Năm 1149 vua Lý Anh Tông thành lập cảng Vân Đồn để giao thương buôn bán với nước ngoài. Đó chính là hệ thống thương cảng Vân Đồn, thương cảng quốc tế đầu tiên của nước Đại Việt.
Di tích thương cảng Vân Đồn – Thương cảng cổ xưa nhất Việt Nam
Thương cảng Vân Đồn ngày đó có chức năng giao thương với các nước trong khu vực Đông Á và Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia… Thương cảng thịnh vượng suốt 3 triều đại Lý – Trần – Hậu Lê rồi bị lãng quên vào thời nhà Mạc. Di tích thương cảng Vân Đồn vừa có dấu ấn về công cuộc chống ngoại xâm lại vừa có dấu ấn về buôn bán, trao đổi hàng hóa.
Trên cơ sở những hiện vật, tài liệu tìm được, thương cảng Vân Đồn được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia năm 2003, bao gồm nhiều di tích thuộc bến thuyền cổ. Đến năm 2021, UBND tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng hồ sơ đề nghị Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đối với quần thể di tích này.
Ngày nay, dấu tích của thương cảng xưa chỉ còn là hàng triệu mảnh sành sứ, các nền nhà, công trình, tiền cổ… Dù không xác định được vị trí chính xác nhưng thương cảng Vân Đồn là hệ thống hàng chục bến thuyền phân bố trên các đảo, ven bờ vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, kéo dài từ Móng Cái đến Vân Đồn, Hạ Long, Quảng Yên.
Thương cảng Vân Đồn trong suốt hơn 700 năm lịch sử tồn tại của mình không chỉ là một bến cảng đơn lẻ mà là hệ thống các bến bãi, vụng đỗ tàu liên quan với nhau.
Việc bố trí cảng ở nhiều địa điểm như vậy có tác dụng giảm lưu lượng tàu thuyền tập trung quá đông vào một bến, đồng thời quy định cụ thể nơi đỗ của tàu thuyền, nhất là tàu ngoại quốc, tránh đỗ xen kẽ để dễ dàng trong việc quản lý giám sát.
Nhiều hiện vật đã được tìm thấy ở các xã đảo thuộc huyện Vân Đồn, trong đó có trung tâm chính tại Cái Làng thuộc xã Quan Lạn. Các bến thuyền cổ trung chuyển hàng hoá gồm hương liệu, gốm sứ, lâm thổ sản nằm dọc sông Bạch Đằng, Cửa Lục cho đến các đảo Cống Đông, Quan Lạn.
Do đó có thể kết luận hàng hoá mua bán, trao đổi ở thương cảng Vân Đồn cổ xưa bao gồm các sản vật tự nhiên như hương liệu, sừng tê giác, ngà voi, vàng, ngọc trai, bạc, đồng, diêm tiêu. Đây là những loại hàng hoá chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số hàng xuất khẩu của Đại Việt.
Loại hàng hoá phổ biến thứ hai là đồ sứ. Thời Lý, kỹ thuật chế tác đồ sứ men ngọc không hề kém cạnh, có phần nhỉnh hơn đồ sứ men xanh Long Tuyền của Trung Quốc. Đồ sứ nước ta thanh nhã, hoa văn trang trí đắp nổi rất đẹp mắt. Theo nhà sử học Nhật Bản, đồ sứ triều Lý rất được yêu thích và đã thấy bán ở tận Đông Ấn.
Đến thời nhà Trần, đồ sứ phát triển thêm một bước với kiểu dáng khoẻ khoắn, men son nâu thanh thoát chẳng những khiến thương nhân nước ngoài ưa chuộng, mà ngay đến vua chúa Trung Hoa cũng ưa dùng, luôn yêu cầu cống tiến loại bát sứ.
Hàng hoá phổ biến thứ ba là lụa là, gấm vóc. Tuy tỷ trọng xuất khẩu lụa không quá lớn, nhưng những đồ dệt của thợ thủ công Đại Việt khá đa dạng, tinh tế, màu sắc rực rỡ cũng rất được thương nhân khắp nơi chuộng nhập khẩu.
Di tích thương cảng Vân Đồn với các ý nghĩa đặc biệt về thương mại, văn hóa, lịch sử đã đóng góp vào kho tàng văn hóa đồ sộ, tạo nên bề dày lịch sử lâu đời của thương mại Việt Nam. Đừng quên liên hệ iVIVU đặt tour Hạ Long với nhiều ưu đãi cùng dịch vụ chuyên nghiệp tận tâm, mang đến cho bạn kỳ nghỉ hoàn hảo!