Mục lục
- 1. Tổng quan du lịch Sài Gòn
- 2. Khí hậu
- 3. Phương tiện đi lại khi du lịch Sài Gòn
- 4. Số điện thoại cần biết
- 5. Những khu vực chính của du lịch Sài Gòn
- 6. Những địa điểm du lịch không thể bỏ qua khi du lịch Sài Gòn
- 6.0.1. Hội trường Thống Nhất (Dinh Độc Lập)
- 6.0.2. Nhà thờ Đức Bà
- 6.0.3. Chợ Bến Thành
- 6.0.4. Chợ Bình Tây (Chợ Lớn)
- 6.0.5. Cần Giờ
- 6.0.6. Khu du lịch Suối Tiên
- 6.0.7. Bảo tàng lịch sử Việt Nam
- 6.0.8. Bảo tàng chứng tích chiến tranh
- 6.0.9. Địa đạo Củ Chi
- 6.0.10. Du thuyền dọc sông Sài Gòn
- 6.0.11. Hầm Thủ Thiêm
- 6.0.12. Cầu Thủ Thiêm
- 7. Ăn gì khi du lịch Sài Gòn?
- 8. Đi chơi buổi tối trong chuyến du lịch Sài Gòn
- 9. Mua sắm ở Sài Gòn
- 10. Một số mẹo hữu ích
- 11. Ở đâu trong chuyến du lịch Sài Gòn?
- 12. Một vài địa điểm chụp hình đẹp ở Sài Gòn
- 13. Đánh giá
iVIVU.com giới thiệu cẩm nang du lịch Sài Gòn đầy đủ và súc tích nhất, giới thiệu các điểm đến và món ăn ngon khi bạn có dịp du lịch tới “Hòn ngọc Viễn Đông”.
Tổng quan | Thời điểm du lịch Sài Gòn | Di chuyển | Địa điểm tham quan | Điểm đến không thể bỏ qua | Địa điểm ăn uống | Mua sắm ở Sài Gòn | Mẹo du lịch Sài Gòn |Khách sạn Sài Gòn | Địa điểm chụp ảnh đẹp |
Tổng quan du lịch Sài Gòn
Được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông”, TP.HCM từ lâu đã là trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của Việt Nam.
Du lịch đến với Sài Gòn – TP.HCM hơn 300 năm tuổi, bạn có thể gặp những tòa nhà cao tầng nằm san sát, những khu vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm sầm uất, nhưng cũng không thiếu những biệt thự cổ kính, những ngôi chợ truyền thống tồn tại đã hàng trăm năm. Sài Gòn rộng lớn và không thiếu những “đặc sản” du lịch như Du ngoạn ven sông Sài Gòn bằng tàu, thăm phố Tây Phạm Ngũ Lão, mua sắm ở chợ Bến Thành hay về với biển Cần Giờ….
Khí hậu
TP.HCM có 2 mùa phân hóa rõ rệt: Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4. Nếu đến đây vào mùa mưa, bạn nên mang theo ô (dù) hoặc áo mưa khi ra ngoài vì Sài Gòn nổi tiếng với nhiều cơn mưa bất chợt. Mưa rồi lại tạnh, tạnh rồi lại mưa. Ngoài ra, TP.HCM cũng là nơi tràn ngập nắng vàng. Ước tính, ở đây có tới 270 giờ nắng một tháng, nhiệt độ trung bình 27°C, cao nhất lên tới 40 °C nhưng không quá gay gắt như những nơi khác.
Phương tiện đi lại khi du lịch Sài Gòn
Phương tiện đi lại chủ yếu cho du khách du lịch Sài Gòn chủ yếu là xe máy, kế đó là ô tô, xe đạp, xe buýt, xe xích lô. Phương tiện di chuyển công cộng rẻ nhất là xe buýt chỉ 5.000VND/tuyến, kế đó là xe ôm và và taxi. Hiện nay, mật độ giao thông ở TP.HCM khá đông đúc, nhiều đoạn đường trong thành phố xảy ra tình trạng kẹt xe vào giờ tan tầm: từ 7h00 – 8h00 sáng và 17h00 – 18h00 chiều.
Số điện thoại cần biết
• Bệnh viện Đại học Y dược: 08 3855 4269
• Bệnh viện Q.1: 08 38202060
• Bệnh viện Chợ Rẫy: 08 38554137
• Bệnh viện FV: 08 54 11 33 33
• Chữa cháy: 114
• Công An: 113
• Cấp cứu: 115
Những khu vực chính của du lịch Sài Gòn
Với bề dày lịch sử phát triển, TP.HCM ngày nay rất rộng lớn và đông đúc với hơn 8 triệu dân. Để giúp bạn không bị “ngợp” trước sự náo nhiệt giữa đô thị này, iVIVU.com xin nêu ra những khu vực chính ở Sài Gòn mà bạn có thể ghé qua.
Ven sông Sài Gòn
Khu vực sầm uất nhất ven sông Sài Gòn là đường Tôn Đức Thắng, cũng thuộc trung tâm TP.HCM. Con đường này có những khách sạn và những nhà hàng cao cấp, từ đó có thể ngắm cảnh sông Sài Gòn thi vị vào các buổi chiều. Ở đây có bến tàu để du khách tham gia một chuyến du ngoạn sông Sài Gòn hoặc thử cảm giác ăn tối tại các nhà hàng nổi trên sông.
Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn
Đây là khu vực trung tâm thuộc Q.1, TP.HCM. Khu vực Nhà Thờ thể hiện rõ rệt “tính cách” của thành phố Sài Gòn. Gần nhà thờ cổ kính là hình ảnh đối lập với những tòa cao ốc bê tông cốt thép thời hiện đại. Từ nhà thờ Đức Bà, bạn có thể sang thăm dinh Độc Lập, mua sắm ở Diamond Plaza, dạo phố Đồng Khởi, qua Hồ Con Rùa, uống cà phê bệt ở đường Hàn Thuyên…
Đường Nguyễn Huệ – Quận 1
Đây là con đường thuộc khu vực trung tâm TP.HCM, hai bên đường có nhiều khách sạn, khu mua sắm cao cấp, một số căn đã tồn tại từ hàng trăm năm nay, mang dáng dấp kiến trúc châu Âu cổ điển. Đi thẳng đường Nguyễn Huệ theo hướng Đông Nam bạn sẽ đến con đường Tôn Đức Thắng ở ven sông Sài Gòn. Đặc biệt, mỗi dịp Tết Âm lịch hàng năm, đường Nguyễn Huệ trở nên vô cùng rực rỡ, nơi muôn hoa tụ hội về khoe sắc đón xuân. Đường hoa được trưng bày trong khoảng 7 – 10 ngày, thường từ 28 tháng chạp đến mùng 5 Tết.
Chợ Bến Thành
Có từ thế kỷ thứ 19, chợ Bến Thành như một nhân chứng lịch sử qua nhiều biến động của thời cuộc. Chợ có 4 cổng Đông-Tây-Nam-Bắc quay ra các con đường chính ở trung tâm Sài Gòn. Đến đây, du khách có thể mua sắm rất nhiều các sản phẩm lưu niệm, vải vóc, quần áo, đồ thủ công mỹ nghệ.
Khu phố Tây
“Phố Tây” gồm đường Phạm Ngũ Lão, Đề Thám và các khu phố lân cận tại trung tâm của Q.1, TP.HCM. Địa danh này đã được tạp chí du lịch nổi tiếng Lonely Planet đưa vào danh sách hướng dẫn cho du khách khi đến tham quan TP.HCM. Phố Tây ở rất gần chợ Bến Thành, bến xe buýt chung chuyển khách đi khắp thành phố.
Khu người Hoa – Quận 5
Khu phố người Hoa là trung tâm buôn bán sầm uất bậc nhất ở Sài Gòn. Nơi đây cũng là khu vực sinh sống tập trung đông đúc của người Hoa tại miền Nam. Tại đây bạn có thể thưởng thức một nền ẩm thực hết sức phong phú, có những món ăn mang đậm phong cách Trung Hoa nhưng cũng có những món ăn đã được thay đổi đôi chút cho phù hợp với người Việt Nam. Xung quanh khu phố người Hoa là các chợ bán buôn và bán lẻ lớn nhất như chợ Bình Tây, chợ Kim Biên, chợ vải Soái Kình Lâm…
Những địa điểm du lịch không thể bỏ qua khi du lịch Sài Gòn
Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh với 300 năm lịch sử có nhiều địa danh hấp dẫn cả về giá trị lịch sử và cảnh quan. Nếu đã du lịch Sài Gòn, bạn hãy dành thời gian để tìm hiểu những nơi này nhé!
Hội trường Thống Nhất (Dinh Độc Lập)
Công trình được thiết kế theo phong thuỷ và kiến trúc phương Đông nhưng lại rất hiện đại. Tham quan dinh Độc Lập, du khách có thể chiêm ngưỡng tận mắt nhiều vật phẩm từ chế độ cũ cũng như những chứng tích ghi dấu thời khắc ngày độc lập 30.4.1975.
Giờ mở cửa: Sáng 7h30 – 11h00, chiều từ 13h00 – 16h00 (hàng ngày); Địa chỉ: 135 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P.Bến Nghé, Q.1; Giá vé: Người lớn:30.000VND/người/lần, sinh viên: 15.000VND/người/lần, học sinh: 3.000VND/người/lần, khách theo đoàn từ 20 người sẽ được giảm 1/3 giá vé; Gửi xe máy tại: Cổng Dinh Độc Lập bên đường Nguyễn Du, bãi gửi xe ở công viên Tao Đàn trên đường Huyền Trân Công Chúa.
Nhà thờ Đức Bà
Tọa lạc ngay trục đường chính ở trung tâm thành phố, hiện nay nhà thờ Đức Bà dần trở thành biểu tượng của thành phố Sài Gòn. Nơi đây nổi bật với kiến trúc Châu Âu kết hợp phong cách Roman và Gothic tuyệt đẹp, cùng cặp chuông lớn nhất Việt Nam. Nhà thờ Đức Bà là ngôi thánh đường đẹp nhất và quan trọng nhất của giáo phận Sài Gòn, niềm tự hào của người dân thành phố. Khu vực xung quanh nhà thờ Đức Bà có cảnh quan đẹp nhất tại Sài Gòn.
Giờ mở cửa: Tham quan: Sáng 8h30 – 10h00, chiều 14h30 – 15h30 (Thứ 2 – Thứ 6); Thời gian diễn ra Thánh lễ: Sáng 5h30, chiều 17h00 (T2 – T7), Chủ nhật.: 5h30, 6h30, 7h30, 9h30 (dành cho người nước ngoài), 16h00, 17h00, 18h30; Địa chỉ: Số 1 Công xã Paris, P.Bến Nghé, Q.1.
Chợ Bến Thành
Khu Chợ tọa lạc ngay trung tâm thành phố, 4 cửa hướng ra quảng trường Quách Thị Trang và các con đường lớn khác của thành phố như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và Lê Thánh Tôn. Bên trong chợ bày bán đủ các mặt hàng truyền thống, hiện đại có thể làm quà cho gia đình, bạn bè. Về đêm, xung quanh chợ trở nên nhộn nhịp hơn với những cửa hàg quần áo, quán ăn tấp nập khách ghé thăm.
Giờ mở cửa: 7h00 – 19h00 hàng ngày; Địa chỉ: Nằm giữa các đường Phan Bội Châu – Phan Chu Trinh – Lê Thánh Tôn – Công trường Quách Thị Trang, P.Bến Thành – Q.1.
Chợ Bình Tây (Chợ Lớn)
Nằm trong Khu phố người Hoa, Chợ Lớn là khu chợ đầu mối cung cấp hàng hóa cho nhiều tỉnh thành tại Nam Bộ và cả nước. Hàng hóa có từ thực phẩm khô, ngũ cốc, hải sản khô đến quần áo, giày dép, đồ chơi trẻ em Thuộc khu vực có nhiều người Hoa sinh sống nên nhiều tập tục sinh hoạt, cung cách hoạt động của Chợ Lớn cũng bị ảnh hưởng nhiều.
Giờ mở cửa: 7h00 – 18h00 hàng ngày; Địa chỉ: 57A Tháp Mười, P.12, Q.6
Cần Giờ
Cách trung tâm TP.HCM khoảng 50 km, Cần Giờ vừa có rừng, vừa có biển nên rất sẵn hải sản tươi sống. Ngoài ra cũng có nhiều điểm tham quan khá hấp dẫn như rừng ngập mặn Vàm Sác, Đảo Khỉ, khu du lịch và bãi biển 30 Tháng 4, Lăng Ông Thủy Tướng Nam Hải… Hàng năm vào ngày 16/8 âm lịch lễ hội Nghinh Ông tổ chức rất trọng thể tại đây với hàng trăm ghe tàu tham dự.
Di chuyển: Từ chợ Bến Thành bạn bắt tuyến xe buýt đi Nhà Bè, xe sẽ dừng ở ngay đầu bên này của phà Bình Khánh. Bạn mua vé qua phà, sau khi qua phà (đã đến Cần Giờ) bạn bắt tiếp một tuyến xe buýt nữa để đi ra biển. Trên đường đi nếu muốn ghé tham quan điểm nào thì xin xuống vì xe ở Cần Giờ không có trạm để đón hay xuống; Đi bằng xe máy: Từ đại lộ Nguyễn Văn Linh, Q.7 rẽ phải sang đường Huỳnh Tấn Phát, thẳng đến cuối đường là phà Bình Khánh. Qua phà cứ chạy thẳng một đường là đến thị xã Cần Thạnh, nơi có bãi biển Cần Giờ và nhiều điểm tham quan khác dọc con đường này.
Khu du lịch Suối Tiên
Nằm ở cửa ngõ Ðông Bắc Sài Gòn, cách trung tâm thành phố 19km, Suối Tiên là điểm vui chơi giải trí thu hút nhiều khách du lịch khi đến với TP.HCM. Suối Tiên còn là nơi giáo dục văn hoá lịch sử qua những khu tham quan xây dựng dựa trên ý tưởng các truyền thuyết, huyền tích của dân tộc và tư tưởng đạo học phương Ðông.
Giờ mở cửa: 8h00 – 17h30 (T2 – T6), 8h00 – 18h00 (T7 và CN), 6h30 – 22h00 (Lễ Tết). Vé vào cổng: 60.000VND/người lớn, 30.000VND/trẻ em; Vé các trò chơi: 5.000 – 40.000VND/lượt; Địa chỉ: 120 Xa Lộ Hà Nội, P.Tân Phú, Q.9; Di chuyển từ chợ Bến Thành: Đi bằng xe Buýt số 19 hoặc đi xe máy qua hầm Thủ Thiêm, thẳng xa lộ Hà Nội là đến.
Bảo tàng lịch sử Việt Nam
Bảo tàng lịch sử Việt Nam được xây dựng năm 1929, tiền thân là Viện Bảo tàng Blanchard de la Brosse. Đến tham quan tại đây, bạn sẽ được chiêm ngưỡng, tìm hiểu về hàng chục ngàn hiện vật rất có giá trị Ngoài ra, bảo tàng còn có trên 25.000 sách báo và tài liệu quý cho việc nghiên cứu khảo cổ học, dân tộc học, sử học, bảo tàng học…
Giờ mở cửa: Sáng 8h00 – 11h30; chiều 13h30 – 16h30 (T3 – CN); Vé vào cổng: 2.000VND/người lớn, 1.000VND/trẻ em (khách Việt), 15.000VND/người (khách nước ngoài); Địa chỉ: Số 2 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, P.Bến Nghé, Q.1 (bên cạnh Thảo cầm viên).
Bảo tàng chứng tích chiến tranh
Du khách đến đây sẽ cảm nhận chân thực nhất về một thời kỳ chiến tranh ác liệt, để thêm trân trọng những gì đang có ở hiện tại. Các hiện vật như máy bay, đại bác, xe tăng, máy chém và hai ngăn “chuồng cọp” được xây dựng đúng kích thước ở nhà tù Côn Đảo. Ngoài ra còn có phòng trưng bày về Chiến tranh biên giới Tây Nam, chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, vấn đề quần đảo Trường Sa, âm mưu của các thế lực thù địch…
Giờ mở cửa: Sáng 7h30 – 12h00, 13h30 – 17h00 (hàng ngày); Vé vào cổng: 15.000VND/lượt/người (khách nước ngoài), 2.000VND/lượt (khách Việt Nam); Địa chỉ: Số 28 đường Võ Văn Tần, Q.3.
Địa đạo Củ Chi
Địa đạo Củ Chi cách TP.HCM 70 km về phía Tây Bắc. Đây là nơi thu nhỏ trận đồ biến hóa của quân và dân Củ Chi trong cuộc kháng chiến ác liệt suốt 30 năm. Địa đạo Củ Chi khiến thế hệ ngày nay thán phục bởi công trình nằm sâu trong lòng đất, có nhiều tầng, nhiều ngõ ngách như màng nhện, có nơi ăn ở, hội họp và chiến đấu với tổng chiều dài hơn 200 km.
Địa đạo Củ Chi có hai điểm:
Địa đạo Bến Dược: Căn cứ Khu ủy & Quân khu Sài Gòn – Gia Định được bảo tồn tại ấp Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi. Đường đi: Tuyến 13 và 79, đón xe buýt số 13 từ Bến Thành đi bến xe Củ Chi, sau đó đón xe 79 từ bến xe Củ Chi đến Bến Dược.
Địa đạo Bến Đình: căn cứ Huyện ủy huyện Củ Chi được bảo tồn tại ấp Bến Đình, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi. Đường đi: Du khách đón tuyến xe buýt số 4 từ Bến Thành đến Bến đi An Sương. Sau đó tiếp tục đón tuyến 122 từ Bến xe An Sương đi An Nhơn Tây, xuống xe.
Lưu ý chung:
• Tổng thời gian tham quan và di chuyển: Nửa ngày
• Giá vé: 100.000VND/người nước ngoài, 20.000VND/khách Việt Nam. Vào địa đạo du khách sẽ được ăn khoai mì và uống trà miễn phí.
• Phương tiện đi lại khác: Nếu đi bằng xe máy bạn cứ đi theo lộ trình xe buýt, nếu bỡ ngỡ có thể hỏi thăm đường. Thuê taxi từ trung tâm TP đến địa đạo hết khoảng 600.000 – 700.000VND/lượt. Có thể thuê xe du lịch trọn gói giá rẻ hơn đi taxi một chút.
• Nên mang theo giầy thể thao để tiện di chuyển trong địa đạo.
Du thuyền dọc sông Sài Gòn
Dòng chảy quanh co uốn lượn của sông Sài Gòn qua địa bàn thành phố dài 37km chính là một không gian cảnh quan rất đẹp. Hãy thử một lần trải nghiệm chuyến du thuyền ven sông, bạn sẽ được khám phá những nét rất riêng của Sài Gòn với cảnh đẹp dân dã, man mác của sông nước giữa chốn đô thị náo nhiệt. Các hình thức tham quan gồm có: du ngoạn trên thuyền dọc sông đến Nhà Bè, Cần Giờ; Ca nô đi Lái Thiêu; ngoạn cảnh kèm ăn tối trên tàu nhà hàng Tùy thuộc theo chất lượng dịch vụ, chi phí cho một chuyến du ngoạn dọc sông Sài Gòn giá từ 80.000VND/người trở lên.
Địa chỉ: Nhiều chuyến du ngoạn trên sông Sài Gòn bắt đầu từ bến cảng Bạch Đằng trên đường Tôn Đức Thắng (Q.1, TP.HCM) hoặc cảng Sài Gòn ở số 3 Nguyễn Tất Thành, Q.4, TP.HCM. Bạn có thể liên hệ trực tiếp với tàu du lịch Sài Gòn: 083 8230 393, tàu du lịch Bến Nghé: 08 8231 475, tàu du lịch 168: 083 8296 820, tàu du lịch Mỹ Cảnh: 083 8223 299.
Hầm Thủ Thiêm
Hầm vượt sông lớn nhất Đông Nam Á và toàn tuyến Đại lộ Đông Tây TP. HCM khánh thành ngày 20/11.
Cầu Thủ Thiêm
Với vị trí đắc địa nằm vắt ngang khúc sông Sài Gòn uốn lượn quanh khu trung tâm TPHCM tuyệt đẹp, cầu Thủ Thiêm đã dần dần trở thành điểm đến ưa thích của các bạn trẻ Sài thành hiện nay, không thua kém gì cà-phê bệt ở nhà thờ Đức Bà.
Sau một ngày làm việc vất vả, cầu Thủ Thiêm quả là nơi gặp nhau tuyệt vời giữa vô vàn quán cà-phê sang trọng. Đứng trên cầu, vừa ngắm nhìn cảnh thành phố về đêm lấp lánh ánh đèn vừa khoan khoái đón những làn gió lộng mát rượi, thật sự rất dễ chịu. Đó thật sự là 1 sự trải nghiệm mà du khách không nên bỏ qua.
Ăn gì khi du lịch Sài Gòn?
TP.HCM là nơi tập trung dân cư thuộc tất cả các vùng miền trên cả nước. Vì thế ẩm thực ở đây vô cùng phong phú với những món ăn đặc trưng Nam Bộ hay món ăn du nhập từ các miền đất trên cả nước. Du lịch Sài Gòn, bạn hãy nếm thử những món ăn ngon miệng ấy nhé!
Bún mắn, lẩu mắm
Lẩu mắm ngon nhất thì phải về miền Tây (Cần Thơ, Vĩnh Long, Long An), nhưng nếu không có thời gian thì bạn có thể thưởng thức lẩu mắm ngay tại Sài Gòn. Nồi lẩu mắm quan trọng nhất là nước dùng, phải chế biến từ loại mắm ngon, nêm nếm khéo léo cho vừa ăn. Lẩu mắm ở Sài Gòn thường có rau muống, kèo nèo, bông súng, đậu bắp, bạc hà, bắp chuối, rau nhút.
Một vài địa chỉ nổi tiếng: Lẩu mắm Nam Bộ 94AB Cao Thắng, P.4, Q.3, giá: 160.000 – 240.000VND; Lẩu mắm Ăn là khen: 11 Hồ Biểu Chánh, P.12, Q. Phú Nhuận, giá: Lẩu mắm: 210.000 – 300.000VND.
Giống như lẩu mắm, nước dùng là thành phần quan trọng nhất của món bún mắm. Tô bún mắm ngon không quá ngọt, quá mặn hay cay nhưng cũng không hề nhạt nhẽo, nhất là không thể thiếu vị thơm nức của mắm. Ăn bún mắm ngoài lát cá, thịt heo quay, tôm, mực, không thể thiếu đĩa rau sống với rau đắng, bắp chuối, kèo nèo, cọng bông súng, húng thơm. Một số quán ăn ghi điểm thêm nhờ tô nước mắm me chua chua ngọt ngọt rất hấp dẫn.
Một vài địa chỉ nổi tiếng: Bún mắm Huỳnh Lâm (gia truyền Bạc Liêu), 37A Gò Dầu, Q. Tân Phú: 28.000VND/tô; Quán bún mắm 444 – 369 Lê Quang Định, P.5, Q.Bình Thạnh, mở cửa từ 9h đến 21h hàng ngày, trừ ngày rằm và mùng 1, giá 35.000VND/tô, bún mắm 528 Phan Văn Trị, Q.Gò Vấp, giá 30.000VND/tô.
Bún bò Huế
Bún bò Huế là một trong những đặc sản của xứ Huế, từ lâu cũng trở nên rất phổ biến tại Sài Gòn. Trong nước dùng của bún, người Huế thường nêm vào một ít mắm ruốc, góp phần làm nên hương vị rất riêng.
Bạn có thể dễ dàng thưởng thức món ăn bình dân này tại nhiều con phố ở Sài Gòn, giá từ 20.000VND/tô. Một vài địa chỉ nổi tiếng: Bún bò Thành Nội Huế, 47A Trần Cao Vân, Q.3 (gần vòng xoay hồ Con Rùa); Bún bò Huế Đông Ba, 110A Nguyễn Du, P. Bến Thành, Q.1
Lẩu cá kèo
Lẩu cá kèo là món ăn mang hương vị miền Nam đặc trưng. Món lẩu từ cá kèo thường được nấu kèm với lá giang tạo nên vị chua chua, chát chát đặc trưng. Rau dùng với lẩu cá kèo gồm rau muống, rau nhút và rau đắng, giá, hoa chuối… Mang hương thơm hấp dẫn của rau và gia vị đặc trưng, nồi lẩu cá kèo bốc lên sẽ thơm lừng, khó quên.
Một vài địa chỉ nổi tiếng: Số 4 Nguyễn Thị Diệu, P.6, Q.3, các quán lẩu cá kèo trên đường Sư Thiện Chiếu.
Mì-hủ tiếu-hoành thánh
Những món ăn này tuy không phải nguồn gốc bản địa song giờ đây cũng trở thành nét đặc trưng của Sài Gòn. Với người dân Sài Gòn, món này dễ ăn và khá được ưa chuộng. Tuy nhiên với dân Bắc, món này có vị hơi ngọt, có thể không quen khi thưởng thức lần đầu. Các quán hủ tiếu rất sẵn trên bất kỳ còn đường, ngõ hẻm nào của Sài Gòn với giá từ 20.000VND/tô.
Một vài địa chỉ nổi tiếng: Hủ tiếu mì trên đường Mạc Thị Bưởi (Q.1), hủ tiếu cá gà trên đường Tôn Thất Đạm (Q.1), hủ tiếu mì vàng trên đường Hải Thượng Lãn Ông (Q.5), hủ tiếu 46/102 Võ Văn Tần, Q.3, mì Vịt tiềm trên đường Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình), mì chú Tắc: 22 Bà Huyện Thanh Quan, Q.3.
Bánh tráng Trảng Bàng
Đây là món ăn của người Tây Ninh, ngoài bánh tráng phơi sương còn có bánh canh, bánh tráng được ăn với thịt heo luộc, thịt bò luộc, cùng với rất nhiều loại rau và mắm nêm đặc trưng của người miền Tây.
Một vài địa chỉ nổi tiếng: Bạn có thể ăn bánh tráng Trảng Bàng ở hệ thống cửa hàng của Hoàng Ty, hoặc bánh tráng Trảng Bàng 411 – 413 Nguyễn Tri Phương, Q.10.
Bò tơ Củ Chi
Miếng thịt bò mềm ngọt được quấn với các loại rau tươi rói của Nam Bộ và bánh tráng, ăn với nước chấm chua ngọt pha rất khéo đã làm nên đặc sản bò tơ Củ Chi nổi tiếng. Hiện nay nhiều nhà hàng ở Sài Gòn đã phục vụ món nay nhưng thực khách vẫn chưa tìm được nơi nào có thể sánh ngang với bò tơ chính gốc tại Củ Chi.
Một vài địa chỉ nổi tiếng: Quán bò tơ Xuân Đào – Đi thẳng trên đường Quốc lộ 22, Qua ngã tư Trung chánh và đến cầu vượt Củ Chi, nhìn phía tay phải sẽ thấy quán bò tơ Xuân Đào, huyện Củ Chi; Bò tơ Hồng Đào cũng ở Quốc lộ 22 nhưng bên tay trái.
Bánh xèo Nam Bộ
Bánh xèo có vỏ bánh vàng ruộm ở bên ngoài, bên trong có nhân tôm, thịt, giá đỗ, đúc thành hình tròn hoặc gấp lại thành hình bán nguyệt. Bánh xèo miền Nam có trứng, khi ăn chấm nước mắm chua ngọt và rất nhiều loại rau và lá cây tại miệt vườn. Tại một số nhà hàng người ta cho thêm các loại nấm làm nhân bánh xèo ăn rất ngon miệng và bớt ngán.
Một vài địa chỉ nổi tiếng: 46A Đinh công Tráng, Q.1; Mười Xiềm, 190 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P.6, Q.3; Ăn Là Ghiền, 74 Sương Nguyệt Ánh, P.Bến Thành, Q.1.
Gỏi cuốn
Nguyên liệu để có một cuốn gỏi cuốn chất lượng là phải đầy đủ: rau, bún, tôm, thịt ba chỉ và tất nhiên không thể thiếu bánh tráng dẻo để cuốn bên ngoài. Tuy nhiên, điều chính yếu để có thể cảm nhận một cuốn gỏi ngon là thành phần nước chấm của nó. Người Nam hay dùng gỏi cuốn chấm với tương đen vì nó có vị ngòn ngọt, cộng thêm đậu phộng và đồ chua nữa. Gỏi cuốn bình dân, thân thuộc đến thế nhưng lại lá 1 trong 50 món ăn ngon nhất thế giới do CNN bình chọn. Gỏi cuốn được bày bán rộng rãi ở khắp các hàng rong, quán cóc, chợ và cả siêu thị giá chỉ 3.000VND/cuốn.
Một số địa chỉ cho bạn: Vỉa hè công viên Lê Văn Tám (đường Hai Bà Trưng), siêu thị BigC, siêu thị Coopmart…
Các món Ốc
Quán ốc ở Sài Gòn là từ gọi chung, bởi ở đó còn có nhiều loại hải sản khác. Rủ nhau đi ăn ốc cũng là để thưởng thức một thế giới nhuyễn thể thân mềm và giáp xác phong phú, từ nghêu, sò, ốc, hến, đến cua, ghẹ, mực, tôm Có đủ cách chế biến ở Sài Gòn để món ốc luôn hấp dẫn, từ hấp, luộc, xào, chiên, rang đến nướng mọi, đút lò với đủ thứ gia vị như tỏi, hành, tiêu, ớt, rau răm, sả, gừng, húng quế, phô mai, bơ.
Một vài địa chỉ nổi tiếng: Ốc Đào 2- 132 Nguyễn Thái Học, Q.1; Ốc Quang Anh, 189 Tô Hiến Thành, P13, Q.10; Ốc số 9, 23 Nguyễn Văn Giai, P. Ða Kao, Q.1; Ốc cô Hồng, hẻm 177 đường 3/2, Q.10; Ốc Xinh, 002 Lô B5 chung cư P.3, đường nội bộ 12B, Khánh Hội, Q.4; Quán Ốc Việt: 237/50 Trần Văn Đang, P.11, Q.3.
Các món chè
Chè miền Nam rất phong phú, từ các loại chè nóng như chè bà ba, chè chuối thưng, chè khoai môn đến chè lạnh như chè đậu đen, chè thập cẩm, chè Huế, chè của người Hoa đều rất hấp dẫn với vị nước cốt dừa béo ngậy và vị ngọt, bùi của nguyên liệu.
Một vài địa chỉ nổi tiếng: Chè Kỳ Đồng, 153/7 Kỳ Đồng, P.9, Q.3; Hà Kí, 140 Châu Văn Liêm, Q.5; Chè Nam Bộ 16/1A Đinh Tiên Hoàng, P.Đa Kao, Q.1; Chè mâm 12 món – số 032 lô H, chung cư Ngô Gia Tự, đường Sư Vạn Hạnh, Q.10.
Đi chơi buổi tối trong chuyến du lịch Sài Gòn
Chuyến thăm thú thành phố Sài Gòn sẽ càng thêm thú vị với chuyến vi vu buổi tối của bạn. Ở Sài Gòn có rất nhiều điểm vui chơi giải trí hấp dẫn, hoạt động nhộn nhịp mỗi khi thành phố lên đèn.
Quán Bar
Quán bar là nơi giải trí thú vị ở Sài Gòn. Một số bar nổi tiếng gồm: Sahara Bar, 227 Phạm Ngũ Lão, Q.1; Go2 Bar 187 Đề Thám, Q.1, Vasco Bar, 16D Cao Bá Quát; Saigon Saigon Bar, 19 Lam Sơn, 224 Đề Thám, phường Phạm Ngũ Lão…
Giải trí
Xem phim tại MegaStar Hùng Vương 126 Hùng Vương, Q.5; Galaxy Cinema 116 Nguyễn Du, Q.1; Diamond Cinema, tầng 13 Diamond Plaza, 34 Lê Duẩn, Q.1; Cinebox 212, 212 Lý Chính Thắng, Q.3.
Các địa chỉ thường xuyên có xuất diễn kịch: Kịch Hồng Vân, 70-72 Nguyễn Văn Trỗi, Q.Phú Nhuận; Sân khấu Idecaf, 7 Trần Cao Vân, Phường Đa Kao, Quận 1; sân khấu Hoàng Thái Thanh, 36 Lê Quý Đôn, Phường 7, Quận 1; sân khấu 5B, 5B Võ Văn Tần, Q.3.
Mua sắm ở Sài Gòn
Ở Sài Gòn có rất nhiều khu chợ và các trung tâm mua sắm sầm uất. Các tín đồ shopping chắc chắn sẽ “bội thu” ở thành phố này vì hàng hóa đa dạng, đủ loại từ bình dân đến xa xỉ nhất.
Chợ Bến Thành
Phục vụ đối tượng chính là khách du lịch, chợ Bến Thành bày bán rất nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ, quần áo, vải vóc, giày dép Ngoài khu bán hàng của Saigon Co.op có niêm yết giá bán, bạn nhớ xem xét giá thật kỹ trước khi mua hàng nhé.
Saigon Square 1&2, Taka Plaza
Đây là địa chỉ mua sắm ưa thích của rất nhiều nữ công dân Sài Gòn. Với thế mạnh về quần áo, giày dép, túi xách, hàng bình dân và trung cấp, Sài Gòn Square thường xuyên tấp nập khách hàng, đặc biệt vào cuối tuần. Mua sắm ở đây cũng nên trả giá cẩn thận, có chỗ nói thách rất cao (gấp đôi). Saigon Square 1 (Ngã Tư Nam Kì Khởi Nghĩa – Lê Lợi ( gần nhà hàng Hoàng Thành ), Quận 1, Saigon Square 2 – 7-9 Tôn Đức Thắng, Địa chỉ: Phường Bến Nghé Quận 1.
Chợ Bình Tây
Là chợ bán sỉ, hàng hóa ở chợ này rất rẻ nếu mua với số lượng lớn. Tuy nhiên, mua lẻ thì giá không rẻ được bao nhiêu mà người bán ít nhiệt tình. Nhiều cửa hàng ở chợ Bình Tây niêm yết giá hoặc nói thách không nhiều.
Diamond Plaza, Parkson, Vincom, Saigon Centre
Đây là những trung tâm thương mại cao cấp ở TP.HCM. Ngoài những gian hàng cao cấp, mua sắm xong, bạn có thể nghỉ chân tại các khu ẩm thực, giải trí ngay trong tòa nhà.
Địa chỉ: Diamond plaza 34 Lê Duẩn, Q.1; Parkson, 35 Bis – 45, Lê Thánh Tôn, Q.1; Vincom, 45A Lý Tự Trọng, Q.1; Saigon Centre, 65 Lê Lợi, P. Bến Nghé, Q.1.
Một số mẹo hữu ích
• Người dân tại Sài Gòn rất thân thiện và nhiệt tình, bạn có thể nhờ hỗ trợ khi muốn hỏi thăm bất cứ điều gì.
• Đừng ngại trả giá khi mua bất cứ món hàng nào.
• Nên tra cứu trước và mang theo bên mình tấm bản đồ mini khi dạo phố.
Ở đâu trong chuyến du lịch Sài Gòn?
Khách sạn Sài Gòn rất đa dạng, tùy thuộc vào điều kiện của cá nhân bạn có thể dễ dàng lựa chọn cho mình một khách sạn thích hợp. Dưới đây là những khách sạn Sài Gòn được khách hàng iVIVU.com yêu thích nhất thời gian qua:
1. Khách sạn Rex Sài Gòn
Địa chỉ: 141 Nguyễn Huệ, Phường Bến Nghé, Quận 1
2. Khách sạn Eastin Grand Sài Gòn
Địa chỉ: 253 Nguyễn Văn Trỗi, Quận Phú Nhuận
3. Khách sạn Nikko Sài Gòn
Địa chỉ: 235 Đường Nguyễn Văn Cừ, Quận 5
4. Khách sạn TajmaSago Castle Sài Gòn
Địa chỉ: 6 Phan Văn Chương, Quận 7
5. Khách sạn Equatorial Hồ Chí Minh
Địa chỉ: 242 Trần Bình Trọng, Quận 5
Một vài địa điểm chụp hình đẹp ở Sài Gòn
Phố đi bộ Nguyễn Huệ
Không chỉ trở thành địa điểm tụ tập lý tưởng mà phố đi bộ Nguyễn Huệ còn là nguồn cảm hứng nghệ thuật bất tận cho nhiều bạn trẻ. Lướt một vòng trên facebook của giới trẻ Sài thành, bạn sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước những bức ảnh đẹp lung linh được chụp tại nơi đây.
Khu vực Nhà thờ Đức Bà, công viên 30/4 và Bưu điện thành phố
Khu nhà thờ Đức Bà và công viên 30/4 có lẽ là địa điểm chụp ảnh được nhiều người lựa chọn nhất. Sở dĩ như vậy bởi khu vực này nằm ở ngay trung tâm thành phố, đường rộng thoáng, nhiều góc đẹp với gờ tường nhà thờ cổ kính, bóng cây lãng mạn. Đặc biệt, ở ven khu vực nhà thờ còn có những quán cà phê bệt, vào cuối tuần còn có hàng đàn chim bồ câu thân thiện, là phông nền độc đáo cho các bộ ảnh. Ngay cạnh Nhà thờ là Bưu điện thành phố với kiến trúc cũ, cũng là địa điểm đẹp để chụp ảnh.
Cầu Mống
Với không gian mát mẻ, góc nhìn đẹp, cầu Mống đã xuất hiện trong nhiều MV ca nhạc, phim và dĩ nhiên đây cũng là địa điểm chụp hình được nhiều bạn trẻ yêu thích. Background của Cầu Mống góc đẹp nhất là hướng nhìn về toà nhà Bitexco – biểu tượng của thành phố.
Khu vực cầu Ánh Sao và khu Phú Mỹ Hưng
Cầu Ánh Sao nằm vắt ngang hồ Bán Nguyệt với thành cầu được uốn cong, tạo nên hình dáng đẹp khi lên ảnh. Hơn thế, cây cầu này cấm các phương tiện giao thông và chỉ dành cho người đi bộ dạo chơi chụp ảnh nên thuận tiện cho việc chụp ảnh. Đặc biệt, khung cảnh lãng mạn, nên thơ xung quanh nếu không phải là cây xanh thì cũng là những biệt biệt thự theo lối kiến trúc châu Âu, tạo nên background lý tưởng cho khung hình.
Bên cạnh đó, khu vực đô thị Phú Mỹ Hưng với những con đường rợp bóng cây xanh, các đồi cỏ thấp và nhiều vườn hoa rực rỡ cũng là địa điểm nhiều bạn trẻ ưa thích chọn làm nơi sáng tác ra những bức ảnh đẹp.
Các cánh đồng lau
Không chỉ là địa điểm chụp ảnh yêu thích của nhiều cô dâu chú rể, nhiều bạn trẻ cũng thích chọn những cánh đồng lau là nơi chụp ảnh vì khi lên hình, những cánh đồng mênh mông này tạo nên sự bao la, đẹp mắt. Ở Sài Gòn, các khu cỏ lau thường tập trung ven sông, qua cầu Sài Gòn hoặc cầu Phú Mỹ.
Hồ Đá – Thủ Đức
Hồ đá có khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ với những vách đá rất đẹp. Hồ nước có màu xanh lục và trong vắt, là địa điểm lý tưởng được nhiều bạn trẻ chọn khi muốn có một bộ ảnh đẹp.
Khu Station 3A – Quận 1
Nằm tại hẻm 3A đường Tôn Đức Thắng (quận 1), Station 3A là mô hình tổ hợp: studio, nhà hàng, quán cà phê… Đặc biệt, tại đây có nhiều bức tường graffiti được vẽ rất công, đảm bảo bạn sẽ có được những bức ảnh “chất lừ” để khoe với bạn bè.
Các quán cà phê
Ở Sài Gòn có nhiều quán cà phê sân vườn rộng rãi, với phong cách đa dạng, từ cổ điển, hiện đại, lãng mạn đến đơn giản, cầu kỳ. Bạn sẽ choáng ngợp trước những quán cà phê được thiết kế rất đẹp này. Một số quán cà phê có không gian đẹp, bạn có thể lựa chọn để chụp ảnh như sau: Country House (18C Phan Văn Trị, Gò Vấp), Gác Hoa (92/17 Phạm Ngọc Thạch, Q.3), City House (21 Huỳnh Khương An, Gò Vấp),…
Theo San San (Tổng hợp)