Nếu tính tỉ lệ du khách quốc tế đón được hàng năm trên dân số, thì chắc chắn một điều rằng, chẳng đâu bằng Hồng Kông. Gần 40 triệu du khách trên hơn 7,1 triệu dân, một tỉ lệ đáng mơ ước của bất cứ nơi nào trên thế giới.
Đã đến Hồng Kông một lần, chắc hẳn bạn sẽ muốn đến lần thứ hai, thứ ba… Thực ra, điều gì khiến xứ Cảng Thơm quyến rũ du khách đến vậy?
Sự pha trộn màu sắc
Chẳng có công trình mang tính biểu tượng như tháp Eiffel ở Paris, hay tòa nhà chọc trời Burj Khalifa ở Dubai hoặc hệ thống cung điện cổ kính ở Trung Quốc, những bãi tắm thơ mộng ở Thái Lan, nhưng Hồng Kông vẫn là điểm đến nhộn nhịp của du khách thập phương. Bởi đơn giản, du khách đến từ quốc gia nào, từ nền văn hóa nào cũng sẽ dễ dàng hòa nhập vào xã hội mang tính toàn cầu của Hồng Kông.
Văn hóa Hồng Kông có sự pha trộn đầy màu sắc của Trung Hoa, châu Á và châu Âu. Bên cạnh những lễ hội truyền thống, là các trò giải trí đậm chất phương Tây, chẳng hạn đua ngựa, đua thuyền buồm, bóng bầu dục…
Trong một khía cạnh nào đó, Hồng Kông chẳng khác gì Mỹ ở sự cởi mở của đa sắc tộc. Nguồn nhân lực từ khắp nơi trên thế giới có mặt ở đây, cả nhân sự cao cấp và lao động phổ thông. Công viên Victoria trước khách sạn Park Lane ở Causeway Bay (đảo Hồng Kông) mà tôi ở vào tháng 4 vừa qua là nơi tập trung đông đảo người Indonesia vào những ngày cuối tuần.
Công nhân hoặc những người giúp việc Indonesia tụ tập để gặp gỡ đồng hương, trông như ngày hội. Họ ngồi trong công viên, nằm trên dãy thành tường bê tông thấp, thậm chí ăn uống tại chỗ… Gần đó là các siêu thị bán hàng hóa Indonesia, người ra kẻ vào tấp nập.
Tôi từng rơi vào trạng thái như ở quê nhà khi lần đầu đến Hồng Kông cách đây vài năm. Vừa bước ra khỏi tàu điện ngầm ở ga Mongkok, chen chân trong dòng người ken dày mua sắm ở khu phố cũ kỹ, hoặc đang trên đường vào chợ Quý Bà (Ladies Market) để mua sắm, tôi chợt giật mình khi thấy những bảng hiệu bán phở Việt Nam chìa ra giữa đường sáng lấp lánh.
Ở Hồng Kông, trong những khu phố cũ như Mongkok, bảng hiệu lớn nhỏ cứ ngang nhiên mọc ra giữa đường từ trên cao, trông lộn xộn cả về màu sắc và độ cao, nhưng chẳng gây tí phiền toái nào cho người đi đường, nếu không muốn nói là rất hào nhoáng vào ban đêm. Đó giống như một kiểu văn hóa phô bày còn sót lại trong ý thức hệ của người phương Đông ở một xã hội Tây hóa phần lớn của Hồng Kông.
Sức hấp dẫn của ẩm thực
Ẩm thực Hồng Kông là kiểu ẩm thực của người Quảng Đông, vừa miệng với những ai là người Việt sinh sống ở quận 5. Sức mạnh ẩm thực của Trung Hoa là không thể chối cãi. Nó có mặt ở tận cùng ngõ ngách trên thế giới.
Trong một nền văn hóa ẩm thực đậm chất Trung Hoa và phương Tây như ở Hồng Kông, những tưởng không có chỗ cho phở. Sở dĩ ở Berlin hay Paris, phở sinh sôi mạnh mẽ vì phong cách ẩm thực giữa phở và các món đầy vị béo của phô mai, xúc xích khác nhau. Nhưng tôi đã lầm, phở hiện diện ở không chỉ một, mà rất nhiều nơi tại Hồng Kông.
Hôm ăn sáng trong một nhà hàng dim sum kiểu Hồng Kông trong một trung tâm mua sắm, tôi lại thấy một nhà hàng phở bán kèm các món gỏi cuốn Việt Nam; một nhà hàng món Việt có tên Đà Lạt… Lần khác, ăn trưa trong nhà hàng món Hoa, lại thấy món chè bà ba.
“Chè bà ba” rõ ràng, không hề phiên âm qua tiếng Quảng hay tiếng Anh. Ngay trên The Peak (Đỉnh núi Victoria), nơi du khách thường phải tới khi đến Hồng Kông, cũng có một nhà hàng phở Việt. Ông bà chủ là người Việt, cả các cô cậu bán hàng cũng là người Việt; món phở đích thị là phở kiểu Bắc.
Muốn lên The Peak không dễ. Những ngày cuối tuần, khách phải xếp hàng dài rồng rắn mua vé, rồi tiếp tục xếp hàng lên xe điện (Peak Tram) để lên đỉnh Victoria (núi Thái Bình). Từ đây, khách có thể nhìn bao quát một góc Hồng Kông chen kẹt những nhà cao tầng kéo dài từ bờ biển, lên trên sườn núi.
Trên đỉnh núi có nhiều khu trò chơi, có Bảo tàng Sáp, những trung tâm mua sắm và rất nhiều nhà hàng các kiểu, từ Âu sang Á, nhưng sự hiện diện của nhà hàng phở ở đó có thể nói lên được hấp lực mãnh liệt của món ăn thuần Việt này.
Một góc quê nhà ở Hông Kông không chỉ dừng lại ở ẩm thực. Trong muôn trùng những con đường to nhỏ ở khu mua bán sầm uất bật nhất Hồng Kông là Tsim Sha Tsui, du khách đến từ Việt Nam sẽ phải sững người thấy bảng hiệu con đường mang tên Hà Nội, Hải Phòng trước mặt mình. Hai con đường nhỏ thôi, nhưng tinh tươm sạch sẽ, đủ khiến khách bồi hồi ngỡ mình đang lạc bước ở quê nhà.
Sự hấp dẫn của Hồng Kông, bên cạnh văn hóa ẩm thực đa dạng và mua sắm, còn ở chính sự thuận tiện trong di chuyển mà du khách có được, khi tàu điện ngầm (MTR) kết nối tới hầu hết các điểm tham quan. Từ sân bay quốc tế Hồng Kông, khách có nhiều cách để về trung tâm như đi xe bus, MTR và taxi.
Nếu khách du lịch tự do, có thể mua thẻ thanh toán thông minh Octopus để sử dụng cho nhiều phương tiện vận chuyển (trừ taxi), kể cả thanh toán khi mua sắm, quán ăn, điểm tham quan… Thẻ người lớn là 150 HKD, trong đó có 50 HKD đặt cọc và thẻ trẻ em 70 HKD, có thể trả lại lấy tiền thừa.
Khách cũng có thể đi MTR trực tiếp ở sân bay đến Disneyland. Từ sân bay về trung tâm nếu đi tàu Airport Express chỉ mất 15 phút với khoảng 100 HKD/người; còn đi xe bus mất 45 phút, vé khoảng 40 HKD (1USD bằng 7,7HKD).
Hồng Kông có khí trời mát lạnh từ tháng 11 năm trước đến tháng 4, tháng 5 năm sau và bắt đầu nóng từ những tháng mùa hè, nhưng cũng không lên quá 32độC. Thời điểm thích hợp nhất để du lịch Hồng Kông vào những tháng trước và sau Tết nguyên đán, bởi có khí hậu lạnh dễ chịu và cũng là mùa mua sắm giảm giá lớn nhất trong năm.