình dáng và kích thước. Rồi công đoạn vẽ hình cho sản phẩm, những nét vẽ núi non, cảnh vật, con người… rất đa dạng hình ảnh.
Công đoạn cuối là nung sản phẩm ở nhiệt độ cao, từ 1.300 đến 1.400 độ C trong 4 đến 5 tiếng tùy theo sản phẩm. Vì là gốm nặng lửa nên lò ở đây đều được đốt bằng củi. Trong quá trình đốt phải điều tiết lửa để cho các lưỡi lửa đi chính vào đầu, cuối hay giữa lò.
Mỗi loại củi đốt lại cho ra những màu sắc của men khác nhau vì khi đốt chúng có nhiệt độ khác nhau và những lớp bụi hoa từ củi cũng là yếu tố quan trọng để những điểm nhấn trên lớp men hình thành.
Người làm gốm nơi đây đã dành thời gian nghiên cứu cách pha chế nguyên liệu và thiết kế lò đốt. Và do làm từ những nguyên liệu tuyển chọn, xử lý đất kỹ càng, nung với nhiệt độ cao nên các sản phẩm gốm sứ Đông Triều có độ bền cao và nước men cũng rất trong.
Sản phẩm gốm cũng được xuất khẩu qua nhiều nước, Hàn Quốc, Canada, Ả Rập Thống Nhất, Đài Loan… và được đánh giá cao về chất lượng và mẫu mã. Gốm sứ Đông Triều dù non trẻ nhưng vẫn có cho mình vẻ duyên dáng, mang đến cho đời những tác phẩm nghệ thuật đầy ý nghĩa.