17-01-2024 11:00

Đi “bụi” Malaysia với 5 triệu đồng

Đi “bụi” Malaysia với 5 triệu đồng

Hãy yên tâm đến thăm Kuala Lumpur chỉ với 2 triệu cho vé máy bay, 2 triệu cho ăn ở và phần còn lại cho các chi phí khác.

Du lịch nước ngoài ngày nay đã trở nên rất đơn giản bởi các đường bay thẳng tới nhiều điểm đến nổi tiếng và giá vé ưu đãi từ các hãng hàng không. Thông tin về các điểm du lịch cũng có thể dễ dàng tìm được trên mạng hoặc từ kinh nghiệm của nhiều người. Tuy nhiên, một vấn đề quan trọng cần lưu ý, đó là ngân sách. Nếu không đủ tiền thì dù chuẩn bị kỹ đến đâu, cuộc vui cũng khó trọn vẹn.

Xin đưa ra cho bạn gợi ý về gói du lịch Malaysia, một điểm đến đang thu hút nhiều khách du lịch mùa hè này, trong 3-4 ngày chỉ với 5 triệu đồng. Hiện nay, giá tour trọn gói mà các công ty du lịch đưa ra dao động từ 8 đến 12 triệu đồng, tùy vào số lượng điểm tham quan. Dù 5 triệu đồng chưa phải là số tiền thực sự an toàn nhưng là chi phí tiết kiệm nhất hiện thực hóa chuyến du lịch tới thăm tháp đôi Petronas.

Một góc khu mua sắm trong khu Bukit Bintang.

Một góc khu mua sắm trong khu Bukit Bintang.

Vé máy bay: trên dưới 2.000.000 đồng

Hiện nay, có nhiều hãng hàng không có đường bay từ Hà Nội và TP HCM tới Kuala Lumpur như Air Asia, Vietnam Airlines, Malaysia Airlines, Tiger Airways… với giá trung bình 4 triệu đồng khứ hồi.

Nhưng nếu chịu khó “săn” vé rẻ, bạn hoàn toàn có thể đặt chỗ thành công chỉ với giá bằng một nửa, trên dưới 2 triệu đồng. Đặc điểm của vé giá rẻ thường là chậm giờ, không linh hoạt về thời gian, số lượng vé ít nên khá mất công khi đặt. Ngoài ra, vé rẻ không được thay đổi hành trình và không được hoàn trả. Tuy nhiên, với tiêu chí tiết kiệm thì vấn đề này không hề là chướng ngại. Nếu đi ít ngày, bạn nên mang ít quần áo, không mang nhiều chất lỏng để khỏi phải mua hành lý ký gửi.

Sân bay ở Kualar Lumpur cách khá xa trung tâm. Bạn nên đặt trước các chuyến xe bus hoặc đi tàu về nội thành, thay vì bỏ cả “núi” tiền đi taxi. Giá vé tàu khoảng 200.000 đồng còn giá vé xe bus thì chỉ khoảng 60.000-70.000 đồng là về tới nhà ga KL Sentral trong trung tâm thành phố. Nếu bay Air Asia, bạn nên đặt vé xe bus cùng với vé máy bay để có giá ưu đãi khoảng 40.000 đồng cho 2 chiều.

Khách sạn: khoảng 1.000.000 đồng

Thông thường, các bạn trẻ đi du lịch thường theo cặp hoặc nhóm nên giá phòng sẽ được chia sẻ khiến chi phí giảm đi đáng kể. Ở Kuala Lumpur có nhiều loại phòng để lựa chọn, từ khách sạn cao cấp, bình dân, nhà nghỉ thông thường cho đến nhà nghỉ dưới hình thức ở ghép (ngủ giường tầng, nhiều người ở chung một phòng).

Hình thức ở ghép này có ưu điểm lớn nhất là giá rẻ, từ 60.000 đồng một đêm nhưng lại khá nguy hiểm, đặc biệt cho các bạn nữ khi ở chung với nhiều người lạ. Hơn nữa, điều kiện vệ sinh cũng khó được đảm bảo. Nếu đi một nhóm đông, có cả nam và nữ thì bạn có thể tham khảo hình thức này.

Còn với các cặp đôi hoặc nhóm bạn nhỏ, muốn một căn phòng khép kín thì nên tìm đến các khách sạn bình dân hoặc nhà nghỉ, với giá cả chỉ khoảng 20-30 USD (400.000-600.000 đồng) một đêm. Nếu chia cho số người thì chi phí này khá dễ chịu.

Nhà nghỉ càng xa trung tâm thì giá cả lại càng phải chăng. Khu KLCC (khu có tháp đôi Petronas) và khu Bukit Bintang giá cả đắt đỏ hơn nhưng lại ở trung tâm, tiết kiệm chi phí đi lại, có nhiều trung tâm thương mại còn khu China town giá rẻ hơn đôi chút hơn, đông vui và cũng dễ dàng đi tàu điện vào trung tâm.

Giá cho 3 đêm vào khoảng 60-90 USD, nếu bạn đi 2 người sẽ chỉ mất chưa tới một triệu đồng cho hạng mục này. Nhớ đặt phòng trước trên mạng để có ưu đãi nhất.

Phí di chuyển: 500.000 đồng

Có một cảnh báo mà bạn sẽ luôn được nghe, từ các chỉ dẫn trên mạng cũng như từ người dân địa phương, đó là không nên đi taxi ở Kuala Lumpur. Bởi lẽ phần lớn các xe taxi đều không có đồng hồ tính cước hoặc có thì cũng chạy rất nhanh và giá cả thì khá “trên trời”. Cùng một quãng đường, bạn có thể sẽ được ra nhiều giá tiền khoảng 6-30 RM (1 RM khoảng 7.000 đồng) tùy vào… “bác tài”.

Còn nếu trong tình huống quá cấp bách, bạn nên lựa chọn các tài xế người Hoa hoặc người Mã (có nước da sáng màu hơn người Ấn) bởi theo kinh nghiệm một số du khách, giá cả và thái độ của các bác tài này dễ chịu hơn. Hãy nhớ mặc cả trước khi lên xe để không bị “choáng váng” khi trả tiền, chỉ nên trả trên dưới 50% giá mà lái xe đề nghị.

Tháp đôi Petronas ở khu KLCC tại thủ đô Kuala Lumpur.

Tháp đôi Petronas ở khu KLCC tại thủ đô Kuala Lumpur.

Trong thành phố, ngoài xe bus, khách du lịch có thể lựa chọn LRT (tàu điện) và monorail (tàu điện trên cao) để di chuyển tới các địa điểm trong thành phố. Hai phương tiện này được khá nhiều khách du lịch lựa chọn không chỉ bởi giá rẻ mà còn có những trải nghiệm thú vị mà ở Việt Nam bạn khó có được, từ việc ngắm cảnh thành phố trên cao hay đơn giản là việc mua vé bằng máy bán tự động.

Bạn có thể truy cập vào các trang web để biết thông tin về tuyến đường và bến dừng của các phương tiện này hoặc mua bản đồ (loại dành cho khách du lịch, có cả tuyến đường tàu điện). Cứ 5 phút lại có một chuyến, các bến cách nhau khoảng một km, đi qua các điểm tham quan chính trong thành phố. Giá cả của cả LRT và monorail chỉ khoảng vài RM, tùy vào chặng đường bạn muốn đi.

Với những quãng đường ngắn, dưới 3km, bạn nên đi bộ để vừa tiết kiệm chi phí, vừa có thể cảm nhận được trọn vẹn nhịp sống của thành phố. Tích cực giao lưu với người dân địa phương sẽ cho bạn nhiều kinh nghiệm quý báu và rất thực tế, thậm chí là những điều hoàn toàn không được chia sẻ trên internet.

Với ngân sách hạn hẹp, bạn cũng vẫn có thể di chuyển tới một vài thành phố gần Kuala Lumpur để tham quan và vui chơi như cao nguyên Genting (cách thủ đô khoảng 50km) hay động Batu (cách 13 km) hoặc thành phố mới Putrajaya (cách 25 km). Vé xe khách tới đây cũng khá phải chăng, có thể mua một cách tiện lợi từ các bến xe trong thành phố như bến KL Sentral hoặc Pudu Station.

Đặc biệt, nếu đi cao nguyên Genting, giá vé sẽ rất ưu đãi khoảng 11 RM một chiều (gần 80.000 đồng, đã bao gồm cả phí cáp treo) còn đi Putrajaya giá vé cũng khoảng 10 RM. Tuy nhiên, khi đặt vé chiều về từ Genting, bạn nên cân nhắc kỹ thời gian bởi khi đã mua, bạn không thể đổi lại.

Ăn uống: khoảng 1.000.000 đồng

Ẩm thực Malaysia là sự pha trộn của nhiều vùng miền như Trung Quốc, Ấn Độ… Những món ăn Ấn Độ hay của người Mã đều có đặc điểm chung là nhiều dầu mỡ và hơi khó ăn một chút. Các món ăn Trung Quốc phù hợp khẩu vị với người Việt hơn nhưng lại hơi ngọt.

Mỳ vịt quay ăn kèm nước sốt trong khu người Hoa có giá chỉ khoảng 4 RM (28.000 đồng) khá dễ ăn, phù hợp khẩu vị người Việt.

Mỳ vịt quay ăn kèm nước sốt trong khu người Hoa có giá chỉ khoảng 4 RM (28.000 đồng) khá dễ ăn, phù hợp khẩu vị người Việt.

Nhìn chung, giá cả đồ ăn ở đây ngang bằng với đồ ăn ở Việt Nam. Nếu đi theo nhóm và ăn chung thì chi phí này lại càng khiêm tốn hơn. Khu phố người Hoa và phố ẩm thực Jalan Alor là hai địa điểm có nhiều quán ăn bình dân, giá cả dễ chịu và thu hút nhiều khách du lịch nhất. Đặc biệt ở Jalan Alor (trong khu Bukit Bintang), bạn có thể tìm thấy cả đồ ăn Trung Quốc, Ấn Độ lẫn Malaysia trên con phố dài tập trung các quán ăn san sát, lúc nào cũng tấp nập.

Trung bình một bữa, một người tiêu tốn khoảng 15-20 RM, một ngày khoảng 50 RM (350.000 đồng) là bạn đã có thể có bữa ăn tương đối tươm tất và đầy đủ chất. Riêng chi phí dành cho ăn uống, bạn không nên cắt giảm bởi lẽ không đủ sức khỏe thì chuyến du lịch của bạn khó có thể đạt được kết quả mong đợi.

Ngoài ra, Malaysia nổi tiếng không kém Thái Lan bởi những xe trái cây lúc nào cũng tươi ngon và được cắt gọt cẩn thận, cho vào túi nilon tiện lợi. Nếu mua từ buổi sáng thì sẽ có nhiều lựa chọn hơn và hoa quả cũng tươi ngon hơn. Một túi trái cây nhỏ xinh có giá 1RM (gần 7.000 đồng). Nước trái cây và bánh ngọt cũng được bán nhiều ngoài đường, đặc biệt là ở khu phố đi bộ, nhà ga, quanh trung tâm thương mại với chỉ giá vài RM nhưng khá ngon miệng.

Quà cáp và chi phí khác: 500.000 đồng

Ở Kuala Lumpur có một số tuyến phố đi bộ bày bán nhiều quà lưu niệm phong phú, mang đặc trưng của Malaysia như phố đi bộ Kasturi gần Central Market hay trong khu China town. Giá cả cho các mặt hàng này cũng rất đa dạng, có thứ có thể mặc cả, cũng có thứ chủ hàng quyết không giảm giá cho người mua. Dù vậy, bạn vẫn nên thử trả giá, biết đâu vẫn có thể mua được với giá ưu đãi.

Nếu đi đúng đợt sale vào khoảng tháng 7, bạn có thể săn được một số mặt hàng giá rẻ như quần áo, giày dép trong các trung tâm thương mại như Lot10, Pavilion, Mid Valley, Star hill, BB Plaza, Brand Outlet… của các sản phẩm đồ hiệu bình dân như H&M, Forever 21, Cotton On… Vào mùa giảm giá, những thương hiệu này chỉ còn giá vài trăm nghìn, thậm chí vài chục nghìn đồng. Tuy nhiên, hãy cân nhắc kỹ trước khi quyết định rút ví bởi tiêu chí của chuyến đi này là tiết kiệm chi phí hết mức.

Ở Malaysia ít có điểm mua sắm chấp nhận tiền USD, do đó, bạn nên đổi trước số tiền cần thiết ở nhà để tránh thiệt tỷ giá. Nếu thừa, bạn vẫn có thể bán lại dễ dàng sau khi trở về tại chính nơi mình đã mua. Hiện tại, 1 RM có giá khoảng 6.900 đồng.

Trên đây là gợi ý chi phí cho một chuyến đi tiết kiệm nhất tới Malaysia. Để yên tâm, bạn nên mang thêm tiền để đề phòng những tình huống bất trắc và thoải mái chi tiêu bởi Malaysia nổi tiếng là một “thiên đường mua sắm”.

Đánh giá