Trong nhịp sống hiện đại, các giá trị văn hóa dễ dàng bị lãng quên. Nhà truyền thống cộng đồng người Dao tại Ba Chẽ góp phần gìn giữ những nét văn hóa lâu đời của bộ phận người Dao tại huyện miền núi Quảng Ninh.
Độc đáo nhà truyền thống cộng đồng người Dao tại Ba Chẽ Quảng Ninh
Ba Chẽ là địa phương miền núi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống, trong đó hơn 40% dân số là dân tộc Dao với hai nhánh Dao Thanh Y và Dao Thanh Phán, qua nhiều thế hệ đã tiếp nối làm đậm đà thêm sắc màu văn hóa.
Nhà truyền thống cộng đồng người Dao ở thôn Nam Hải, xã Nam Sơn được khánh thành để tiếp tục hành trình tìm lại những giá trị văn hóa truyền thống ở vùng Đông Bắc Quảng Ninh. Và nhằm phục dụng, đáp ứng nhu cầu chiêm bái của cộng đồng người Dao bản địa.
Công trình được xây dựng theo nhà truyền thống nửa sàn, nửa đất với tổng diện tích trên 1600 mét vuông. Không gian văn hóa này được hình thành từ ý tưởng của các cụ người Dao, những người đã cố gắng giữ gìn bản sắc dân tộc trước sự thay đổi nhanh và mạnh của xã hội hiện đại.
Nhà truyền thống cộng đồng người Dao gồm 2 tầng, tầng 1 chia không gian trưng bày thành 2 khu riêng biệt, Dao Thanh Y và Dao Thanh Phán. Mỗi khu vực gồm hàng trăm mẫu vật tái hiện phong phú tập quán, công cụ, dụng cụ trong lao động sản xuất sinh hoạt.
Những mẫu vật đều được phục dựng vẹn nguyên từ đời thực hoặc thậm chí mang về từ chính những cộng đồng Dao trên địa bàn huyện Ba Chẽ. Đó là những bộ trang phục Dao truyền thống như các tác phẩm nghệ thuật rực rỡ tinh tế truyền tải quan niệm về vũ trụ, về nhân sinh thông qua các hoa văn họa tiết thêu, in.
Mỗi người Dao đều có trang phục riêng, được thêu dệt rất cầu kỳ. Những người bà, người mẹ đều dạy con cái mình thêu thùa từ bé. Thiếu nữ Dao tự mình làm những trang phục đẹp nhất để mặc trong ngày cưới, trong mùa lễ hội, bởi trang phục là yếu tố quan trọng để làm nên bản sắc độc đáo của người Dao.
Các thành tố trong trang phục phụ nữ Dao Thanh Y bao gồm yếm, áo, quần, khăn đội đầu, dây đai, xà cạp, tua hồng, chùm hạt. Ở Ba Chẽ, trang phục được giữ khá nguyên vẹn và đầy đủ các bộ phận cấu thành.
Ở khu vực khác là những hình ảnh, hiện vật của lễ cấp sắc, lễ nghi quan trọng nhất trong văn hóa Dao, đánh dấu sự trưởng thành của người đàn ông Dao.
Trong lễ cấp sắc, người thụ lễ được đặt pháp danh, sau khi trải qua nghi lễ này, người đàn ông được công nhận là con cháu bàn vương, được trai quyền làm thầy, được cấp âm binh, được cúng tổ tiên.
Lễ cấp sắc là nghi lễ rất đặc sắc trong văn hóa Dao, chứa đựng nhiều quan niệm giáo dục to lớn, triết lý về nhân sinh quan, hướng con cháu đến chân, thiện, mỹ.
Không chỉ qua trang phục và các nghi lễ, văn hóa người Dao tại Ba Chẽ còn thể hiện đậm nét ngay trong đời sống hàng ngày, đặc biệt là những dụng cụ được kế thừa từ nhiều đời. Giống như nhiều dân tộc thiểu số khác, bếp lửa không chỉ để nấu thức ăn mà còn có vai trò quan trọng trong văn hóa tâm linh.
Mỗi hiện vật được trưng bày tại nhà truyền thống cộng đồng người Dao đều mang những câu chuyện riêng, hiện thân cho những nét đặc sắc của dân tộc Dao hòa quyện trong dòng chảy văn hóa các dân tộc anh em sống chan hòa trong mảnh đất miền Đông Bắc tổ quốc.
Những tư liệu văn hóa phần nào phản ánh quá trình hình thành và phát triển của cộng đồng Dao tại Ba Chẽ, cung cấp nhiều bài học lịch sử quý giá, khơi dậy lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ người Dao.