Du lịch Bình Thuận không chỉ có nét đẹp reo vui của nước, của gió hay vẻ đẹp sắc màu của những bãi cát đổi màu Mũi Né, nơi đây còn hiển hiện vẻ đẹp có phần trầm mặc nhưng không kém phần quyến rũ của đá!
Du lịch Bình Thuận – Lắng nghe khúc hát của đá
Bãi đá bảy màu Cổ Thạch ở biển Tuy Phong là thắng cảnh làm say lòng biết du khách phương xa khi đến Bình Thuận. Ai một lần đến Tuy Phong, chắc hẳn phải rất ngạc nhiên bởi bãi đá màu kỳ lạ hiếm nơi nào có được. Những viên đá nhiều hình dạng, nhẵn thín đủ màu sắc nằm ken nhau tạo thành bãi đá rộng.
Dưới ánh sáng mặt trời ban ngày và ánh sáng khi hoàng hôn, màu đá lấp lánh đủ các màu, xanh lơ, đen, xám, vàng, trắng… tùy vào thời điểm trong ngày. Khách du lịch Bình Thuận đến đây thường chọn cho mình vài viên đá đẹp để làm vật kỷ niệm cho chuyến đi. Hẳn đối với những tâm hồn dễ rung động sẽ nhận ra rằng, đá như có sức sống, biết lớn, biết đi, biết thở. Từ đó những lữ khách không khỏi bâng khuâng nhớ đá sau chuyến đi.
Vào Thuận Quý – Hàm Thuận Nam, du khách lại được chứng kiến nét đẹp khác của đá. Đá ở đây mang dáng dấp ngạo nghễ của những chiến binh. Hàng vạn năm gió biển bào mòn tạo thành những dãy đá trông giống đoàn chiến mã. Giữa trưa oi nồng nắng gió của biển, bên tai du khách như nghe được tiếng ngựa hý, gươm khua từ xa xưa vọng lại.
Thuận Quý là điểm du lịch nổi tiếng của huyện Hàm Thuận Nam. Về Thuận Quý ngoài thú vui tắm biển, ngâm mình trong làn nước mát, nghe đá “xung trận” trong gió, du khách còn có thú vui đi bắt ghẹ đá, loài ghẹ biển sinh sống ở đây. Những con ghẹ có lớp vỏ dày, cứng nằm trong các gộp đá ven biển, cứ thoải mái tìm, túm được con nào nướng ngay con ấy bên bờ biển.
Ngoài đá ở Thuận Quý, Hàm Thuận Nam còn có đá Hòn Lan. Những dãy đá xám xịt xếp chồng nối tiếp nhau không cứng cáp, ngạo nghễ như đá Thuận Quý, đá Hòn Lan là loại đá xốp, mặt lồi lõm đủ hình thù, mang vẻ đẹp có chút bí ẩn.
Về Thuận Nam du khách còn có dịp ghé mũi Kê Gà, chèo thuyền ra biển thăm đảo đá, nơi có ngọn hải đăng cao vời vợi đóng vai trò chiếc đèn soi sáng đường cho các ngư dân và rừng hoa sứ trắng nở suốt trăm năm dưới chân hải đăng.
Tiếp tục theo chân khúc hát lãng du của đá, du khách xuôi về phía nam, dừng chân ở ngảnh Tam Tân thuộc xã Tân Tiến, thị xã La Gi. Mỏm đá chim, thắng cảnh với cái tên khó lý giải. Đá nhấp nhô trên sóng, đá nằm trong cát, đá xôn xao trong gió, đá ở khắp nơi làm say lòng khách đường xa.
Du lịch Bình Thuận, dù đi đâu du khách đều có thể tìm gặp nét đẹp riêng của đá. Với Hòn Bà ở La Gi, du khách tận mắt chiêm ngưỡng sự lung linh sắc màu của đá trong các hang động. Đá Hòn Bà thường xanh theo màu trời, màu nước rất sâu lắng. Những con hàu, “ốc vú nàng” bám trên vách đá luôn là món ngon với bất kỳ ai.
Đá Ông Địa, cũng lại là một thắng cảnh gắn liền với đá. Bãi đá Ông Địa (hay Đám Ông Địa) là cái tên đã có từ rất lâu do người dân địa phương đặt. Không ai biết bãi đá này có từ lúc nào, chỉ biết rằng cái tên “Ông Địa” gắn liền với câu chuyện dân gian được lưu truyền cho đến ngày nay.
Chuyện kể rằng, thời gian trước đây giữa nhiều tảng đá xếp chồng lên nhau lại xuất hiện 1 tảng đá khác lạ, giống với hình Ông Địa hướng mặt vào đất liền. Người dân nơi đây nghĩ phúc lành trời ban, thường hay dừng chân và cầu xin “Ông Địa” phù hộ. Dường như những lời cầu nguyện đều thành hiện thực nên dần tiếng lành đồn xa, ngày càng nhiều người đến đây nguyện cầu bình an.
Những thắng cảnh gắn liền với đá thể hiện hơi thở rất riêng của du lịch Bình Thuận. Vùng đất của nắng gió, của cát, của biển cả và đá mênh mông không ngừng mang lại vẻ đẹp hấp dẫn du khách khắp nơi. Để chuyến đi thêm hào hứng, hãy liên hệ iVIVU đặt tour Phan Thiết với mức giá cực kỳ ưu đãi!