Mấy thập niên gần đây, việc đi thăm viếng chùa chiền, đền miếu, nhất là vào những dịp đầu xuân đã phục hồi đáng kể, phần nào đáp ứng được nhu cầu đời sống tâm linh tín ngưỡng của nhân dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, lành mạnh, chúng ta cũng thấy hé lộ những khía cạnh đời sống tín ngưỡng cần suy ngẫm.
Từ hàng ngàn năm nay, ngôi chùa làng đã trở thành hình ảnh quen thuộc của người dân Việt Nam. Theo các kết quả nghiên cứu, Phật giáo từ bên ngoài du nhập vào nước ta theo cả con đường từ phía nam qua Ấn Độ và con đường phía bắc qua Trung Quốc.
Thời kỳ đầu của quốc gia phong kiến tự chủ, Phật giáo, nhất là giới tăng lữ cấp cao, đã có những ảnh hưởng mạnh mẽ đến các quốc sách của Nhà nước quân chủ, khiến sau này không ít nhà nghiên cứu cho rằng vào thời Lý-Trần Phật giáo đã trở thành quốc giáo của nước ta, nhưng thật ra có lẽ đúng hơn vẫn là Tam giáo (Phật-Đạo-Nho), trong đó Phật giáo có vai trò nổi bật hơn cả.
Đến thời Lê, Nho giáo với tư cách là một hệ ý thức quản lý xã hội dần chiếm vai trò độc tôn thì Phật giáo và Đạo giáo suy giảm vai trò ở cung đình mà dần thâm nhập vào đời sống nông thôn, hỗn dung với những tín ngưỡng bản địa, hình thành ngày một rõ Phật giáo dân gian, Đạo giáo dân gian, thỏa mãn những nhu cầu tâm linh của quần chúng nông dân ở nông thôn và thị dân, nhất là thời kỳ xã hội có nhiều biến loạn. Điều này giải thích vì sao trong giai đoạn thế kỷ XV-XVII hệ thống chùa làng, các đền miếu được xây dựng nhiều và trở thành một trong những thiết chế tín ngưỡng tôn giáo quen thuộc ở làng quê Việt Nam.
Người Việt Nam, nhất là người nông dân, thị dân tiếp nhận Phật giáo không phải là những giáo lý cao sâu mang tính kinh viện, mà chủ yếu ở những quan niệm về lối sống, nếp sống theo tư tưởng khuyến thiện, trừ ác theo luật nhân quả ở hiền gặp lành, cung cách ứng xử xã hội một cách hài hòa, ăn ở sao để phúc đức cho con cháu… Hơn thế nữa, trong lối sống cộng đồng, ngôi chùa, nhất là ngôi chùa kiểu trước thờ Phật, sau thờ Mẫu (tiền Phật, hậu Mẫu) còn là nơi giao tiếp, gặp gỡ, chia sẻ, đặc biệt giữa những người phụ nữ vốn chịu sự thiệt thòi trong điều kiện xã hội còn tư tưởng “trọng nam khinh nữ”.
Hằng ngày, hằng tháng, vào các dịp tuần tiết đã thế, thì ngày Tết đền chùa luôn là nơi người dân ưa lui tới cúng viếng. Tết là thời điểm năm cũ qua, đón chào năm mới, từ lâu con người đã khoác cho nó một quan niệm linh thiêng, ai cũng muốn vào những thời khắc như vậy mọi điều đều tốt đẹp suôn sẻ “đầu xuôi đuôi lọt”, cầu được ước thấy.
Bởi vậy, tùy theo từng địa phương mà ngay sau giao thừa hay trong ba ngày Tết, ai không một lần đến chùa đền thắp nén hương, chắp tay khấn thần Phật, chiêm tưởng những điều ao ước của mình trong năm tới thì thấy như thiếu thốn, thắc thỏm, chưa trọn vẹn điều gì đó.
Đến chùa đền thuở xưa, các cụ cần sửa mình sao cho con người vừa thanh sạch về cả thể chất và linh hồn, dâng lễ vật hương hoa hay có chút tiền “giọt dầu” bỏ vào hòm công đức, hay thành kính đặt lên bàn thờ Thần, Phật, tự tay trao cho các bậc tăng ni. Xưa kia các cụ đi chùa đền đầu năm còn để cầu xin lộc. Lộc có thể là một nhành cây nhú lộc, biểu hiện cho sự sinh sôi, tốt lành ngày xuân, nhưng cũng có thể lộc là những điều mong ước về tiền bạc, chức quyền, con cái mà ta cầu xin thần Phật sẽ ban cho ta trong năm tới.
Lên chùa đền bất cứ vào thời điểm nào, nhất là vào ngày xuân, cốt nhất là làm sao lòng phải thành, tâm phải thiện, không cần lễ vật phải “mâm cao, cỗ đầy” khoe khoang, chơi trội; ăn nói, đi đứng từ tốn, nhường nhịn, tránh xô bồ, xô đẩy, biết nơi nào cầu xin cái gì và phải làm cho đúng cách, tuân thủ lễ nghi. Chỉ có làm theo tâm thế như vậy thì lòng ta mới thanh thản, bình an bởi tin rằng thần Phật sẽ chứng giám.
Đã có một thời do ấu trĩ, sai lầm, chúng ta coi những điều nói trên là lạc hậu, thậm chí dán nhãn cho nó là “mê tín dị đoan”, từ đó dẫn đến việc bài trừ, phá bỏ, không thừa nhận nhu cầu đời sống tâm linh của con người. Cũng may, sau mấy thập niên đất nước đi vào đổi mới, cách nhìn nhận đời sống tâm linh, tín ngưỡng cũng đã đổi khác theo hướng coi trọng đời sống tâm linh lành mạnh của con người. Đặc biệt là vào những thời đoạn đất nước khó khăn về kinh tế, nhiễu loạn xã hội, lòng tin của người dân bị suy giảm thì đời sống tín ngưỡng nói chung, việc đi chùa đền lại có cơ phục hồi, thậm chí bột phát, từ đó cũng nảy sinh nhiều vấn đề gây bức xúc cần chấn chỉnh.
Trong số hàng ngàn ngôi chùa, nhất là các ngôi chùa làng nay phần nhiều đã được nhân dân bỏ tiền của, công sức để phục hồi, tu tạo, vẫn giữ lại những nét thân quen, ấm cúng, núp mình khiêm tốn trong làng quê, thì đây đó đã dần xuất hiện những ngôi chùa được tu tạo hay xây mới với dáng vẻ đồ sộ, uy nghi, thậm chí lai căng, không còn giữ được vẻ giản dị ấm cúng xưa kia. Trong những ngôi chùa đó, người ta bày biện đồ thờ, tượng Phật theo hướng to nhất, đẹp nhất, xa lạ với dáng vẻ từ bi quen thuộc.
Vào những ngày tuần tiết, nhất là những ngày đầu xuân, không khí lên chùa lễ Phật vẫn rất nhộn nhịp, thậm chí còn náo nhiệt, đông đúc hơn xưa, nhưng dường như cái tâm thế của con người thời nay đến với thần Phật không còn như xưa, mặc dù ngày nay người ta mang nhiều lễ vật, hương hoa, tiền bạc, vàng mã đến chùa đền hơn. Hành vi của con người không còn thật khiêm nhường, tĩnh tâm, thành kính, mà thay bằng sự xô bồ, phô trương. Ai cũng có vẻ hối hả như tranh giành lấy cái phước lộc mà thần Phật sẽ ban phát cho mình.
Tệ hại hơn là xuất hiện cái hủ tục rải tiền thật khắp nơi, nhét vào tận tay thần Phật, cứ tưởng như vậy là thể hiện lòng thành, người trông giữ đền chùa hình như cũng rẻ rúng những đồng bạc mệnh giá nhỏ nên để nhiều trường hợp tiền cứ theo gió, theo bước chân người đi chùa dẫm đạp. Thật sự đó là những hành động vừa phản lại tâm linh, tín ngưỡng vừa phản văn hóa. Hình như sau mấy thập niên bị đứt gãy truyền thống, người Việt Nam hiện nay thiếu hẳn cái tâm thế đến với tâm linh thần thánh, thiếu đi những tri thức tín ngưỡng mà cha ông chúng ta xưa đã tích lũy, định hình nhưng do hoàn cảnh mà chưa trao truyền đầy đủ cho con cháu.
Có lẽ đã đến lúc chúng ta lại phải học lại bài học từ đầu nếu như chúng ta muốn có một đời sống tâm linh tín ngưỡng lành mạnh, có văn hóa.