Di tích lịch sử đình Hưng Học hiện nay thờ hai vị thành hoàng là Đức Huyền Quang Lý Đạo Tái và Đông Hải bản thổ Vũ Hoàng Đào, được xếp hạng Di tích quốc gia, là niềm tự hào của người dân Quảng Yên.
Du lịch Quảng Ninh, khám phá di tích lịch sử đình Hưng Học
Đình Hưng Học ở xóm Đình thôn Hưng Học, thị xã Quảng Yên, nhân dân lấy tên làng Hưng Học đặt tên cho đình. Làng Hưng Học nhiều lần thay đổi tên gọi: Khi mới lập làng gọi là làng Huyền Quang, sau kiêng húy đổi thành làng Tả Quan, rồi làng Quan, làng Hương, sau là làng Hưng Học.
Đình Hưng Học được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVIII. Hiện nay, đình đã trải qua nhiều lần trùng tu và có kiến trúc nghệ thuật khá độc đáo. Ban đầu đình được xây dựng ở gần chùa Hưng Học, đến đời vua Thiệu Trị 1841 mới xây dựng ở vị trí như ngày nay.
Đình được trùng tu năm 1875, 1935 và 1994 nhưng đình vẫn giữ được hình dáng kiến trúc điêu khắc tiêu biểu của đình làng Việt với các bức cốn, đầu dư, đầu bẩy, con chồng, bát đấu đỡ hoành đều được chạm rất nghệ thuật, chạm nổi tinh xảo với các đề tài tứ linh truyền thống, hoa lá cách điệu mang phong cách nghệ thuật thời Lê.
Đình còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị như 6 đạo sắc phong từ thời thời vua Tự Đức đến triều vua Khải Định, văn bia, câu đối, hoành phi, hương ước… Bên cạnh đó là một số hiện vật đồ thờ cổ mang giá trị cổ xưa được bảo quản khá nguyên vẹn tại đình.
Trong đó có bộ 6 kiếm gỗ có bao gỗ được sơn son thếp vàng, 3 bài vị gỗ, chúc bản bằng gỗ, 2 lộc bình chất liệu bằng đồng chạm nổi hình tứ linh rồng phượng.
Tục truyền rằng, khi xây đình, dân làng đã xin xá lợi của Đức Huyền Quang Lý Đạo Tái, tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, ở chùa Côn Sơn về xây tháp mộ tại khuôn viên chùa làng, xin chân hương của ông về thờ ở đình làng, xin vua sắc phong cho ông làm thành hoàng làng.
Ngoài ra trong đình Hưng Học còn thờ thần Phạm Bá Linh, tức Phạm Nhan là tướng giặc Nguyên bị bại trận. Tương truyền khi dân làng gặp dịch bệnh, mơ thấy thần báo mộng yêu cầu dân làng thờ cúng thì sẽ hết bệnh.
Nhân dân bèn làm ngôi miếu thờ thần ngay cạnh miếu thờ Đức Huyền Quang Lý Đạo Tái với ý nghĩa dùng giáo lý nhà Phật cảm hóa thần phù hộ cho dân làng.
Còn bản thổ thành hoàng Vũ Hoàng Đào là thế tổ thứ năm của dòng họ Vũ ở làng Hưng Học, từng là Giám sinh Quốc Tử Giám thời Lê. Khoảng cuối thế kỷ 15, đầu thế kỷ 16, ngài đã giúp dân khẩn hoang, lập nên làng Hưng Học và là một trong 19 vị tiên công của vùng.
Trong tấm bia của dòng họ Vũ đặt tại từ đường cũng ghi rõ thần vị của ngài là Thiên hoàng thủy tế Vũ Hoàng Đào Tôn thần. Khi mất, ông đã hiển linh thành thần Đông Hải, một vị thần biển phù hộ người dân đi sông biển được an lành và trừ ôn dịch giúp dân.
Sự nghiệp khai canh khai cư của thành hoàng Vũ Hoàng Đào được thể hiện rõ trong nội dung câu đối ở đình Hưng Học. Tưởng nhớ công ơn, dân làng Hưng Học đã tạc tượng và lập miếu thờ gọi là miếu Chính phủ. Thần được vua Khải Định phong làm Thần Đông Hải, là bản thổ Thành hoàng Trung đẳng thần, là thông minh hình tướng.
Để đến đình, du khách đi theo đường bộ từ thành phố Hạ Long đến cao tốc Hạ Long – Hải Phòng rồi đến nút giao Hoàng Tân – Tân An đi khoảng 6km rẽ vào trung tâm thị xã Quảng Yên, sau đó đi qua cầu Sông Chanh khoảng 2 km là đến di tích đình Hưng Học.
Theo iVIVU.com