Bài viết chia sẻ kinh nghiệm du lịch Myanmar của bạn đọc Ngô Ngọc Mai cho chúng ta cái nhìn thú vị hơn về đất nước được mô tả ngắn gọn như là “Việt Nam 30 năm về trước”…
Rời Myanmar, chúng tôi rất nhớ đất nước đẹp tươi, còn hoang sơ nhưng cực kỳ nồng hậu này. Lúc chia tay, chúng tôi liên tục nói rằng: ‘Bọn tớ sẽ còn trở lại Myanmar’.
Thực sự sau nhiều năm đóng cửa, Myanmar là một dấu hỏi lớn với cả thế giới. Thông tin về Myanmar chỉ là những bài báo ngắn gọn miêu tả như một “Việt Nam 30 năm về trước”, một đất nước sùng đạo Phật và một đất nước của những ngôi chùa. Vì vậy, chúng tôi quyết tâm sang Myanmar xem “thực hư họ ra sao”.
Đất nước này mới bắt đầu mở cửa nhưng đang thu hút vốn đầu tư nước ngoài rất nhiều. Các tập đoàn lớn cũng đang liên tục mở các nhà máy tại đây. Tuy nhiên, hiện tại, đất nước này vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu. Đi vào siêu thị – một cách đơn giản để quan sát nền kinh tế một nước, hầu hết các mặt hàng thiết yếu phải nhập khẩu, trong đó 70% là Thái Lan, 20% Malaysia, còn lại chưa đến 10% là hàng nội địa của Myanmar – chủ yếu là một số loại thực phẩm.
Myanmar có rất nhiều khoáng sản, đặc biệt là vàng. Thế nên đất nước này mới là xứ sở chùa Vàng. Mọi người vẫn gọi Thái là xứ sở chùa vàng, nhưng chắc chắn sẽ thay đổi quan điểm hoàn toàn khi đến Myanmar. Myanmar có rất nhiều chùa lớn được phủ vàng trên phần mái vòm khổng lồ. Điển hình nhất như chùa vàng Shwedagon, tổng lượng vàng dát lên chùa ước tính xấp xỉ 6 tấn.
Myanmar vẫn là một đất nước phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp, mà sản phẩm nông nghiệp đặc trưng là các loại đậu. Các món ăn truyền thống của Myanmar, món nào cũng có đậu, đặc biệt là đậu tương. Đất tại đây khô cằn nên sản lượng gạo không cao. Hầu hết gạo phải nhập khẩu tại Thái Lan. Thế nên gạo ở đây khá đắt. Chúng tôi đi ăn cơm ngoài hàng bình dân, gọi thêm bát cơm bằng lưng bát cơm ở nhà, mất thêm khoảng hơn 12.000 VND.
Thế giới đã quá quen biết với Angkor Wat, với Taj Mahal, chắc chắn sẽ tò mò với Shwedagon và với một Bagan hàng ngàn chùa tháp. Điểm tôi yêu thích nhất ở Myanmar – mà sợ rằng sau này sẽ không còn được như thế nữa – đó là sự hoang sơ, sự nguyên bản, sự chất phác ở con người, nơi tôi đi được thực sự sống trong văn hóa Myanmar, chứ không phải là trong một ngành công nghiệp du lịch bài bản và chuyên nghiệp.
Hiện tại, tại Myanmar thể hiện rất rõ sự kết hợp của nét truyền thống và sự hiện đại phương tây . Đó là những người đàn ông ngồi quán café bán đồ ăn nhanh, tay cầm di động nhưng vẫn mặc Longyi (váy cuốn truyền thống), miệng nhai trầu. Là những bản nhạc phương Tây được lồng tiếng Miến hát ầm ĩ khắp nơi.
Tôi hệ thống đường xá cũng đã được đầu tư xây dựng. Lúc đi xe từ Yangon đến Bagan, cả đường thẳng tắp 4 làn xe chỉ có một mình xe tôi băng băng thẳng tiến. Các trạm dừng chân giữa đường là những bãi đậu xe rất lớn, sạch sẽ, lịch sự với một số nhà hàng tập trung. Đến nhà vệ sinh cũng rất sạch sẽ văn minh chứ không phải nhăn mũi, nhắm mắt mà vào như Việt Nam.
Con người ở đây cực kì thân thiện. Họ luôn tươi cười, nhiệt tình giúp đỡ mỗi khi mình cần. Ví dụ như anh lái taxi, tôi bắt taxi ra trung tâm, lái xe đòi 2.500 Kyat. Tôi mặc cả còn 2.000 Kyat. Anh bảo giá đấy không đi được, bắt tôi tìm xe khác đi rồi… ra đường bắt xe taxi khác cho tôi. Đi đến các địa điểm, người dân vẫn hỏi thăm vui vẻ, thậm chí có cô còn ra nhiệt tình dạy tôi nói tiếng Miến. Chưa bao giờ tôi đi du lịch mà cảm thấy con người chân thật, thân thiện đến như thế.
Một phần nữa khiến tôi hơi ngạc nhiên là nhiều dân Myanmar nhìn chung biết tiếng Anh. Đi đường, tôi có thể dễ dàng hỏi đường, hỏi thăm mọi người bằng những câu đơn giản, không giống như Thái Lan – một đất nước phát triển hơn, tuy nhiên đi đường tôi rất vất vả để hỏi đường. Có thể lý do một phần là Myanmar đã từng là thuộc địa của Anh. Tôi đã hỏi thăm các bạn Myanmar là các bạn học tiếng Anh từ bao giờ, thì nhận được câu trả lời từ mẫu giáo bắt đầu có tiếp xúc tiếng Anh và bắt đầu đi học thì bắt buộc phải học tiếng Anh.
Hành trình của tôi tại Myanmar hơi ngắn nên chỉ đi được Bagan và Yangon.
Bagan có rất nhiều chùa với hơn 1.000 ngôi chùa lớn nhỏ. Trước kia nơi đây có khoảng 4.000 ngôi chùa nhưng do động đất bị hư hại nhiều. Chùa dạng tháp kiểu như Chămpa do ảnh hưởng của Ấn Độ. Điểm đặc biệt là chùa 4 hướng đều có 4 tượng phật lớn, do trong niềm tin của người Myanmar có 5 vị phật, trong đó 4 vị đã về cõi Niết Bàn, còn lại một vị vẫn trong thế giới này. Mỗi ngôi chùa lại mang một nét kiến trúc khác nhau rất đa dạng. Mỗi ngôi chùa tôi đến là lại mỗi lần tôi trầm trồ ngạc nhiên.
Tôi cũng như người Myanmar đi đất vào chùa (bắt buộc), bôi bột làm từ một thân cây gì đó lên mặt để chống nắng, gập người vái lạy đức Phật. Đến chiều, cùng các bạn, tôi cũng đạp xe ra bờ sông, đứng dưới chân một ngọn tháp để ngắm hoàng hôn. Gió thổi lồng lộng, trước mặt là mặt sông mênh mông, ánh nắng rải xuống ngọn tháp vàng. Một khung cảnh lãng mạng, mơ mộng và phóng khoáng.
TP Yangon trông vẫn cũ và hơi bẩn. Các gia đình hầu như sống trong các căn hộ tập thể kiểu cũ như Trung Tự, Kim Liên của Hà Nội hồi trước. Bên cạnh đó tôi cũng đã thấy những khu như khu chung cư cao cấp, với sân vườn và bảo vệ riêng, và một số khu villa sang trọng (ở ngoài rìa thành phố) giống như các khu villa tại các khu đô thị xịn ở Việt Nam. Nhiều ngôi nhà và công trình vẫn mang đậm kiến trúc thực dân Anh. Trên đường là dày đặc ô tô cả cũ và mới (do tại Yangon cấm đi xe máy). Tại đây, chúng tôi đi thăm 3 nơi chính: chùa Sule (tại trung tâm thành phố) và khu quảng trường xung quanh; công viên với hồ nước và những cây cầu từ thời thực dân Anh và chùa Shwedagon. Nhưng ấn tượng nhất là chùa vàng Shwedagon.
Các bạn thử tượng tượng trong một tối tại đất nước Myanmar, chúng tôi được đi bộ trong một khu vực rộng như quảng trường, giữa hàng ngàn tháp vàng lấp lánh, giữa hàng trăm người dân Myanmar đang kính cẩn làm lễ, cầu nguyện và vái lậy các đức Phật, được bước chân lên những viên gạch hoa văn viền vàng sáng lóa, giữa mùi hương thơm của các loại hoa được dâng lên bàn thờ, giữa gió mát lồng lộng và trong âm thanh leng keng của hàng ngàn chiếc chuông vàng được treo trên các đỉnh chùa. Trong không gian kỳ ảo và linh thiêng ấy, chúng tôi được các bạn Myanmar về lịch sử của ngôi chùa, về hàng trăm sự tích của chùa. Mỗi ngọn tháp lại mang một huyền thoại, một sự tích riêng.
Tại Yangon, chúng tôi ở trong một nhà nghỉ nhỏ – được đánh giá khá cao trên khắp các diễn đàn du lịch trên thế giới. Nhân viên ở đây rất nhiệt tình, luôn luôn hỏi thăm, nói chuyện và tươi cười với chúng tôi. Tôi đến Yangon vào nửa đêm hôm trước mà vẫn được thu xếp một phòng trước để ngủ mà không mất tiền. Lý do mà chúng tôi rất thích ở các hostel – bên cạnh vấn đề chi phí, đó là việc bạn có thể thoải mái tán chuyện với tất cả nhân viên, được ngồi đu đưa ở khoảng sảnh rôm rả bắt chuyện và tán chuyện với tất cả những vị khách cũng ở đấy, làm quen với bao nhiêu người bạn, được mọi người hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm và nhiều khi cùng nhau tham gia luôn một số hành trình cùng nhau. Cảm giác như được sống giữa một gia đình nhỏ trong vòng mấy ngày vậy.
Tác giả: Ngô Ngọc Mai
Nguồn: Cẩm nang du lịch iVIVU.com – theo Ngoisao.net
Xem thêm các khách sạn giá tốt tại Myanmar:
Khách sạn Yangon – Myanmar
Khách sạn Mandalay – Myanmar: Thành phố Mandalay là cố đô cuối cùng của Myanmar trong lịch sử. Có thể nói, nơi đây là niềm tự hào của bất kỳ người dân Myanmar nào, nhất là những người đang sống tại Mandalay. Nếu đến Mandalay vào dịp Tết té nước – Thingyan Water, một lễ hội chào đón năm mới của người dân Myanmar. Bạn nên cẩn thận với các thiết bị điện tử như điện thoại, máy ảnh nhé…