18-01-2024 17:47

Du lịch Phú Yên và những điều bạn sẽ nhớ khi rời xa

Du lịch Phú Yên và những điều bạn sẽ nhớ khi rời xa

Không phải đợi đến khi bộ phim Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh của đạo diễn Victor Vũ được công chiếu, người ta mới biết đến Phú Yên như một vùng đất trù phú với những khung cảnh đẹp tuyệt vời nhưng lại thiếu vắng khách du lịch.

Du lịch Phú Yên và những điều bạn sẽ nhớ khi rời xa

Từ lâu, thiên nhiên đã ban tặng cho mảnh đất nhỏ miền Nam Trung Bộ này những điều đẹp đẽ mà có thể đi nhiều nơi khác bạn cũng không thể nào tìm ra được. Đó là lý do vì sao một lần đã trót lỡ đến Phú Yên, nơi đây sẽ còn khiến bạn muốn quay lại nhiều lần hơn nữa.

1. Vượt đèo Cả ngắm vịnh Vũng Rô

Vịnh Vũng Rô. Ảnh: timeoutvietnam

Vịnh Vũng Rô. Ảnh: timeoutvietnam

Từ Sài Gòn nếu đi xe khách hoặc xe máy đến Phú Yên, bạn sẽ phải vượt đèo Cả. Đây là ranh giới giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa và cũng là một trong những cung đường đèo nguy hiểm nhất miền Trung, khi mà dự án hầm đèo Cả vẫn đang trong quá trình thi công. Dù vậy, nhưng khi vượt đèo từ độ cao hơn 300m so với mực nước biển, toàn bộ vịnh Vũng Rô hiện ra trước mắt khiến du khách không khỏi choáng ngợp vì vẻ đẹp không khác gì tranh vẽ.

2. Ngắm bình minh đầu tiên ở cực Đông mũi Điện

Hải đăng mũi Điện, bãi Môn. Ảnh: Tiểu Duy

Hải đăng mũi Điện, bãi Môn. Ảnh: Tiểu Duy

Xuống đèo Cả, bạn quẹo phải theo hướng quốc lộ 29 chạy dọc vịnh Vũng Rô khoảng 10km là đến mũi Điện – cực Đông được công nhận trên bản đồ hành chính ở Việt Nam. Sau quãng đường ngồi xe vất vả, thì đây chính là lúc bạn có thể thư giãn ở bãi Môn dưới chân hải đăng mũi Điện. Nếu có máu phiêu lưu thì bạn đừng bỏ qua trải nghiệm cắm lều qua đêm trước bãi biển đẹp tuyệt vời này. Ở đây, còn có một con suối nước ngọt chảy từ trong lòng núi ra biển giúp bạn có đủ nước sạch để nấu nướng và tổ chức hẳn một buổi tiệc BBQ hải sản trên bờ biển lộng gió trong khi ngắm mặt trời dần ló dạng từ phía chân trời.

3. Khung cảnh miền quê yên ả

Ảnh: Kim Lộc Đinh

Ảnh: Kim Lộc Đinh

Khắp các con đường ở Phú Yên, nếu không phải là núi và biển thì thứ nhiều nhất bạn nhìn thấy chính là những ruộng lúa mênh mông cùng những đàn bò thong dong gặm cỏ. Buổi chiều cưỡi chiếc xe máy chạy dọc vào những làng chài ven biển hẻo lánh, bạn sẽ cảm nhận được cái hồn quê chân chất của người dân nơi đây. Có lẽ Phú Yên chính là một trong số ít những nơi có cảnh đẹp nhưng lại chưa bị du lịch hóa nhiều, nên những gì bạn nhìn thấy cũng chính là cuộc sống thật sự, những điều diễn ra hằng ngày của người dân.

4. Gành Bà, bãi Xép hùng vĩ

Bãi Xép. Ảnh: Tiểu Duy

Bãi Xép. Ảnh: Tiểu Duy

Cách thành phố Tuy Hòa chỉ khoảng 16km nhưng Gành Bà cùng với bãi Xép gần như có vị trí hoàn toàn tách biệt. Một khung cảnh hùng vĩ đến mê hồn, đặc biệt là những ai đến đây lần đầu tiên sẽ bị choáng ngợp bởi sự kết hợp hài hòa giữ núi đồi và biển xanh mênh mông. Chưa hết, đến Gành Bà vào những ngày gió, bạn có thể chứng kiến vũ điệu của biển với hàng ngàn con sóng trắng xóa trải dài trên đường bờ biển bất tận tạo nên ấn tượng khó phai. Nhưng hãy cẩn thận với những cây xương rồng đầy gai nhọn ở đây nhé.

5. Chiêm ngưỡng gành Đá Dĩa, gành Đèn hoang sơ

Đường xuống gành Đèn. Ảnh: Tiểu Duy

Đường xuống gành Đèn. Ảnh: Tiểu Duy

Nổi tiếng nhất ở Phú Yên phải kể đến thắng cảnh gành Đá Dĩa độc nhất vô nhị chỉ có ở Việt Nam. Nhìn từ xa, gành Đá Dĩa như một tổ ong khổng lồ rộng khoảng 50m, dài 200m với những khối đá hình lăng trụ xếp liền nhau, ngay ngắn cùng vươn mình ra biển khơi. Bãi đá với hàng nghìn, hàng nghìn những phiến đá ấy, óng lên màu đen huyền bí nổi bật giữa nước biển xanh ngắt và những con sóng vỗ trắng xóa. Cách gành Đá Dĩa không xa là gành Đèn với ít người lui tới nhưng khung cảnh cũng kỳ vĩ không kém làm say lòng biết bao người khi đã từng chiêm ngưỡng.

6. Những ngôi nhà đá

Ảnh: Tiểu Duy

Ảnh: Tiểu Duy

Ở những ngôi làng ven biển từ Phú Hạnh, Phú Hội, Phú Lương và Phú Sơn thuộc xã An Ninh Đông (huyện Tuy An, Phú Yên), đá gắn liền với hầu hết mọi sinh hoạt: từ những ngôi nhà, những con đường, những chiếc cầu ao… cho đến những chuồng bò cũng xếp bằng đá. Hiện nay, nhiều du khách du lịch đển tham quan gành Đá Dĩa nổi tiếng ở bờ biển An Ninh Đông gần như không biết gì về những không gian văn hóa đá này, trong lúc người dân đang dần chuyển sang các vật liệu khác thay thế đá. Bước vào những ngôi làng đá như thế này, người ta dễ bị bỡ ngỡ vì không khác gì vùng núi Tây Bắc.

7. Vịnh Xuân Đài thơ mộng

Ảnh: phuyentourism

Ảnh: phuyentourism

Đây là một vịnh đẹp thuần khiết mà khi nhắc đến, người ta dùng cụm từ “vẻ đẹp xao lòng” để diễn tả. Đến đây, du khách như quên hết những gì đã trải qua bởi vịnh Xuân Đài sững sờ trước mắt. Ba mặt của vịnh là những dải núi bao bọc và vươn dài ra biển. Phần đá tiếp giáp với mặt biển bị sóng bào mòn, tạo những hình thù lạ mắt. Lần đầu tiên đến đây, mọi người đều ngỡ ngàng trước phong cảnh thiên nhiên hữu tình. Trên núi, cây và đá ôm nhau, chen chút nhau tạo những mảng xanh tươi mát. Nước biển xanh mênh mông. Đúng nghĩa là non xanh, nước biếc như tranh…

8. Thưởng thức mắt cá ngừ đại dương

Ảnh: Tiểu Duy

Ảnh: Tiểu Duy

Mắt cá ngừ đại dương là món mà chỉ cần nhắc đến thôi bất kỳ ai cũng nghĩ ngay đến Phú Yên. Tuy là món đặc trưng nhưng mắt cá ngừ đại dương cũng nhiều lần khiến thực khách e ngại với lý do “nhìn to quá trông sợ sợ”. Thế nhưng, một khi đã thử qua món này, bạn chắc chắn sẽ vương vấn hương vị ngay khi rời khỏi Phú Yên. Điều đặc biệt là mặc dù món ăn được hầm với một số loại thuốc bắc nhưng khi ăn bạn hầu như không cảm được vị thuốc át mùi cá. Mỗi nơi ở Phú Yên có cách nấu và trình bày khác nhau, nhưng xét về độ ngon thì hương vị hầu như không thay đổi.

9. Ăn sáng với món bánh hỏi lòng heo

Ảnh: Tiểu Duy

Ảnh: Tiểu Duy

Món bánh hỏi gắn bó mật thiết đến nỗi người dân bảo rằng “đến đây mà chưa ăn qua món này thì coi như chưa tới”. Đó chính là bánh hỏi lòng heo đất Phú Yên. Ở Phú Yên, bánh hỏi được làm từ bột gạo và có quy trình chế biến đặc biệt công phu, tỉ mỉ. Bánh hỏi thường gia vị thêm mỡ hành, ăn kèm với thịt quay, thịt nướng, lòng heo… đây là món ăn không thể thiếu trong những dịp lễ, cúng giỗ, cưới hỏi, lễ cúng ở đình, chùa của người dân và là một nét văn hóa ẩm thực của các địa phương.

10. Xuống đầm Ô Loan ăn sò huyết

Ảnh: foody

Ảnh: foody

Sò huyết đầm Ô Loan to hơn nhiều so với nơi khác, xuất hiện thường xuyên trong năm và dễ dàng đánh bắt. Người dân khi bắt được sò thường đem về chế biến thành nhiều món như nướng mỡ hành, nướng mọi hay đem xào, rang muối ớt, sốt me với rau răm và cháo… Khi đó, bạn có thể vừa ăn sò huyết, vừa có thể nói đủ thứ chuyện và ngắm trời mây non nước, cảm giác thật sự rất thi vị.

11. Món cơm gà đậm đà

Cơm gà Tuyết Nhung. Ảnh: Tiểu Duy

Cơm gà Tuyết Nhung. Ảnh: Tiểu Duy

Đến với thành phố Tuy Hòa (Phú Yên) hầu như ai cũng được truyền tai nhau về quán cơm gà ở đường Lê Thánh Tôn của chị Tuyết Nhung. Quán đã có vài chục năm, lúc nào cũng tất bật khách ra vào. Vào giờ cao điểm buổi sáng hoặc buổi trưa, khách thường phải xếp hàng đợi mới có được chỗ ngồi. Điều đặc biệt nhất của quán cơm gà này chính là món nước chấm. Ngoài những nguyên liệu chính là nước mắm, chanh, đường, tỏi, ớt được xay nhuyễn, trộn đều thì bí quyết gia truyền nằm ở… thịt gà. Ăn cơm gà Phú Yên không thể không kể đến các loại rau ăn kèm: dưa chuột thái lát, ngò, rau răm… Tuy nhiên, điều đặc biệt hơn cả nằm ở món hành chua ngâm. Nếu ăn cơm gà Phú Yên, cắn thêm trái ớt xanh, bóc thêm vài tép tỏi vị ngon càng trở nên hấp dẫn hơn.

12. Chè mít đát đúng chuẩn

Ảnh: Dương Minh Thông

Ảnh: Dương Minh Thông

Khi đã ngon miệng với những món mặn, bạn có thể tráng miệng với chén chè mít đát thanh ngọt mát lạnh chỉ có ở vùng đất Phú Yên. Thành phần của món ăn ngoài mít, thạch dừa còn có hạt đát. Đây là một loại hạt của cây đát, có màu trắng gần giốt thốt nốt nhưng nhỏ hơn và khi ăn hơi giòn sần sật. Trong những ngày nắng nóng, món chè với vị ngọt dịu, thanh mát luôn là món ăn giải nhiệt được người dân quê ưa thích.

Đánh giá