Lưng chừng núi Ốc Sơn (Hà Trung – Thanh Hóa) có ngôi chùa Long Cảm được xây dựng hơn 1.000 năm trước hiện còn lưu giữ nhiều “báu vật” có giá trị, trong đó có đôi khánh đá cổ với tiếng kêu ngân vang cả một vùng.
Du lịch Thanh Hóa tham quan khánh đá cổ độc đáo trên núi Ốc Sơn
Chùa Long Cảm (thôn Trang Các, xã Hà Phong, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) tọa lạc trên sười núi Ốc Sơn (còn gọi là Cô Sơn) nhìn ra dòng sông Lèn. Ngôi chùa tuy không lớn nhưng lại được đặt ở một ví trí rất đẹp với không gian trầm lắng, yên bình được bao bọc bởi tứ bề là làng mạc và đồng ruộng. Chùa Long Cảm đã được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh năm 1992 và đang trình để công nhận di tích Quốc gia.
Theo sử cũ, vào năm Thuận Thiên thứ 11 (1020), vua Lý Thái Tổ đi đánh Chiêm Thành, đến vùng phủ Quảng Hòa (huyện Hà Trung ngày nay) đã dừng chân trên sườn núi Ốc Sơn. Đêm đến, Vua nằm mộng thấy rồng vàng nghĩ có điềm lành. Sau khi giành thắng lợi, về tới kinh đô nhớ lại giấc mộng tại núi Ốc, vua đã cho dựng ở sườn núi này một ngôi chùa lấy tên là Long Cảm (có nghĩa là vua trả ơn, cảm tạ).
Trước đây, đồng ruộng quanh vùng mênh mông nước, để lên chùa phương tiện duy nhất để đi lại bằng thuyền từ các kênh dẫn từ sông lớn vào. Thời đó núi Ốc Sơn hoang vu, lau lách um tùm nên người dân thường hay gọi là núi Cô Sơn. Ngày đó, chùa trải qua hàng thế kỷ đã xuống cấp, hư hỏng. Sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo, dáng vóc chùa Long Cảm ngày nay đã uy nghi bề thế và xứng tầm.
Sư thầy Thích Đàm Quang, trụ trì chùa Long Cảm cho biết hiện trong chùa đang còn lưu giữ rất nhiều “báu vật” có giá trị như quả chuông đồng cổ, bia cổ, bốn cột đá ở hiên chùa chính, khánh đá cổ và tám pho tượng của tám vị tổ sư từng tu hành tại chùa, được coi là những tác phẩm nghệ thuật quý hiếm, tinh xảo. Trong số đó, cặp khánh đá cổ nặng khoảng 300 – 400 kg/chiếc được du khách thập phương ấn tượng nhất khi đến chùa vãn cảnh. Hai cặp khánh đá này có màu xanh xám, được treo ngăn ngắn trên các trụ đá ngay phía trước sân chùa. Cả hai chiếc khánh đá được tạc đẽo từ những khố đá lớn thành hình bán nguyệt, một chiếc có chạm khắc hoa văn.
“Chiếc có hoa văn vốn không phải của nhà chùa, trước đây nó ở trong ngôi chùa bên làng Thượng. Ngôi chùa này sau khi bị đổ có người tiếc chiếc khánh quý bèn đem giấu xuống ao bèo rồi sau đó đem về chùa Long Cảm cung tiến. Còn chiếc khánh đá cổ ở chùa Long Cảm, tôi cũng không biết có từ khi nào nhưng tôi đoán nó có từ thời điểm vua nhà Lý cho dựng chùa, tức hơn 1000 năm tuổi” – trụ trì Thích Đàm Quang cho hay.
Theo sư cô Thích Đàm Tâm, trước đây chiếc khánh đá cổ ở chùa cùng đã từng bị lấy cắp, sau này nhà chùa tìm thấy ở mương nước nên nhờ người khiêng trở lại chùa. “Những năm 1970, khi ấy chùa gần như bị xuống cấp, hư hỏng gần hết, người dân trong vùng đã khiêng khánh đá về dưới làng. Có gia đình đã đập khánh đá để nung vôi, tuy nhiên đập mãi mà khánh đá vẫn không vỡ. Tự nhiên, người đàn ông trong gia đình không ốm không đau mà chết. Sợ quá, gia đình nọ vội khiêng khánh đá ra mương nước của làng và bỏ lại đó và nhà chùa đã tìm thấy” – sư cô Thích Đàm Tâm kể lại.
Điều khác biệt giữa 2 chiếc khánh đá cổ này là chiếc khánh ở chùa Long Cảm có âm thanh trầm bổng, ngân dài. Khi cầm vồ bằng gỗ gõ mạnh khánh đá ngân như chuông đồng và vang xa, nhiều ngôi làng dưới chân núi nghe rất rõ. Chiếc khánh còn lại thì âm thanh không ngân vang mà chỉ có âm thanh “lạch cạch” bình thường. Theo lý giải của Nhà nghiên cứu văn hóa Phan Bảo thì khánh ngân vang hay không là do chất liệu đá. “Chiếc khánh cổ ngân vang chắc chắn được làm từ đá núi Nhồi (phường An Hoạch, TP Thanh Hóa), loại đá này không ở nơi nào khác có được. Còn chiếc còn lại được tạc từ một khối đá xanh bình thường” – Nhà nghiên cứu này khẳng định.
Trong cuốn “Vân đài loại ngữ”, bảng nhãn Lê Quý Đôn chép chuyện quan Thượng thư Lê Hữu Kiểu khi làm trấn thủ Thanh Hóa sai người đến núi Nhồi lấy đá đẽo thành chiếc khánh hình cá, rồi khắc chữ vào khánh rằng: “Hoạch Sơn loại đá kêu vang/ Sắc xanh màu biếc mịn màng đẹp tươi/ Gõ lên sang sảng bên tai/ Tuyệt nhiên không chút trần ai lạc vần…”. Điều đó khẳng định thêm về lí giải của Nhà nghiên cứu Phan Bảo là có cơ sở.
Không chỉ là ngôi chùa độc đáo, nơi lưu giữ nhiều “báu vật” quý mà chùa Long Cảm trong những năm tháng chiến tranh còn là một trong những pháo đài quan trọng của quân dân Thanh Hóa. Thời chống Mỹ, chùa là địa điểm an toàn để đặt ụ pháo bảo vệ cầu Đò Lèn trước sự bắn phá ác liệt của máy bay Mỹ hòng đánh sập cầu, cắt đứt tuyến giao thông huyết mạch nối hai miền Nam – Bắc. Không những thế nơi đây còn là nơi trú ẩn của bộ đội, thậm chí nhiều cánh cổng, cửa nhà chùa còn được tháo dở để làm cáng khiêng thương binh.
Theo Người Lao Động