Người dân cổ thành Đại Lý tin rằng Thương Sơn là “ngôi nhà” của rồng thiêng ngự trị, một thành tố trong bốn tinh hoa đất trời là Phong Hoa Tuyết Nguyệt với Thượng quan hoa, Hạ quan phong, Thương Sơn tuyết, Nhĩ Hải nguyệt.
Du lịch Đại Lý thưởng ngoạn Thương Sơn cổ tự
Ở Vân Nam (Trung Quốc), tên gọi Thương Sơn xuất hiện từ thời Đường, với chiều dài hơn 100km nối từ bắc xuống nam, gồm 19 đỉnh, giữa mỗi hai đỉnh núi có một khe suối, dồn nước về cao nguyên Nhĩ Hải tiếp nước cho ruộng đồng của người Bạch sau đó đổ ra hồ Nhĩ Hải. Từ thời Minh đã có truyền khẩu: “Sống dưới bóng Thương Sơn, cả một đời thanh nhàn”… Và những ngày đầu xuân, tôi cũng theo dòng người hành hương đi tìm sự thanh nhàn dưới bóng Thương Sơn hùng vĩ. Ngoài bốn kỳ quan là Phong – Hoa – Tuyết – Nguyệt, người Bạch ở Đại Lý quan niệm mỗi đỉnh núi, mặt hồ, mỗi hòn đá, gợn mây, đều gắn liền với một câu chuyện, một truyền thuyết, một lịch sử được lưu truyền từ ngàn năm qua, đặc biệt nơi những ngôi cổ tự.
Những ngày sống cùng người dân thành cổ Đại Lý, tôi được nghe kể rất nhiều truyền thuyết gắn liền với Phật Bà Quan Âm, và sự tích ấy được lưu dấu rõ nét nhất ở ngôi chùa thờ Phật Bà Quan Âm, được gọi là Quan Âm cổ tự. Tôi đến Đại Lý đúng ngày vía Quan Âm, khắp sân chùa là từng nhóm phật tử đang dâng những lời cầu kinh lên Phật Bà với niềm tin đầy thành kính.
Có một điểm đặc biệt trong ngày vía Quan Âm, là các Phật tử hành hương đến chùa hầu hết là các cụ bà đã vào tuổi ngũ – lục tuần, họ đi theo từng nhóm gia đình, hoặc thôn xóm, mang theo thức ăn chay để ngoài giờ cầu kinh sẽ dùng bữa ngay tại chùa. Việc cầu kinh ở Quan Âm cổ tự đều do nữ giới đảm nhiệm, một số ít nam giới có mặt làm nhiệm vụ viết sớ để các cụ bà dâng lên Phật Bà Quan Âm. Nguyên do được người Đại Lý tin rằng, các cụ bà đều có mối gắn kết mật thiết với hình ảnh Quan Âm hiện thân ở thành Đại Lý khi xưa.
Ngôi chùa cổ Quan Âm được xây dựng từ thời nhà Minh, qua nhiều lần thay đổi, sửa chữa, trùng tu, rất nhiều chi tiết mới đã được thêm vào để ngôi chùa có thêm sự bề thế như hôm nay. Thế nhưng truyền thuyết gắn liền với ngôi chùa này lại có xuất xứ từ thời nhà Hán.
Chuyện kể khi nhà Hán dùng 10 vạn quân chiếm thành Đại Lý, Quan Âm khi ấy đã tỏ lòng thương và hoá thân thành bà lão cõng trên lưng cục đá khổng lồ, khiến quân Hán nhìn thấy khiếp sợ, nghĩ rằng người già ở thành này còn có sức khoẻ phi thường đến thế, nếu người trẻ sẽ còn mạnh hơn, thế nên không dám xâm chiếm thành. Và để tưởng nhớ công ơn Phật Bà Quan Âm, người Đại Lý đã xây trên tảng đá ấy một ngôi chùa còn đến ngày hôm nay.
Không xa với ngôi chùa Quan Âm cổ kính, một di tích nổi tiếng khác gắn liền với các triều vua của đất nước Đại Lý cổ đại là Tam Tháp – biểu tượng văn hoá của Đại Lý. Với kiến trúc độc đáo như cây cột đứng vươn thẳng lên nền trời, lưng tựa vào núi Thương Sơn, mặt quay ra hồ Nhĩ Hải. Đây chính là lối kiến trúc xây tháp từ thời nhà Đường giống với Tây Tự tháp ở thành phố mùa xuân Côn Minh.
Thế nhưng di tích Tam Tháp ở Đại Lý có chiều cao hơn hẳn, xây dựng từ năm 823, với tháp chính có tên gọi Thiên Thuần, gồm 16 tầng, cao đến 69 mét, hai tháp phụ gồm 10 tầng, cao 43 mét. Lịch sử ghi nhận biểu tượng của Đại Lý này đã trải qua hơn 30 trận động đất lớn nhỏ trong suốt 13 thế kỷ, nhưng nay vẫn đứng vững. Dưới tháp chính có ghi dòng đại tự: Vĩnh Trấn Sơn Xuyên, bốn chữ này chính do con nuôi của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương là Chu Vũ Anh viết, với truyền thuyết rằng: Bảo tháp thờ Phật này sẽ vĩnh viễn trấn giữ núi Thương Sơn, không để những loài thủy quái ở hồ Nhĩ Hải lên gây hại cho con người.
Di tích Tam Tháp thuộc khuôn viên chùa Sùng Thánh, ngôi chùa to nhất dòng Hán truyền Phật giáo của Trung Quốc, và là ngôi chùa cổ nổi tiếng ở Vương quốc Đại Lý bởi từng có đến 9 vị vua xuất gia tại ngôi chùa này. Tương truyền chùa được xây dựng từ năm 834, dù nguyên bản đã bị phá hủy nhiều do chiến tranh từ thời Đồng Trị nhà Thanh, nhưng sự bề thế của ngôi chùa vẫn được gìn giữ. Chùa được xây dựng to lớn hơn cả thành cổ Đại Lý, một dấu chỉ minh chứng niềm tin và lòng sùng đạo vô biên của các triều vua cùng người dân thành Đại Lý với Phật giáo.
Ở Sùng Thánh tự cũng có tượng thờ Quan Âm dát vàng trông rất nguy nga, tráng lệ, đặt trong bảo tháp cao 5 tầng lầu để dân thành Đại Lý đến chiêm bái, thờ tự. Khách hành hương khi đến Sùng Thánh tự thường đến Đại Hùng bảo điện để chiêm bái những pho tượng khổng lồ dát vàng, trong đó có Phật Thích Ca cùng hai vị đệ tử A-nan, Ca-diếp. Ngoài yếu tố tâm linh, Đại Hùng bảo điện còn là một không gian của nghệ thuật điêu khắc tôn giáo với các bức phù điêu, tượng thờ các vị thổ thần Phong Lôi vũ điện, các vị La Hán, các tích truyện liên quan đến cuộc đời Đức Phật, được thể hiện sống động, tinh tế. Chuyến du hành đầu xuân qua những ngôi chùa cổ ở Đại Lý như Quan Âm, Tam Tháp, Sùng Thánh tự… sẽ là dịp khám phá nhiều câu chuyện thú vị của những cổ tự này dưới đỉnh Thương Sơn.
Theo Nguyễn Đình/Doanh nhân Sài Gòn