Mục lục
- 1. Du lịch thế giới trượt tuyết trên miệng núi lửa ở Nhật Bản
- 2. Zorbing ở New Zealand
- 3. Offroading – hành trình chinh phục những đoạn đường gồ ghề ở Oregon, Mỹ
- 4. Nhảy Bungee ở Ma cao
- 5. Trượt ván ở Na Uy
- 6. Bay lượn trên không trung ở Brazil
- 7. Nhảy dù ở châu Phi
- 8. Nhảy xuống hồ cá mập ở Mexico
- 9. Nhảy từ cao ốc ở Dubai
- 10. Leo núi băng ở Nepal
- 11. Đánh giá
Trượt tuyết trên miệng núi lửa ở Nhật Bản, trượt ván dài ở Na Uy hay bay lượn trên trời Brazil… là những trò được dân ưa mạo hiểm tìm đến khi du lịch thế giới.
Năm 2013, ước tính doanh thu thị trường du lịch mạo hiểm thế giới đạt 63 tỷ USD.
Dưới đây là 10 điểm du lịch mạo hiểm khắc nghiệt nhất thế giới mà có thể bạn chưa từng một lần được ghé chân đến.
Du lịch thế giới trượt tuyết trên miệng núi lửa ở Nhật Bản
Với những người ưa trượt tuyết mạo hiểm, còn gì thú vị hơn việc trượt xuống từ đỉnh núi cao phủ đầy tuyết trắng. Nhưng trượt vào trong một núi lửa đang hoạt động còn thú vị hơn nhiều, bởi nó giúp cơ thể giải phóng một lượng lớn adrenaline (một loại hormone mà cơ thể sản sinh khi đang ở trong trạng thái bị kích thích cao độ…). Tọa lạc trên hòn đảo phía Bắc Nhật Bản có tên Hokkaido, ngọn núi Yotei có địa hình lý tưởng cho những ai muốn thử trượt tuyết cảm giác mạnh. Tham gia hành trình này, bạn sẽ được trải nghiệm cảm giác trượt vào miệng núi lửa. Để lên được đỉnh núi, người chơi phải mất khoảng 6 – 8 tiếng đồng hồ leo bộ vất vả. Hàng năm, có khoảng 20 người trượt vào miệng núi lửa thành công.
Zorbing ở New Zealand
Xứ sở Kiwi vốn nổi tiếng với tinh thần ưa mạo hiểm. Vậy nên, hãy đến với đất nước ở Nam bán cầu này để trải nghiệm trò tiêu khiển rất “kích thích” có tên Zorbing. Được phát minh vào năm 1994 tại thành phố Rotorua, New Zealand, Zorbing là môn thể thao mạo hiểm mà người chơi sẽ chui vào trong một quả cầu được bơm phồng, sau đó được lăn xuống đồi. Quả cầu gồm 2 lớp lồng vào nhau và người chơi sẽ nằm giữa hai lớp ấy. Người chơi có thể lao xuống một mình hoặc với nhiều người khác. Zorb có hai hình thức: với dây an toàn và không, mỗi loại đem lại cho người chơi những trải nghiệm rất khác biệt. Quãng đường bóng lăn thường dài khoảng 800m. Mặc dù được coi mạo hiểm, nhưng môn Zorbing lại tương đối an toàn vì tốc độ quả cầu lăn tối đa chỉ 50km/h. Tuy nhiên, cũng như những môn thể thao mạo hiểm khác, có khá nhiều người tử nạn khi tham gia Zorbing.
Offroading – hành trình chinh phục những đoạn đường gồ ghề ở Oregon, Mỹ
Nếu muốn đua tốc độ, bạn có thể thuê một chiếc xe độc mã chạy trên cát, hoặc chiếc xe địa hình ATV và lao mình dọc bờ biển Oregon nước Mỹ. Những “con ma” tốc độ thường rất “kết” trải nghiệm trên các chặng đường gồ ghề này. Khu vực giải trí quốc gia Oregon trở nên rất phổ biến trong cộng đồng những người thích phiêu lưu, với chặng đường dài 65km.
Nhảy Bungee ở Ma cao
Từ tầng 61, tháp Ma Cao cho phép những người ưa mạo hiểm thực hiện cú nhảy ở độ cao 233m. Tham gia môn thể thao này, người chơi sẽ lao thẳng xuống dưới mặt đất ở tốc độ khoảng 200km/h, và trải nghiệm cú rơi tự do chớp nhoáng trong 5 giây. Với chi phí 320 USD, bạn có thể tận hưởng cảm giác ngoạn mục khi lao xuống từ tháp Ma Cao. Nhưng cũng phải lưu ý rằng, trò này không dành cho những người yếu tim. Vì thế, những ai không có quyết tâm cao thì tốt hơn hết chỉ nên đi dạo chơi vài vòng quanh tháp.
Trượt ván ở Na Uy
Trượt ván (Longboarding) xuống chân đồi đang ngày càng trở nên phổ biến đối với những người cuồng môn thể thao trượt ván. Longboarding vốn không phù hợp để thực hiện trong địa bàn thành thị, nên người chơi thường phải tìm đến những vùng không gian rộng rãi, thoáng đãng có đoạn đường dài với những khúc cua hấp dẫn. Hãy đến với Troll’s Path ở Na Uy để trải nghiệm 11 khúc cua trong một lần trượt.
Bay lượn trên không trung ở Brazil
Đây là trò bay lượn trên không trung phổ biến với dân ưa mạo hiểm tại thủ đô Rio De Janeiro, Brazil. Núi Sugarloaf và tượng chúa Jesus Christ chỉ là hai trong số những cảnh bạn có thể thưởng ngoạn khi đang vi vu trên bầu trời. Gió mát lạnh và không khí trong lành sẽ làm tan biến nỗi sợ độ cao trong bạn.
Nhảy dù ở châu Phi
Nhảu dù (skydiving) là một trong những môn thể thao mạo hiểm phổ biến nhất trên thế giới. Bạn có thể nhìn ngắm thác Victoria, một trong những kỳ quan thiên nhiên đẹp nhất thế giới, sau khi nhảy ra khỏi máy bay và lượn như chim trên không trung. Những người tham gia môn thể thao này có thể lên máy bay và cất cánh từ Livingstone, Zambia đến khu vực thác Victoria rồi thực hiện cú nhảy.
Nhảy xuống hồ cá mập ở Mexico
Lại gần một trong những loài sát thủ ghê gớm nhất nơi biển sâu là điều không nhiều người dám “thử cho vui”. Nhưng đối với dân ưa phiêu lưu thứ thiệt thì đây là một trò rất đáng thử. Dọc theo bờ biển Isla Guadalupe là một trong những khu vực dễ gặp cá mập trắng nhất trên thế giới. Tại đây, bạn sẽ có cơ hội được bơi cùng những loài thú tuyệt vời nhất, tất nhiên khi bạn đang an toàn trong một chiếc lồng. Còn lặn tự do (không lồng bảo vệ) cùng với lũ cá mập trắng chỉ dành cho những ai đang muốn chết mà thôi.
Nhảy từ cao ốc ở Dubai
Hãy tưởng tượng cảnh bạn nhảy xuống từ một trong những tòa nhà cao nhất thế giới với một chiếc dù buộc trên lưng. Đầu năm 2014, Fred Fugen và Vince Reffett đã lập kỷ lục Guinness khi nhảy xuống từ tháp Burj Khalifa – tòa nhà cao nhất thế giới. Tất nhiên là chỉ có những người cực kỳ điêu luyện mới dám thực hiện cú nhảy như vậy. Cặp đôi Fred Fugen và Vince Reffett là thành viên của một tổ chức có tên Soul Flyers, thường xuyên tổ chức những sự kiện nhảy dù từ vật cố định (base jumping), nhảy dù từ máy bay (skydiving) và bay dù lượn (paragliding) trên toàn thế giới.
Leo núi băng ở Nepal
Trong số hơn 2.200 người đã và đang cố gắng chinh phục đỉnh núi cao nhất thế giới, có khoảng 200 người đã bỏ mạng. Đặt chân lên đỉnh Everest là một trong những thách thức khó khăn nhất đối với sức bền của con người trên hành tinh này. Tuy vậy, với những người thích phiêu lưu và ưa mạo hiểm thì trèo lên đỉnh Everest nhất định có trong danh sách việc cần làm trước khi chết. Đầu năm nay, 16 người hướng dẫn đã thiệt mạng do tuyết lở. Hành trình càng có nhiều người tham gia càng gặp nhiều khó khăn. Mỗi năm, những người hướng dẫn đều phải tìm con đường mới để lên đỉnh núi. Lở băng ở Khumbu là một trong những mối nguy hiểm lớn nhất trong quá trình leo núi. Bởi vậy, người ta thường chỉ leo vào lúc sáng sớm trước khi mặt trời mọc để giảm tối đa nguy cơ lở băng.
Theo Vietnamnet