Một tô bún cá, bánh đa cá nóng hổi, ngọt thanh, đậm đà sẽ lưu lại trong bạn hương vị khó quên khi du lịch đến các vùng miền khác nhau của Tổ quốc.
Đi từ Bắc đến Nam nếm 6 biến tấu bún cá, bánh đa cá ngon “tê lưỡi”
1. Bún cá cay Hải Phòng
Bún cá cay là món ăn sáng vô cùng quen thuộc ở Hải Phòng. Tô bún gồm những miếng cá thu rán giòn, vàng ươm, thơm phức cùng với lòng cá dai dai sần sật ăn rất vui miệng. Nước dùng ở đây có vị khá cay, đậm đà vừa miệng.
Bát bún cá Hải Phòng có màu vàng óng của chả cá, màu xanh dọc mùng, màu đỏ của tương ớt trên màu trắng tinh của bún ngập trong nước dùng cực kỳ hấp dẫn. Khi ăn bún cá có vị ngọt đậm đà của xương, của chả cá, vị cay nồng của ớt lại có vị thanh mát của rau sống.
2. Canh cá rô Hưng Yên
Canh cá rô Hưng Yên là canh cá ngọt, được ăn cùng rau cải trần. Cá được chế biến từ những con cá rô nhỏ. Dù cá nhỏ nhưng người làm sau khi nấu chín vẫn phải tỉ mỉ gỡ xương từng con, rồi lọc sạch sẽ, tẩm ướp gia vị cẩn thận, kế đó mới đem chao dầu cho săn thịt lại, óng vàng sắc nghệ. Cá rô đồng đã nổi tiếng thơm ngon, cách chế biến lại kì công như vậy nên càng ngọt thịt, đậm đà.
Canh cá rô được ăn cùng bánh đa Hưng Yên chính hiệu. Những sợi bánh đa được chan ngập loại nước dùng nấu bằng cá rô, hơi sẫm màu, lăn tăn những hạt trứng cá vàng ươm – cái màu không thể lẫn được của món canh cá rô miền Bắc. Canh cá rô cũng có thể ăn kèm đậu phụ rán. Đậu phụ chiên nóng vàng rộm, ăn kèm bát canh cũng nóng hôi hổi, còn xực nức mùi cá và cái hăng nồng của cải ngọt thật ngon khó cưỡng.
3. Canh cá Quỳnh Côi
Gọi là canh cá nhưng thực ra canh cá Quỳnh Côi không phải canh cá bình thường mà là món bánh đa Thái Bình. Món này được làm từ cá rô đồng hoặc cá trắm, cá quả tươi và bánh đa Thái Bình với đặc trưng là mỏng, dai được chế biến từ gạo chiêm mùa trước. Thịt cá thường được rim với nước mắm trước thay vì rán vàng, giòn.
Nước dùng canh cá Thái Bình dù chẳng có cà chua hay giấm bỗng, vị nước dùng lại thanh mát, không béo ngấy. Một bát canh cá Quỳnh Côi có vị đậm đà của cá, có ngọt thanh từ xương hòa quyện gừng tươi cay nồng, các loại thơm hay sự hăng hăng của rau cải sẽ khiến bạn vô cùng khó quên.
4. Bún chả cá, bún sứa Nha Trang
Bún chả cá là món ăn nổi tiếng của thành phố biển Nha Trang, món ăn đơn giản với nước dùng trong, chả cá và những sợi bún loại nhỏ xíu. Chả cá ngon và nổi tiếng do làm từ cá tươi, đảm bảo độ dai. Nguyên liệu là cá thu, cá mối, cá cờ… thường được chế biến thành hai loại là chả hấp và chả chiên.
Ngoài ra, món bún sứa với thành phần chính của món ăn này là sứa, được đánh bắt ngay trên vùng biển Nha Trang. Bún sứa được ăn kèm với chả cá, cá dầm cùng nước dùng thanh ngọt, trong vắt. Khi ăn món này, đĩa rau sống thái nhỏ, ớt hiểm, chanh là những thành phần không thể thiếu.
5. Bún chả cá Quy Nhơn
Đến Quy Nhơn, bên cạnh thưởng thức nhiều đặc sản xứ Nẫu như nem chả, bánh xèo tôm nhảy, hải sản… đặc biệt không thể bỏ qua món bún chả cá. Chả cá ở đây được chế biến từ những con cá tươi như cá thu, cá thửng, cá mối, cá rựa, cá chuồn… nạo phần thịt cá trộn với gia vị (hành, tiêu, tỏi, ớt, muối, đường) rồi xay nhuyễn.
Chả thấm gia vị, vo viên hoặc khuôn thành miếng, đem chiên hoặc hấp lên theo sở thích. Thứ hai, nước lèo nấu bún không phải từ xương heo mà được ninh từ xương cá tươi cho thêm hành tím, quả thơm, nước trong veo, ngọt mà không bị tanh.
6. Bún cá Châu Đốc
Nhắc đến bún cá, người ta thường nhớ ngay đến món bún cá Châu Đốc trứ danh. Bún cá Châu Đốc nấu công phu và đòi hỏi sự tỉ mỉ của người nấu. Món bún cá ngon đòi hỏi phần nước lèo phải trong, có vị ngọt từ xương cá, đậm đà vị ruốc và quan trọng hơn nữa đó là không tanh mùi cá. Vì thế, nhất định phải chọn loại cá lóc còn tươi, sống, thì khi nấu, thịt cá mới ngon và ngọt.
Cá sau khi được luộc chín sẽ vớt ra, gỡ lấy phần thịt nạc và bỏ đi phần xương cá. Phần nạc cá này sẽ được ướp gia vị cùng bột nghệ và xào sơ cho thấm gia vị. Còn nước lèo, sẽ được nấu bằng nước luộc cá, sau đó cho thêm xương lợn vào để nước thêm ngọt. Sau đó, người bán hàng cho sả đập, nghệ tươi giã nhuyễn, nước mắm ruốc để góp phần tạo nên hương vị đặc biệt cho món bún cá.
Khi ăn, sẽ trụng bún qua nước sôi, rồi sau đó cho từng lát cá và thịt lợn quay (có nơi thì ăn cùng chả cá, tùy vào khẩu vị của từng vùng mà sẽ có những thay đổi khác nhau), cuối cùng là chan nước lèo vào vừa đủ ngập mặt bún. Rau ăn kèm cùng bún cá cũng rất phong phú và đa dạng như: rau muống bào, bắp chuối non, giá, rau nhút và bông điên điển.
Theo Afamily