Nhà hát Duyệt Thị Đường được xây dựng dưới thời nhà Nguyễn để làm nơi trình diễn các loại hình nghệ thuật nằm bên trong Tử Cấm Thành. Đây là công trình kiến trúc có quy mô bề thế, với chức năng chính là làm nhà hát cung đình.
Duyệt Thị Đường – Nhà hát cổ nhất của sân khấu truyền thống Việt Nam
Nhà hát được xây dựng vào năm 1826 dưới thời Minh Mạng, trên nền cũ của nhà hát Thanh Phong Đường. Công trình được tu bổ lần đầu vào năm 1829. Trong suốt quá trình tồn tại, nhà hát được tu bổ nhiều lần nhưng quy mô và kết cấu thì không thay đổi.
Nhà hát Duyệt Thị Đường là nơi diễn ra các loại hình nghệ thuật truyền thống: nhã nhạc cung đình, ca múa nhạc cung đình, diễn tuồng, hát bội, kịch… Khán giả của nhà hát là vua, các bà trong cung, các quan đại thần và khách nước ngoài.
Ngoài chức năng chính, đây còn là nơi tổ chức các lễ hội đặc biệt như dịp tứ tuần vua Minh Mạng, Tự Đức, Đồng Khánh, Khải Định… Tham dự có các quan văn võ, các hoàng tử, hoàng đệ… Vào năm 1833 triều đình nhà Nguyễn đã tổ chức đúc tiền “Minh Mạng phi long” ngay tại nơi này.
Xung quanh nhà hát Duyệt Thị Đường có nhiều công trình kiến trúc phục vụ sinh hoạt của triều đình nhà Nguyễn: Sở Thượng Thiện (Ngự Thiện) chế biến, cung cấp thức ăn và chuẩn bị bát đĩa, thìa, tăm… cho Hoàng gia.
Thái Y Viện nằm ở phía Đông Nam, là nơi làm việc của các thầy thuốc trong hoàng cung, chăm lo sức khoẻ của Hoàng đế, Hoàng gia cùng gia đình quan lại. Tại góc Đông Nam là nơi tập trung 3 công trình quan trọng, gồm Thị Vệ Trực Phòng (các thị vệ túc trực), Cẩn Tín Ty (văn phòng nội điện) và Tiên Trượng Khố (nơi để phù hiệu của vua).
Ngoài ra, ở phía Nam còn có một công trình khác là Dưỡng Chính Đường, là nơi ở và học tập của các hoàng tử. Khu vực nhà hát Duyệt Thị Đường là tổng thể kiến trúc đồ sộ, bao gồm nhiều đơn nguyên với các chức năng khác nhau nhằm phục vụ cho những sinh hoạt thiết yếu của triều đình.
Nhà hát Duyệt Thị Đường ngưng hoạt động ngay sau tháng 8 năm 1945. Trong những năm chiến tranh, Duyệt Thị Đường bị tàn phá nặng nề. Trong thời kỳ đất nước bị chia cắt, chính quyền miền Nam đã sửa đổi nhà hát cho phù hợp để làm cơ sở giảng dạy của trường Quốc gia Âm nhạc Huế.
Kết cấu sân vườn bên ngoài Duyệt Thị Đường và tổng thể kiến trúc nói chung đều bị thay đổi: mở một cửa tam quan ở tường thành phía Đông, đồng thời tạo vườn hoa trên phần đất của Sở Thượng Thiện và Thái Y Viện cũ.
Duyệt Thị Đường ban đầu là một ngôi nhà trùng thiềm lớn, mái thắt cổ diềm, lợp ngói thanh lưu ly, mặt bằng hình chữ nhật, dài 45,9m, rộng 34,5m, cấu trúc ban đầu gồm 4 gian 2 chái, mặt quay hướng Đông, xung quanh có hiên rộng 2,8m. Móng xây gạch vồ, trên bó đá sa thạch, nền nhà lát gạch vuông màu đỏ tươi.
Giữa lòng nền nhà có sàn diễn được thiết kế theo dạng sân đình, không có cấp bậc ngăn cách mà được lát phẳng với toàn bộ nền nhà. Sân khấu có dạng gần vuông, được lát bằng gạch men xi măng Pháp, xung quanh được bo diềm bằng loại gạch trang trí hồi văn hình chữ T.
Sân khấu hình chữ nhật, mái cong như mái đình chùa được chống đỡ bằng hàng cột gỗ sơn son. Nhà hát được xây dựng dựa lưng vào Hoàng cung. Cách trang trí của nhà hát rất hài hoà, con rồng Việt Nam được thể hiện khắp nơi. Trần nhà sơn màu xanh lơ với những dấu hiệu của Hoàng cung.
Chân đài dành cho các bà ở Hậu cung, ngai vàng đặt trên một cái bệ đứng riêng. Ở bên phải và bên trái đặt hai hàng ghế dành cho các vị quốc khách, chức sắc ở toà Khâm, cho các tướng lĩnh quân đội và bộ tham mưu. Xa hơn, ở hai bên sân khấu đặt hai dãy ghế dài trải vải điều sẫm dành cho các quan, các vị trong Hội đồng Nhiếp chính và Hội đồng Cơ mật.
Sau thời gian bị lãng quên và xuống cấp, nhà hát Duyệt Thị Đường ngày nay được trùng tu, tôn tạo để bảo tồn và phát huy giá trị của một nhà hát cổ nhất của ngành sân khấu truyền thống Việt Nam. Nhà hát Duyệt Thị Đường và đời sống sinh hoạt văn hoá sẽ là điểm tham quan cuốn hút với đông đảo du khách trong và ngoài nước.