Nằm ở vùng Đông Bắc, huyện đảo Vân Đồn có nguồn lợi thủy sản phong phú có giá trị kinh tế cao. Trong đó, sá sùng là loài hải sản đặc biệt mà khách du lịch Vân Đồn nào cũng ấn tượng.
Du lịch Vân Đồn khó quên đặc sản sá sùng quý hiếm bổ dưỡng
Không giống như những loại khác, khai thác sá sùng dựa vào con nước lên xuống của thủy triều, chỉ khi nước rút mới có thể đào được. Sá sùng là loại đặc sản quý hiếm có tiếng từ lâu chỉ có ở vùng biển Quan Lạn, Vân Đồn.
Từ sá sùng có thể chế biến thành nhiều món ăn đặc trưng biển đảo, sá sùng xào, sá sùng chiên, canh sá sùng lá lốt… ngon mà lạ, mang hương vị mặn mòi của biển cả gây thích thú cho khách du lịch Vân Đồn.
Sá sùng sống ở bãi cát ven biển, nhất là các bãi triều trước và sau của Quan Lạn, còn được gọi là trùng biển, giun biển, địa sâm, sa sùng, sâu biển… Sá sùng Quan Lạn xám hồng, có kích thước lớn hơn ở những nơi khác, trước đây sá sùng chủ yếu dùng làm mồi câu cá.
Đào sá sùng là công việc vất vả, yêu cầu nhanh mắt và nhanh tay, là kinh nghiệm được những người phụ nữ tích lũy sau nhiều năm cầm mai ra bãi biển khai thác bất kể thời tiết.
Hành trang của những người phụ nữ rất đơn giản, nón đội đầu, khăn che kín mặt chỉ chừa lại đôi mắt, mai đào cát và giỏ đựng sá sùng và cặm cụi đi khắp bãi cát.
Khi phát hiện dấu vết sá sùng, người ta nhanh như cắt họ cắm xẻn xuống và hất tung đất lên, nhanh tay bắt ngay con sá sùng vừa trồi lên mặt đất. Bình minh chưa lên, sá sùng đã vùi sâu xuống lòng đất vì thế để phát hiện chúng là không hề dễ.
Mùa sá sùng bắt đầu từ khoảng tháng 3 đến khoảng tháng 10 hàng năm. Người ta chỉ thu mua những con còn nguyên vẹn, vì thế đào sá sùng phải khéo léo sao cho sá sùng không bị đứt.
Sá sùng tươi mang về được chế biến ngay sẽ giữ được vị tươi ngon tuyệt đối. Đầu tiên phải rửa sạch sá sùng, sau đó rạch dọc theo thân, lộn bên trong ra ngoài để chà xát thật kỹ cho hết cát và mùi tanh, sau đó tiếp tục rửa cho đến khi thật sạch, sá sùng có màu trắng hồng.
Sau đó chần sá sùng qua nước nóng 70 độ C, rồi pha nước lạnh, sơ chế sá sùng rất kỳ công. Nấu canh sá sùng kèm các gia vị trong vườn, hành, tỏi, ớt, cần tây và lá lốt là đã có món ăn ngon bổ dưỡng.
Điều quan trọng trong chế biến sá sùng là làm sao giữ được vị tươi ngọt sẵn có. Vì thế nấu sá sùng không cần quá nhiều gia vị, tránh gia vị làm lấn át vị nguyên bản của loài hải sản này.
Ngoài thưởng thức sá sùng tươi, khách du lịch Vân Đồn cũng có cơ hội mang sá sùng khô về làm quà. Những con sá sùng làm sạch được mang xếp ngay ngắn sấy khô trên than tổ ong chứ không phơi nắng như nhiều loài cá, mực… khác.
Sá sùng sau khi sấy khô được đảo qua dầu ăn để làm món sá sùng xào chua ngọt. Người làm phải đảo nhanh tay trên bếp để sá sùng không bị cháy và có màu vàng đẹp mắt. Các gia vị của món này cũng rất đơn giản, hạt tiêu giã nhỏ, chanh và tương ớt, rất thích hợp để làm mồi nhậu.
Thịt sá sùng có chứa 17 nguyên tố khoáng và các loại axit amin cần thiết, bởi vậy sá sùng không chỉ ngon miệng mà còn bổ dưỡng. Do đó, loài hải sản này mang đến giá trị dinh dưỡng, giá trị kinh tế rất lớn cho người dân vùng biển Vân Đồn.
Đi suốt dọc dài đất nước có biết bao nhiêu món ăn làm nên đặc trưng của mỗi vùng, nhưng có lẽ hương vị nồng ngậy, ngọt tươi của sá sùng sẽ để lại ấn tượng khó phai cho những khách du lịch Vân Đồn đã từng thưởng thức để rồi nhớ mãi hương vị món ăn quý này.