17-01-2024 11:16

Đi chợ chồm hổm ở xứ nhà giàu Brunei

Đi chợ chồm hổm ở xứ nhà giàu Brunei

Có một cái chợ làng nhàng nằm giữa thủ đô Bandar Seri Bewagan của Brunei, quốc gia có GDP bình quân đầu người đứng thứ năm trên thế giới.

Chợ trên bến dưới thuyền sao thấy na ná như ở bến Bình Đông, Sài Gòn hồi còn được phép họp chợ.

Chợ trên bến dưới thuyền sao thấy na ná như ở bến Bình Đông, Sài Gòn hồi còn được phép họp chợ.

Đọc về đất nước có thu nhập bình quân đầu người cao nhất nhì châu Á, tôi cũng không ngạc nhiên lắm khi vừa đến Brunei, ăn bữa tối đơn giản ở hàng quán bình thường đã mất gần 10 đôla Brunei (10 BDN hay 10B$ tương đương 164.000 VND). Rồi lang thang phố phường thấy giữa thủ đô Bandar Seri Bewagan, bên cạnh các cao ốc, trung tâm thương mại hiện đại, hoành tráng lại có một cái chợ giống giống các chợ quê mình.

Chợ phiên trên bến dưới thuyền

Nằm bên kia nhánh sông nhỏ Kianggeh, ngôi chợ cùng tên Tamu Kianggeh không hẳn là chợ chồm hổm. Vì dù trông hơi xập xệ, chợ vẫn có quầy kệ đàng hoàng. Ngày thường đủ chỗ, nhưng đến thứ sáu chợ phiên, người mua kẻ bán về nhiều, nên một góc Tamu Kianggeh trở thành chợ chồm hổm.

Người dân trải những mảnh nilông, tấm bạt trên mặt đất bày bán những phẩm vật địa phương hay các nhu yếu phẩm đơn giản. Chợ chồm hổm lấn lên những cây cầu nhỏ, bên dưới dòng Kianggeh tấp nập những con thuyền đi đi lại lại; lấn qua vỉa hè của đường lớn, nơi quá chừng xe hơi của người đi chợ đổ về đông đặc, làm những anh cảnh sát phải mướt mồ hôi để sắp xếp, hướng dẫn…

Trên bến dưới thuyền tấp nập, chợ phiên Tamu Kianggeh y chang những chợ quê sông nước miền Tây xứ Việt. Hàng hoá cũng xêm xêm, kể cả mấy buồng dừa nước chất đống trên bến sông, những lọn rau nhỏ, mớ ớt đỏ bên túm đọt xoài xanh rì, hay cả mấy em trai ngồi nạo dừa để khách đang chờ mang về nấu món cà ri béo… Có khác chăng chỉ 2 – 3 loại trái cây rừng là lạ, hay những gian hàng bày bán những y phục, khăn choàng đầu, mũ nón của người Hồi giáo, hay những hàng xe hơi mới cáu đậu chật cứng bên kia sông của khách đi chợ…
Khác nữa là giá cả, và cách bán. Ở đất nước giàu có này, cũng không ngạc nhiên mấy khi ký khoai lang giá đến 42.000 đồng (2,5B$), hay ký chôm chôm thường cũng lên đến gần 70.000 đồng (4B$), một chiếc mẹt tre bé xíu mà hơn 80.000 đồng (4,5B$)… Nhưng bên cạnh đó, tôi ngạc nhiên thấy bó rau xanh vun đầy giá chỉ 8.500 đồng (0,5B$) hay đến hai cái bắp chuối tròn vo giá cũng chỉ 17.000 đồng (1B$)**… Những cái giá chỉ xấp xỉ ở xứ mình, nếu không muốn nói là rẻ hơn trong thời buổi giá trượt hiện nay.

Những nụ cười tươi trong chợ

Rồi đến cách bán, thật đơn giản và dễ dàng cho người mua kể cả khách lạ không biết tiếng địa phương. Giá cả niêm yết rõ ràng trên từng con cá mớ rau – điều mà chợ xứ mình bị than phiền miết mà vẫn chưa chịu thay đổi.

Thêm nữa, bán mớ rau xanh về nấu canh thì đã có nhúm ớt đỏ tặng thêm, săm soi mớ trái cây lạ chưa từng thấy thì em gái bán hàng xắt ngay mấy miếng cho khách nhấm nháp. Rồi dù chỉ khen ngon, quay đi không mua; em vẫn tươi cười chào khách… Người bán kẻ mua, kể cả kẻ đi dạo chợ đều vui vẻ cười cười nói nói. Dù khách lạ chẳng mua được một cắc, nhưng cứ sàng qua sàng lại bao lần, chen chân, ngáng chỗ… vẫn chỉ những nụ cười tươi tặng khách.

Trái cây lạ trong chợ giá 2B$ cho ba trái.

Trái cây lạ trong chợ giá 2B$ cho ba trái.

Thẩn thơ trên cầu, hỏi thăm anh chàng Niah chở mẹ đi chợ với chiếc xe hơi bóng loáng thắc mắc. Cậu vui vẻ: “Mấy thứ rau cỏ, trái cây sở dĩ giá chênh lệch nhiều là vì thổ nhưỡng và vụ mùa, cái nào trồng, hái được nhiều là họ bán rẻ. Chứ anh vô siêu thị là nó đắt đều nhau!”… Cười hì hì, cậu tiếp: “Mẹ tôi có bỏ phiên chợ nào đâu, dù có bữa đi cả buổi cũng chỉ mua mấy mớ rau, vài con cá thôi! Bà tới đây còn gặp bạn bè, người quen, thăm hỏi chuyện trò khá lâu… Nhưng về bà vui lắm, mà bà vui là tụi tui mừng!”

Tôi chen chân với các bạn Tây, Nhật đi bụi vào quầy bán đồ ăn, mua hộp cơm vun đầy thức ăn với giá 1B$ cho hành trình lang bạt trưa nay. Chia tay phiên chợ chồm hổm ở quốc gia có mức thu nhập bình quân đầu người cao gấp vài chục lần Việt Nam (* Số liệu năm 2010, GDP/người Brunei khoảng 48.714 USD, GDP/người Việt Nam năm 2011 khoảng 1.300 USD) , với hộp cơm 17.000 đồng trong balô, với những nụ cười tươi rói mang theo… Tôi nhớ đến những ngôi chợ đang vắng khách xứ mình mà buồn buồn. Bao giờ mới đông vui lại chợ mình ơi? Mình cũng có chợ trên bến dưới thuyền ngay ở Sài Gòn chớ, nhưng quản không được rồi bị cấm tiệt luôn!

Cẩm nang:

Có các chuyến bay hàng không giá rẻ đến Brunei từ Kuala Lumpur, Bangkok.

Ăn uống trong quán bình thường trung bình 5B$/món.

Xung quanh thủ đô Bandar Seri Bewagan có các điểm du lịch có thể tự đi bằng xe buýt. Các điểm đến xa và hấp dẫn như thăm rừng già Borneo, lặn biển… thường phải đi theo tour, giá khá đắt đỏ.

Đánh giá

Bài viết cùng tác giả

misconception of time
Vườn chim Thung Nham – Vương quốc của các loài chim ở Ninh Bình
misconception of time
Nhà thờ Phát Diệm Ninh Bình – Nhà thờ đá có kiến trúc của đình, chùa Việt Nam
misconception of time
Tam Cốc – Bích Động, “vịnh Hạ Long trên cạn” ở Ninh Bình
misconception of time
Icehotel 33 - Khách sạn làm từ 500 tấn băng
misconception of time
Chùa Bích Động – Ngôi chùa hang cổ kính trong lòng di sản
misconception of time
Top 5 bảo tàng Singapore đặc sắc nhất định phải ghé thăm

Tin liên quan