Đền Trần Thương thuộc xã Trần Hưng Đạo, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam được biết đến là di tích tiêu biểu của Việt Nam hội tụ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và cả tâm linh.
Đền Trần Thương – di tích linh thiêng có kiến trúc đặc biệt ở Hà Nam
Đền Trần Thương ngày nay thờ vị anh hùng dân tộc Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn cùng gia đình ông và các tướng lĩnh có công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông thế kỷ XIII. Dù đã nhiều thế kỉ nhưng đền vẫn giữ được nét đẹp từ thuở sơ khai và đã trở thành dấu ấn lịch sử và niềm tự hào của người dân Hà Nam.
Mảnh đất Trần Thương là đất trù phú “Cá Nhân Đạo, gạo Trần Thương” và câu thơ khắc trên bức châm tại đền: “Đất Trần Thương lắm phúc, hoa quả bốn mùa xuân”. Trước đây, Trần Thương là trung tâm của 6 khe nước. Từ đây có thể ngược sông Hồng đi Thăng Long hoặc xuôi ra biển về phía Đông khoảng 3km là nơi đặt lăng mộ nhà Trần.
Đền Trần Thương là một trong 3 ngôi đền lớn thờ Hưng Đạo Đại Vương trên cả nước. Tương truyền trên đường đi đánh quân Nguyên Mông, Trần Hưng Đạo thấy địa thế nơi đây hiểm yếu, bèn đặt 6 kho lương phục vụ kháng chiến. Địa điểm ngôi đền hiện nay là kho lương thực chính.
Ngôi đền thâm nghiêm, cổ kính nằm trên thế đất thiêng được xây kiểu “Tứ thủy quy đường”. Tổng thể cảnh quan đền gồm nghi môn ngoại, nghi môn nội, 5 tòa, 15 gian, chia thành 3 cung: đệ nhất, đệ nhị, đệ tam và hai giải vũ, 5 giếng…Kiến trúc và cảnh quan tự nhiên của đền Trần Thương như hòa nhập đời vào đạo trong không gian văn hóa linh thiêng.
Giá trị đền còn thể hiện ở phần trang trí với các đề tài, họa tiết được chạm khắc công phu: lưỡng long chầu nguyệt, rồng bay, phượng múa, sóng nước mây trời… Tạo nên một bức tranh sống động, cổ kính trang nghiêm và chứa đựng triết lý dân gian. Đồ thờ, cổ thư của đền cũng rất phong phú. Đặc biệt là pho tượng Đức Thánh Trần với nét mặt nghiêm nghị nhưng vẫn nở nụ cười bao dung.
Cùng với giá trị lịch sử, đền Trần Thương còn mang giá trị văn hoá thông qua lễ hội. Đền hàng năm mở 2 lễ hội lớn: lễ phát lương Đức Thánh Trần tổ chức vào đêm 14 rạng sáng ngày 15 tháng Giêng hàng năm; lễ giỗ từ 18 đến 20 tháng 8 âm lịch thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương.
Trong lễ hội diễn ra nhiều hoạt động văn hóa dân gian, tục thi đặc sắc, độc đáo nhất là lễ rước nước và thi bơi chải trên sông. Các nghi thức vừa mang ý nghĩa cầu mưa thuận, gió hòa mà còn nhắc nhở đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Bên cạnh đó, lễ hội còn tổ chức “Diễn xướng thanh đồng”, một lễ nghi có từ lâu đời.
Đền Trần Thương cùng với những lễ hội tổ chức ở đền đã giúp lưu giữ các giá trị văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng vô cùng quý giá. Qua đó còn thể hiện niềm tôn kính bậc thánh nhân cứu quốc, thể hiện khát vọng chân chính, thiêng liêng mãi mãi được lưu truyền.
Theo iVIVU.com