Phố núi Kon Tum sở hữu nhiều khung cảnh hữu tình cùng thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ. Du lịch Kon Tum mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm tuyệt vời, đáng nhớ bên những tuyệt cảnh tại đây.
Du lịch Kon Tum: Khám phá top 11 điểm đến đầy hấp dẫn
1. Cầu treo Kon Klor
Cầu treo Kon Klor – cây cầu nối liền hai bờ sông Đăk Bla huyền thoại là một trong những địa điểm không thể bỏ qua trong danh sách các địa điểm du lịch Kon Tum. Từ trên cây cầu này, phóng tầm mắt ngắm nhìn không gian làng mạc, đồng lúa, ruộng ngô, bãi mía xung quanh cùng với dòng sông mải miết chảy ngay dưới chân cầu, thưởng ngoạn không khí trong lành, du khách sẽ cảm thấy tâm hồn mình trở nên thoải mái hơn.
2. Di tích Lịch sử Quốc gia Ngục Kon Tum
Với mục đích giam giữ các chiến sĩ cách mạng của ta, thực dân Pháp đã tiến hành khởi công xây dựng nhà ngục Kon Tum vào năm 1905 và tới năm 1917 mới hoàn thành. Khi đến đây, du khách sẽ được tham quan một quần thể gồm nhà truyền thống, nhà tưởng niệm, nhà đón tiếp cùng tượng đài bất khuất và 2 ngôi mộ tập thể nằm bên bờ sông Đắk Bla lộng gió. Khu di tích ngục Kon Tum đã trở thành địa điểm viếng thăm quen thuộc của nhiều đoàn khách cả trong nước và quốc tế mỗi khi ghé thăm thành phố Kon Tum.
3. Nhà thờ gỗ
Nhà thờ tọa lạc trên đường Nguyễn Huệ, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum, được xây dựng vào năm 1913, đến năm 1918 thì hoàn thành và còn tồn tại đến ngày nay. Kiến trúc của nhà thờ được thiết kế hài hòa giữa kiểu kiến trúc Roman và nhà sàn gỗ của người Ba Na. Một sự kết hợp đặc sắc giữa văn hóa Tây phương và văn hóa mạng đậm bản sắc dân tộc của vùng Tây Nguyên. Nhà thờ gỗ là một công trình khép kín bao gồm: giáo đường, nhà trưng bày các sản phẩm dân tộc và tôn giáo, nhà rông cùng với nhà tiếp khách. Ngoài ra, còn có cơ sở mộc, dệt thổ cẩm, cơ sở may và cả cô nhi viện.
4. Khu du lịch sinh thái Măng Đen
Măng Đen là thiên đường sinh thái ở một thị trấn thuộc huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum. Với khí hậu mát mẻ quanh năm cùng với nhiều suối đá, hồ thác cùng các cảnh quan hấp dẫn, nơi đây được mệnh danh là “Đà Lạt thứ hai của Việt Nam”.
Đến với Măng Đen bạn sẽ đi trên con đường quanh co với những khúc cua uốn lượn, phóng tầm mắt xuống những thung lũng và khoảng trời mây đổ sương che mờ đỉnh núi, những mái nhà tranh sát vách núi mập mờ với những cột khói bếp bốc lên.
Khung cảnh nơi đây vô cùng hoang sơ nhưng địa hình và thảm thực vật nơi đây vô cùng đa dạng. Những thung lũng nơi bà con các dân tộc thiểu số dựng bản sinh sống, những ngọn núi cao với những cánh rừng xanh ngắt, những con dốc thoải với những rừng thông ngập tràn, những ruộng nương hay những ngọn thác đổ tại nơi này cũng mang một nét đẹp khó cưỡng.
5. Chùa Bác Ái
Chùa Bác Ái là một trong những ngôi chùa lâu đời của Kon Tum. Tổng thế kiến trúc ngôi chùa được xây dựng theo hướng Bắc Nam, hình dáng kiểu chữ Môn, bước vào đầu tiên bạn sẽ thấy cổng Tam quan án ngự, đi thẳng là đến nhà Chánh điện ở giữa trung tâm cùng hai bên tả hữu là Đông Lang và Tây Lang.
Chánh điện của chùa tổ đình Bác Ái bao gồm 3 gian 2 chái. Cổ lầu được chia làm 3 gian là tiền đường, trung điện và thượng điện. Ở gian này thì thờ Di Đà Tam Hôn, Tam Thế Phật, Hoa Ngiêm Tam Thánh,… Do đã được trùng tu nên chỉ còn một vài hiện vật có giá trị nghệ thuật như tượng Quan Âm, tượng Tam Toà Thánh Mẫu được làm bằng gốm men rạn, hoành phi, câu đối, hộp sắc phong, bửu ấn,… được trưng bày, còn những tượng thờ đã được phủ đồng sáng nên không giữ được nét cổ kính, nguyên sơ ngày trước, ngay cả một vài điêu khắc như rồng chầu, dây cuốn đã không còn.
6. Ngã ba Đông Dương
Ngã ba Đông Dương là điểm tiếp giáp giữa 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Đây là nơi mà dân phượt vẫn truyền tai nhau về câu chuyện “một con gà gáy, cả 3 nước cùng nghe”. Để có thể tới được ngã ba Đông Dương, du khách sẽ phải vượt qua một hành trình khá khó khăn với những con đường ngoằn ngoèo, quanh co dưới cái nắng gay gắt, chói chang của Tây Nguyên. Tuy nhiên, vượt qua được những khó khăn này, du khách sẽ được mãn nhãn với không gian núi đồi trùng điệp vô cùng đẹp mắt tại ngã ba Đông Dương.
7. Sông Đăk Bla
Đến phố núi Kon Tum, du khách hẳn ngỡ ngàng với hình ảnh dòng sông Đăk Bla như một dải lụa mềm uốn lượn điệu đà ôm gọn vào mình thành phố Kon Tum. Là một dòng sông chảy ngược ở Tây Nguyên, sông Đắk Bla Kon Tum chảy theo hướng Đông – Tây khác hẳn so với những dòng sông khác ở Việt Nam. Vì thế Đắk Bla không chỉ là dòng sông mang nét độc đáo khác biệt mà nó đã trở thành biểu tượng của người dân Kon Tum.
Ngược lên phía thượng nguồn, 2 bên bờ sông Đăk Bla nổi lên những vách đá được dựng đứng tạo lên một bức tranh hùng tráng, kỳ vĩ và đánh thức sự mạo hiểm với những du khách thích chinh phục bản thân. Trải qua bao nhiêu thăng trầm lịch sử và đồng hành cùng cuộc sống của người dân nơi đây, dòng Đắk Bla vẫn hiền hòa, mơn mởn khi ôm trọn thị xã bé nhỏ giữa núi rừng xa xăm. Và sẽ thật đẹp biết bao khi giữa vùng sông nước Đắk Bla bao la lại xuất hiện những chiếc thuyền độc mộc đang lênh đênh trên mặt sông.
8. Thác Pa Sỹ
Khu du lịch sinh thái thác Pa Sỹ nằm trên địa phận làng Kon Tu Rằng của người Rơ Mâm, xã Măng Cành, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum, cách trung tâm huyện Kon Plong 6km về phía Tây Bắc. Khu du lịch sinh thái thác Pa Sỹ mang một vẻ đẹp hoang sơ với những cánh rừng thông nguyên sinh và hệ thống thác, hồ. Khí hậu nơi đây trong lành, mát mẻ quanh năm.
Nằm ở trung tâm khu du lịch là thác Pa Sỹ, nằm ở độ cao khoảng 1.500m so với mực nước biển. Thác được hình thành từ 3 ngọn suối lớn nhất ở Măng Đen, nên được gọi là Pau Suh, theo tiếng dân tộc Rơ Mâm có nghĩa là “3 nguồn suối chụm lại thành một dòng”. Sau này tên thác được đọc chệch đi thành Pa Sỹ.
9. Núi Ngọc Linh
Núi Ngọc Linh là một phần của dãy Trường Sơn Nam. Với độ cao 2.600m, đây là địa điểm phù hợp cho người yêu thích bộ môn leo núi và những chuyến phiêu lưu mạo hiểm. Đặc biệt, trong dãy Ngọc Linh có loài nhân sâm nổi tiếng Việt Nam mang tên sâm Ngọc Linh mọc tập trung ở các huyện miền núi Ngọc Linh thuộc Kon Tum và Quảng Nam ở độ cao 1.500m đến 2.100m.
10. Nhà rông Kon Klor
Nhà rông Kon Klor ở Kon Tum được biết đến là ngôi nhà cộng đồng hay được sử dụng để làm nơi tụ họp của dân làng trong những buôn làng Tây Nguyên và cũng là ngôi nhà lớn nhất Tây Nguyên. Nhà rông Kon Klor được xây dựng theo kiểu truyền thống với chất liệu hoàn tằng bằng gỗ, tre, nứa, tranh, lá và có những họa tiết, hoa văn trang trí rất công phu. Các nghệ nhân và người dân làng Kon Klor đã phối hợp vô cùng ăn ý để gìn giữ những nét đặc trưng của mình trên nhà rông. Với mái nhà cao vút, nhà rông Kon Klor sừng sững, vững chãi được coi là điểm tựa cho hồn làng, cũng là niềm tự hào của các nghệ nhân và người dân Ba Na.
11. Vườn quốc gia Chư Mom Ray
Trong số các vườn quốc gia ở nước ta thì Chư Mom Ray là vườn quốc gia có tính đa dạng sinh học cao nhất. Bên cạnh đó, vườn quốc gia này cũng là khu vực sinh sống của các dân tộc như Rờ Mâm, K’Dong, Gia Rai, H’Lăng và đặc biệt là Bơ Râu – một trong số các dân tộc ít người nhất Việt Nam.
Đến thăm Chư Mom Ray, du khách còn được đến thăm các buôn làng dân tộc thiểu số, làm quen với dân tộc H’Lăng, Gia Rai, Kờ Dong, Rơ Mâm hoặc dân tộc Bờ Râu. Du khách sẽ được nghỉ ngơi trong nhà rông hoặc nhà cộng đồng thoáng mát, thưởng thức các món ăn Tây Nguyên như cơm lam, rượu cần, muối giã với rau thơm đặc sản của đồng bào nơi đây.