Nghe có vẻ khó tin, nhưng du lịch đến vùng thiên tai, thảm họa (disaster tourism) là cụm từ quen thuộc trong ngành công nghiệp không khói.
Loại hình này mang lại trải nghiệm đặc biệt cho du khách, khi đến tận nơi từng xảy ra thảm họa để giúp đỡ người dân địa phương khắc phục khó khăn, hay đơn thuần là lời chia sẻ với những niềm đau, mất mát.
Chuyến đi ý nghĩa
Tôi may mắn tham gia vào một hành trình ý nghĩa như vậy sau hai năm thảm họa kép động đất – sóng thần xảy ra ở Nhật Bản vào tháng 3.2011. Nơi chúng tôi dừng chân là làng Yuriage, cách TP.Sendai thuộc tỉnh Miyagi khoảng 10 km. Chỉ riêng ngôi làng ven biển này thôi, 700 người đã chết trong số 7.000 dân.
Từ Tokyo, vượt quãng đường cao tốc gần 600 km, chúng tôi đến Sendai trong 5 giờ đồng hồ thay vì chọn tàu lửa siêu tốc Shinkensen chỉ mất 1 giờ rưỡi, chủ đích tận mắt nhìn cuộc sống hai bên đường. Nhất là quãng đường ngang qua Nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Nhiều nơi ở Sendai, chúng tôi vẫn còn thấy dòng chữ “Đừng khóc, Miyagi!” treo trên tầng cao các tòa nhà trong thành phố. Tại trụ sở chính quyền Sendai, lại có dòng chữ khác trải dài theo chiều cao tòa nhà: “Cố lên, Miyagi!”, như một lời động viên.
Nhận khoản tiền 500.000 yen (khoảng 6.000 USD) trích từ lợi nhuận bán tour Nhật Bản trong vòng một năm (tính từ tháng 3.2012) sau thảm họa kép từ tay ông Võ Anh Tài, Tổng giám đốc Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist, Giám đốc Cục Du lịch Sendai, ông Shikoda Shin-ichi cúi đầu không ngớt nói lời cảm ơn. “Vào tháng 4 năm nay, chính quyền và người dân Sendai phát động chiến dịch quảng bá điểm đến với thông điệp Sendai & Miyagi, where smiles blossom (Sendai & Miyagi – rạng rỡ nụ cười)”, ông Shikoda nói. Ông cũng nhắc chúng tôi, khi đến Sendai đừng khóc. Tiếng khóc làm cho người ta bi lụy hơn, mà hãy nở nụ cười và giúp đỡ người dân địa phương bằng những điều thiết thực, như đưa du khách đến đây tham quan, tắm suối khoáng nóng, mua quà lưu niệm…
Miyagi là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi thảm họa kép, khi có tới 10.000 người trong tỉnh đã chết. Đường cao tốc Sendai – Tobu đến Yuriage xa bờ biển hàng cây số cũng là nơi sóng thần áp sát. Cánh đồng trơ trọi giữa gió lạnh 5 độ C của vùng ven biển đang được xe ủi cào xới đất mặt bị ngập mặn sau sóng thần để thời gian tới người dân có thể trồng trọt.
Đứng lên từ điêu tàn
Yuriage vẫn điêu tàn. Maeba Taiji, cán bộ ở Cục Du lịch Sendai, nhận nhiệm vụ đưa chúng tôi đến Yuriage, cho biết: “Mức phóng xạ tại đây nằm trong phạm vi an toàn cho tất cả mọi người. Vợ tôi vừa sinh một em bé hoàn toàn khỏe mạnh. Cuộc sống của chúng tôi đang trở lại bình thường”. “Chúng tôi không tái thiết lại khu dân cư trên vùng đất này nữa. Chính quyền sẽ xây dựng khu tái định cư ở một nơi khác cho người dân”, Maeba tâm sự.
Thiên tai quả là khủng khiếp. Không còn ngôi nhà nào nguyên vẹn. Ngôi làng Yuriage ven biển sầm uất trước kia giờ chỉ còn những con đường trống hun hút và từng khung nền nhà trơ trọi trong lác đác những bụi cỏ lau héo hắt giữa giá lạnh. Những chồng lốp xe chất đống ven đường vẫn chưa xử lý xong. Số lốp xe hơi này được tháo ra từ những chiếc xe bị cuốn trôi ra biển hay kẹt lại đâu đó trên đất liền. Những chiếc máy nghe nhạc, vài chiếc ca nô, vỏ xe gắn máy méo mó vẫn còn vướng lại đâu đó bên những khu nhà hoang xơ xác.
Trên ngọn đồi đất cao giữa ngôi làng, người ta xây dựng một ngôi miếu để thờ cúng những người không may mắn. Từ đồi cao có thể nhìn bao quát một vùng rộng lớn ven biển trống trơ. Nhiều thẻ bài tưởng nhớ người đã khuất được dựng lên trên đồi. Những vòng hoa héo úa trong gió lạnh, khói hương nghi ngút. Gần đó, một nhà máy xử lý rác sau thảm họa vẫn đang hoạt động ở ven biển.
Lời căn dặn không được khóc, mà hãy cười, dẫu thảm họa chỉ mới qua đi hai năm và rất nhiều tàn tích của nó còn hằn sâu trên từng thớ đất của vùng đông bắc, đủ biết tinh thần người Nhật cứng cáp đến nhường nào. Sau thảm họa, nhiều tháng liền chẳng có một du khách nước ngoài nào đến Nhật. Đường sá ở Tokyo vắng hoe. Mối đe dọa phóng xạ còn kinh khủng hơn, có khả năng kéo nước Nhật vào sự trì trệ chưa từng có trong lịch sử. Nhưng khủng hoảng đã nhanh chóng qua đi. Nền kinh tế ổn định trở lại và du khách đã tấp nập đến Nhật Bản như chưa hề có thảm họa ập đến.
Theo Tổng cục Du lịch Nhật Bản, năm 2012, nhiều thị trường khách đến Nhật sụt giảm, nhưng khách Việt tăng tới 35% so với năm 2011; còn nếu so với năm 2003, khách Việt đến Nhật tăng tới 223%. Khách VN tăng mạnh nhất trong nhóm 20 thị trường khách dẫn đầu của Nhật. Hiện Vietnam Airlines có tổng cộng 45 chuyến/tuần từ Hà Nội và TP.HCM đến 4 thành phố lớn là Tokyo, Osaka, Nagoya và Fukuoka.