Đền thờ Triệu Việt Vương thờ vị vua duy nhất của huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Ông cùng với Lý Bí (Lý Nam Đế) đã hai lần đánh đuổi quân Lương xâm lược, mang lại nền độc lập cho nhà nước Vạn Xuân.
Đền thờ Triệu Việt Vương – Nơi thờ vị vua duy nhất của Hưng Yên
Đền thờ Triệu Việt Vương tọa lạc tại thông Trung, xã An Vĩ, huyện Khoái Châu, người địa phương còn gọi là đền thờ Vua Rừng. Tương truyền đây là nơi Triệu Quang Phục tích trữ lương thảo và thao luyện binh sĩ. Đền nằm trên địa thế rất đẹp, xung quanh là hào nước.
Năm 541, Triệu Quang Phục tham gia khởi nghĩa của vua Lý Nam Đế, được trao chức Tả tướng quân. Tháng 5 năm 545, quân Lương do Dương Tiêu và Trần Bá Tiên chỉ huy sang đánh Vạn Xuân, Lý Nam Đế thua trận.
Trước khi mất, Lý Nam Đế trao lại binh quyền cho Triệu Quang Phục mang quân về xây dựng căn cứ tại đầm Dạ Trạch. Ông sử dụng lối đánh du kích, ngày ngày cùng binh sĩ luyện tập, đêm đến mới dùng thuyền độc mộc tập kích bất ngờ vào doanh trại quân Lương.
Sau đó Triệu Quang Phục xưng vương, tiếp tục cùng nhân dân Vạn Xuân dựng và giữ nước. Dưới sự dẫn dắt của ông, không chỉ căn cứ Dạ Trạch được giữ vững, mà ông còn liên tục mở rộng phạm vi kiểm soát. Đến năm 550, khi cơ hội chín muồi, Triệu Việt Vương mở một loạt các cuộc tấn công lớn vào quân Lương và toàn thắng.
Chỉ trong vòng 8 năm từ đầu năm 542 đến đầu năm 550, hai vị anh hùng dân tộc Lý Bí và Triệu Quang Phục đã hai lần đánh đuổi quân xâm lược nhà Lương ra khỏi bờ cõi. Nhà nước Vạn Xuân trải qua những năm tháng gian nan nhất, có lúc tưởng như đã bị tiêu diệt hoàn toàn, lại được hồi sinh.
Năm 2012 đền thờ Triệu Việt Vương được phục dựng trên nền móng cũ theo lối kiến trúc cổ nhưng quy mô to lớn hơn, có diện tích khoảng 267,5 mét vuông trên khuôn viên rộng 13.748 mét vuông. Toàn bộ công trình được làm bằng gỗ lim, mái lợp ngói mũi hài kết hợp với hoa văn trang trí đặc thù.
Đền có kiến trúc kiểu tiền nhất, hậu cung gồm chính điện, ba gian, hai chái. Phía sau đền chính đắp đồi giả sơn bằng đất diện tích 102 mét vuông, tạo thế tựa theo phong thủy vừa trồng cây tạo cảnh quan chung cho khu di tích… Các kiến trúc được thiết kế đồng bộ với cảnh quan vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Tòa chính điện và gian tiền tế được thiết kế thông thoáng nhằm lấy được nhiều ánh sáng làm cho các đồ thờ tự bừng sáng ngay khi du khách bước vào đền thờ. Tại gian trung tâm tòa chính điện treo bức đại tự có ba chữ Hán “Triệu Việt Vương”.
Phía dưới gian bày trí các đồ thờ tự. Hai gian hai bên là tượng tướng quân Trương Hống và Trương Hát, hai vị tướng có công giúp Triệu Quang Phục đánh quân Lương.
Nối tiếp gian trung tâm là hậu cung có kiến trúc đơn giản thờ tượng Triệu Quang Phục trong tư thế ngồi, gương mặt phúc hậu, mặc áo quan có trang trí rồng trông khoan thai. Hai bên cung cấm là gian thờ hai cụ thân sinh Triệu Túc và Nguyễn Thị Hựu. Gian thờ còn có ban thờ của ba bà vợ.
Hàng năm cứ vào ngày 12 – 13 tháng 8 âm lịch, dân làng lại long trọng tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công lao của vị vua duy nhất của làng. Đền thờ Triệu Việt Vương đông đúc du khách, người dân địa phương và nhiều chương trình vui chơi múa hát hấp dẫn trong lễ hội.
Theo iVIVU.com