Năm mới truyền thống theo Phật lịch ở một số quốc gia Đông Nam Á thường rơi vào ngày 13 – 15/4 là dịp lễ hội tưng bừng với nhiều hoạt động kỷ niệm được dân địa phương và du khách chờ đón. Dù được gọi tên và có một số biến thể khác đi ở mỗi nước, nhưng điểm nhấn của lễ hội độc đáo này là lúc mọi người té nước vào nhau như lời cầu chúc năm mới nhiều may mắn, khỏe mạnh và hạnh phúc.
Tết Té nước là lễ hội mừng năm mới của người bản địa, thì với du khách quốc tế đó như dịp xua tan mọi căng thẳng trong cuộc sống, phá bỏ mọi quy tắc xã hội và thoải mái thể hiện bản năng tự nhiên trong những hoạt động cộng đồng vô cùng sôi động.
Thái Lan
Người Thái Lan gọi Tết Té nước là Songkran, diễn ra từ 13 – 15/4 hằng năm, dịp nóng nhất trong năm. Đây là thời điểm người Thái tỏ lòng kính trọng với Đức Phật, dọn dẹp nhà cửa, té nước vào người cao tuổi nhằm tỏ lòng tôn kính. Dịp này, những chú voi cũng là “nhân vật” chuyên té nước nhiệt thành nhất vào tất cả mọi người.
Theo thường lệ, thủ đô Bangkok là nơi tổ chức các hoạt động chào mừng lớn nhất. Người dân ở đây hay tề tựu ở khu vực đường Khao San bởi đây là một trong những điểm nóng diễn ra hoạt động té nước hoành tráng nhất.
Trong khi đó Chiang Mai được xem là thủ đô của Songkran bởi nơi đây tổ chức Songkran đầy màu sắc truyền thống với nhiều phong tục cổ xưa vẫn còn được lưu giữ. Với họ, ngày Tết Songkran càng ướt càng vui, càng hạnh phúc nên ai cũng chuẩn bị kỹ các phương tiện té nước vào người nhau. Không chỉ người dân Thái mà du khách, những người không cùng màu da, sắc tộc cũng quần hội té nước cho nhau trong tình bằng hữu, thân ái nồng nhiệt.
Khách sạn gần đường Khao San Bangkok, Thái Lan
Khách sạn Chiang Mai Thái Lan
Lào
Người Lào gọi Tết té nước là Bunpimay (hay Pi Mai, Pee Mai, Koud Song Kane, Bunhot Nậm). Lễ hội mang ý nghĩa đem lại sự mát mẻ, phồn vinh cho vạn vật, ấm no hạnh phúc, thanh khiết hóa cuộc sống của con người. Tết Bunpimay thường diễn ra trong ba ngày. Ngày đầu tiên là những nghi lễ thiêng liêng mang màu sắc tôn giáo truyền thống.
Hội bắt đầu vào ngày cuối cùng với hoạt động té nước tưng bừng khắp nơi. Trước khi té nước cho nhau, người ta thường dành cho nhau những lời chúc tốt lành. Để tỏ lòng tôn kính người trẻ tuổi té nước những người lớn tuổi để chúc sống lâu và thịnh vượng. Họ không chỉ té nước vào người mà còn vào nhà cửa, đồ thờ cúng, súc vật và công cụ sản xuất để gột rửa điều xấu xa, bệnh tật và cầu chúc năm mới sống lâu, sạch sẽ và mạnh khỏe.
Khách sạn Vientiane Lào
Campuchia
Trong ba ngày Tết Té nước của Campuchia, gọi là Chol Chnam Thmay, trên khắp các con đường, những ngôi chùa sáng rực đèn hoa. Trong đêm giao thừa, mọi người thắp nhang đèn đưa tiễn thần Téveda cũ để rước thần Téveda Thmay vào nhà.
Ngày đầu tiên của năm mới, người dân ăn mặc thật đẹp rồi đội mâm lễ đến chùa cúng Phật. Qua ngày thứ hai, mọi người làm lễ dâng cơm của gia đình mình vào bình bát cho các sãi dùng như thể hiện lòng tôn kính và nhận lại từ sãi trưởng lời chúc phúc cho cả nhà. Ngày thứ ba là lễ tắm Phật. Vào buổi tối, du khách sẽ có dịp tham gia vào các hoạt động lễ hội đường phố từng bừng như: lễ té nước, bôi bột màu…
Khách sạn Phnom Penh Campuchia
Myanmar
Lễ Thingyan hay còn gọi là “Lễ dâng nước” được tổ chức vào ngày đầu năm, khoảng từ ngày 13/4. Lễ Thingyan ngập tràn không khí vui nhộn trong những màn té nước khi nước tượng trưng cho dòng thời gian, cuốn trôi đi những điều xúi quẩy của năm cũ và đón chào một sự khởi đầu mới với niềm hoan hỷ và hạnh phúc.
Ngày xưa, trong đêm giao thừa, mọi người chuẩn bị nước thơm được nấu từ các loại hoa, lá khác nhau bỏ vào trong bát hoặc chum nước và đặt trước nhà trong suốt thời gian lễ hội. Mỗi ngày là một loại nước nấu bằng một loại lá khác nhau. Ngày nay, người ta dùng những vòi nước máy xịt bay tung tóe. Những người đi đường đều được xịt ướt đẫm, mọi chuyện buồn phiền không vui và những bụi bẩn của năm cũ sẽ không còn và năm mới sẽ được đón nhận bằng sự thanh tịnh của thân và tâm.
Khách sạn Yangon Myanmar