Nếu đã có ý định du lịch Thái Lan, bạn đừng bỏ lỡ chuyến ghé thăm cố đô Lampang ở phía Bắc của đất nước này.
Từ thế kỷ thứ 7, Lampang là một phần của Vương quốc cổ Dvaravati, đến thế kỷ 11, Lampang bị đế chế Khmer chiếm đóng, sau đó, từ thế kỷ 16 đến 18 nằm dưới sự cai trị của Myanmar, những công trình kiến trúc chùa ở đây hầu như mang chút dáng dấp kiến trúc của Myanmar.
Tôi bắt đầu ngày mới ở Lampang bằng bữa sáng trên ban công của một khách sạn nhỏ gần khu bờ sông. Vẫn còn tiếng gà gáy đâu đó ở xung quanh đây. Đã lâu rồi tôi mới nghe lại cái âm thanh này. Lampang là thành phố duy nhất vẫn còn tồn tai chiếc xe ngựa. Một phương tiên đi lại chủ yếu dành cho khách du lịch.
Lampang – Thành phố với biểu tượng chú gà trống
Tương truyền ngày xưa khi Đức Phật trên đường hành đạo đến đây, thần Indra lo lắng người dân sẽ không dậy sớm đón ngài để tỏ lòng tôn kính, thần đã biến mình thành một con gà trống gáy nhằm đánh thức họ. Con gà trống trắng to nhất ở cửa ra vào đền Phra That Luang là biểu tượng của Lampang.
Đi ra ngoài thành phố, tôi đến Trung tâm bảo tồn Voi Thái Lan thuộc Viện Quốc gia Voi với vé vào cửa khoảng 80 baht. Từ năm 1969 đây là nơi chuyên thuần hóa voi rừng để làm phương tiện vận chuyển trong ngành công nghiệp khai thác gỗ. Đến năm 1992, trung tâm này mới chính thức thành lập. Tại đây còn có khu vực điều trị và nghỉ dưỡng cho những con voi già, bị thương hoặc bệnh và bộ phận huấn luyện nghề quản tượng. Đến đây bạn không thể bỏ lỡ màn trình diễn đầy ấn tượng và đặc sắc của các chú voi.
Mở màn sẽ là một khúc dạo nhạc được phát ra từ tiếng kêu nhưng rất thanh của các chú voi. Các chú sẽ quỳ xuống và hất vòi lên để chào khán giả. Tiết mục voi đá banh không kém phần hấp dẫn khi 1 chú đá quả banh vào lưới, một chú đứng ngay trước khung thành sẽ dùng vòi và đấu để cố gắng hất trái banh ra… Tôi không thể tin được là làm sao họ có thể huấn luyện voi được như thế?
Nhưng đến màn các chú voi dùng vòi để vẽ những bức tranh thì lúc này tôi thật sự khâm phục. Phải đến gần, tận mắt chứng kiến những tác phẩm về hoa, cỏ, biển, cây cối thì mới cảm nhận được. Tôi làm một chuyến cưỡi voi dạo quanh khu rừng, voi được huấn luyện chuyên nghiệp tới mức khi có khách chuẩn bi leo lên lưng, các chú tự biết quỳ thấp xuống, dung vòi nâng người lên nhẹ nhàng. Trên đường đi nếu thấy du khách ở phía trước, chú voi sẽ dung vòi chào du khách hay gõ nhẹ vào đầu biểu hiện sự thân thiện. Tôi quá hài lòng với chuyến thăm trại voi này, và mua một bức tranh do chú voi vẽ về làm kỉ niệm.
Với dân số không đông lắm và là thành phố yên tĩnh, Lampang không có chợ đêm và ít khách du lịch phương Tây, nhưng Lampang có một cái gì đó bình yên và cổ kính. Đâu đây vẫn còn những ngôi nhà cổ bằng gỗ nâu theo phong cách Trung Hoa với những chiếc lồng đèn đỏ treo trước cửa nhà.
Người dân nơi đây dường như rất bình dị và thảnh thơi, họ không tất bật, vội vã như ở các thành phố lớn khác của Thái Lan. Họ cứ thong thả đi, thong thả nghỉ, tụ tập trước cửa trò chuyên rôm rả với nhau và luôn nở nụ cười hiền từ cùng động tác cúi đầu và chắp tay với câu chào “Sawadee” khi gặp bất cứ ai, đó là văn hóa của họ.
Một điều đáng chú ý ở đây là những công trình cổ có chút ảnh hưởng từ Myanmar, rõ nét nhất là kiến trúc chùa. Chùa Phrathat Lampang Luong là một trong những ngôi chùa thiêng liêng và nổi tiếng nhất tại Lampang.
Chùa nằm trên cao với một cảnh quang xung quanh là đồ núi thật thanh bình. Điểm nhấn của chùa là tháp lớn được bọc vàng nằm trong khu trung tâm. Xung quanh tháp lớn có nhiều tượng Phật nhỏ được bố trí bốn phía và dưới những mái ngói cong vút là dãy chuông bằng đồng thi thoảng vang tiếng ngân mỗi khi có cơn gió nhẹ thổi qua.
Đến chùa vào buổi chiều gần tắt nắng là thời điểm đẹp nhất để ngắm hoàng hôn. Xung quanh đó vẫn còn bóng dáng những chiếc xe ngựa từ thời cũ xưa mà ngày nay họ vẫn dung làm phương tiện giao thông đi lại kiêm du lịch.