Những quả khóm ở làng khóm Cầu Đúc bấy lâu nay nổi tiếng là “đặc sản” hơn 100 năm của người dân Hậu Giang và cả người dân miền Tây. Đến tham quan cánh đồng khóm chắc chắn bạn sẽ săn được những bức ảnh đẹp và có thêm nhiều trải nghiệm mới mẻ.
Ghé thăm làng khóm Cầu Đúc trăm năm ở Hậu Giang
Làng khóm Cầu Đúc nằm bên dòng sông Cái Lớn, thuộc xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, bên kia sông là xã Vĩnh Tuy, huyện Gò Quao, Kiên Giang. Toàn Hậu Giang có khoảng 2.800ha trồng khóm, riêng xã Hỏa Tiến chiếm tới 1.400 ha.
Được biết, khóm trái khi thu hoạch phân làm ba loại dựa vào trọng lượng. Thương lái đến tận nơi mua mang đi tiêu thụ. Trong đó loại một phải đạt từ 1,2kg mỗi trái trở lên, bán được giá nhất. Cây khóm trồng gối vụ nên cho trái quanh năm, giá bán tương đối ổn định. Lúc cao nhất, giá khóm đạt 10.000 – 11.000 đồng mỗi trái.
Khóm Cầu Đúc thường được trồng vào đầu mùa mưa tháng 4, tháng 5. Nếu trồng bằng chồi thân thì 8 – 10 tháng xử lý ra hoa, còn nếu trồng bằng chồi cuống thì 12 tháng mới xử lý ra hoa.
Sở dĩ có tên gọi khóm Cầu Đúc bắt nguồn từ ngày xưa, người dân vận chuyển khóm ở ruộng ra cầu đúc bằng xi măng bắc qua sông Cái Lớn (cầu Cái Tư hiện nay) để bán, rồi từ đó tên khóm cầu Đúc ra đời. Khóm nơi đây cuống ngắn, lõi nhỏ, mắt lồi, thịt màu vàng đậm, ít xơ, ít nước, ăn giòn và ngọt. Từ trái khóm dùng tươi, người dân chế biến ra nhiều sản phẩm như: nước màu, rượu, mứt, nước ép,… Hương vị của khóm Cầu Đúc luôn làm cho những ai khi thưởng thức cũng đều xuýt xoa trước vị ngọt thơm của khóm.
Theo người dân ở đây, bất cứ đám tiệc, lễ, Tết nào cũng có sự góp mặt của khóm. Ăn khóm sống tráng miệng hay dùng khóm làm mứt, chế biến gà hấp khóm, lagu khóm… Ngoài ra, trái khóm còn là “linh hồn” của nhiều món ăn ngon đậm đà hương vị đồng quê như thịt ba rọi xào khóm chua ngọt, canh chua khóm nấu với cá rô đồng hay khóm kho với cá he, cá trê, cá mè vinh…
Theo iVIVU.com