Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Dương Nỗ nằm trong cụm di tích lưu niệm về Người, hiện nay thuộc xã Phú Dương, huyện Phú Vang. Ngôi nhà đã tái hiện lại cuộc sống của Bác cùng cha và anh trai trong những năm 1898 – 1900.
Du lịch Huế, ghé thăm nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Dương Nỗ
Năm 1898, sau khi thi Hội lần thứ 2 không đỗ, ông Nguyễn Sinh Sắc được ông Nguyễn Sĩ Độ mời về nhà dạy học tại làng Dương Nỗ, Huế. Hai anh em Khiêm, Cung đã theo cha về đây, vừa để đỡ gánh nặng kinh tế gia đình và cũng để ông có điều kiện dạy dỗ hai con đã đến tuổi học chữ.
Về đây, ông Sắc được ông Độ giao cho ngôi nhà tranh ba gian hai chái làm chỗ ở đồng thời cũng là nơi mở lớp dạy học. Tại ngôi nhà này, Nguyễn Sinh Cung và anh trai Nguyễn Sinh Khiêm được người cha và cũng là người thầy của mình khai tâm bằng những bài học chữ Hán đầu tiên.
Trong đó, chữ “Nhân”, “Nghĩa” là lời răn dạy về đạo đức làm người theo Bác Hồ suốt cả cuộc đời. Hai năm học cùng cha, Nguyễn Sinh Cung tiếp thu rất nhanh, trở thành cậu học trò thông minh xuất sắc của lớp. Những kiến thức mà Bác tiếp thu được trong thời gian này là nền móng cho sự phát triển học vấn uyên bác sau này.
Sống ở làng làng quê yên ả, giàu truyền thống văn hoá, Nguyễn Sinh Cung có điều kiện hoà nhập với đời sống cộng đồng, được đùm bọc bởi tình cảm yêu thương, sự nhân hậu và bao dung của những người dân quê chất phác, được chứng kiến cuộc sống lao động cần cù của những người nông dân.
Chính những yếu tố này đã góp phần tạo nên tình yêu quê hương đất nước con người sâu nặng của Nguyễn Sinh Cung – Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc và Hồ Chí Minh.
Di tích nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Dương Nỗ, thành phố Huế, được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ngày 27/3/1990, sau đó được thủ tướng xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt vào ngày 31/12/2020.
Nhà lưu niệm giờ vẫn giữ nguyên là một ngôi nhà gỗ ba gian, mái lợp bằng tranh, được bài trí bằng những vật dụng đơn sơ nằm giữa khu vườn đầy hoa thơm trái ngọt. Gian giữa là bộ phản gỗ để cụ Nguyễn Sinh Sắc ngồi dạy học, hai bên là hai bộ phản để học trò ngồi, gian bên trái kê chiếc giường gỗ, gian bên phải kê chiếc rương đựng đồ, hai chái hai bên là nơi sinh hoạt và cất thực phẩm. Nối với gian nhà chính là nhà bếp.
Xung quanh nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh giản dị với hai hàng dâm bụt được cắt xén gọn gàng, ngay ngắn ở lối vào, xung quanh nhà là những hàng cau, cây sứ, cây ăn quả kết hợp với những chiếc chum, vại, gáo dừa múc nước… Nhà lưu niệm nơi đây bình dị như chính cuộc đời của Bác.
Ngày nay khi đến thăm nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, du khách không chỉ tham quan ngôi nhà giản dị, gợi nhớ về thời niên thiếu của Bác mà còn tận mắt chiêm ngưỡng khung cảnh làng quê giữa lòng thành phố với ngôi đình, dòng sông, cây đa, bến nước… là những nơi gắn với tuổi thơ của Người.
Ngôi nhà đã đón hàng triệu lượt khách đến thăm. Cách nhà lưu niệm khoảng 10m là bến Đá, một bến nước nhỏ nằm bên sông Phổ Lợi. Bến Đá vốn chỉ là một doi đất nhỏ nhô ra sông, khi xưa, người dân đi làm đồng về thì xuống rửa chân tay.
Những năm sống ở đây, Bác Hồ thường ra bến Đá tắm giặt và hóng mát và nơi đây đã gắn liền với tuổi thơ 2 năm sống ở làng Dương Nỗ. Năm 1978, cùng với việc trùng tu lại nhà lưu niệm, bảo tàng Hồ Chí Minh đã khôi phục lại bến Đá và bảo tồn cho đến ngày nay. Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại bến Đá được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận là di tích cấp tỉnh.
Bên dòng sông Phổ Lợi, bến nước con đò năm xưa còn đó, cảnh vật của vùng đất này đã có nhiều đổi thay, nhưng khi đến đây du khách có cơ hội hình dung hình ảnh về cuộc sống thời nhỏ của Bác Hồ. Ở nơi này, tâm hồn của Bác được nuôi dưỡng để trở thành một nhân cách vĩ đại của thế giới.
Đối với mỗi người Việt Nam yêu nước, mọi nơi có dấu chân Bác đi qua đều mang ý nghĩa sâu sắc, không chỉ là di tích lịch sử văn hóa mà còn có vai trò xây đắp lòng yêu nước và cổ vũ tinh thần học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.