Từ 2h sáng, dân săn ảnh đã tranh nhau “xếp chỗ” để có thể chụp được những tấm ảnh hút hồn của rêu xanh trên bãi đá nổi tiếng này khi bình minh ló dạng.
Đẹp nao lòng mùa rêu ở bãi biển Cổ Thạch
Cứ sau Tết Nguyên đán, khoảng tháng 2-3 hàng năm là bãi đá ven biển Cổ Thạch thuộc huyện Tuy Phong, Bình Thuận lại phủ rêu xanh mướt. Đây cũng là thời điểm dân săn ảnh đổ xô về.
Tấm thảm rêu độc đáo trên bãi đá nhiều hình dáng lạ.
Đây cũng là thời điểm khách du lịch đổ xô về tham quan, tận tay chạm vào tấm thảm rêu độc đáo.
Từ 2h sáng, giới săn ảnh và khách du lịch đã ra bãi đá xếp chỗ, để có thể chụp được những hình ảnh đắt nhất khi mặt trời vừa lên.
Tuy nhiên, không phải ai may mắn đến đây cũng có thể chụp được hình ảnh rêu đẹp nhất, do phụ thuộc vào thủy triều. Rêu chỉ “xuất hiện” khi thủy triều vừa rút xuống, nếu nước quá lớn sẽ rất khó chụp còn nước cạn thì bãi rêu khô, không xanh mướt.
Những bãi rêu biển đẹp thường ở nơi có nhiều ghềnh đá, nước trong veo…
…nhưng cũng khá trơn trượt, nguy hiểm.
Mùa khô ở Tuy Phong cũng là mùa biển động, ít có dấu chân người qua lại, thuyền bè cũng ra vào thưa thớt, đó là thời điểm rêu sinh sôi trên bãi đá này.
Giới săn ảnh chia sẻ bí quyết để có thể sở hữu những tấm ảnh rêu độc đáo “chuẩn màu” nhất là khi chiều xuống, nắng sắp tắt hoặc khi mặt trời vừa ló dạng ở đằng đông.
Biển Bình Thuận nhiều tầng đá, lại là nơi vươn ra biển để đón mùa nắng sớm hơn các vùng biển khác, nên rong rêu ở đây hình thành sớm và đẹp hơn so với những vùng biển khác.
Bãi biển Cổ Thạch cách TP Phan Thiết gần 100 km, gần với khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Cau và cách Cà Ná (Ninh Thuận) khoảng 30km. Nếu đi từ TP.HCM, du khách mất khoảng 6 tiếng đồng hồ đi 300km bằng xe khách.
Biển Cổ Thạch quyến rũ với nước trong xanh, những bãi đá nhiều màu sắc nên còn được gọi là bãi đá 7 màu. Nơi đây là một “tập hợp” rất nhiều loại đá đủ hình dáng, kích cỡ, màu sắc xếp chồng nhau.
Bãi biển Cổ Thạch thuộc xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận