Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm nằm ở xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng thờ phụng và tưởng nhớ vị Trạng Nguyên liêm khiết được người đời vô cùng kính trọng.
Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm, vị Trạng Nguyên lừng danh đất Cảng
Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) là người tài cao, đức trọng, uyên thâm mẫu mực của thời nhà Mạc. Vì tình hình đất nước lúc bấy giờ bất ổn, nên mãi đến khi đã 43 tuổi ông mới đi thi hương và đỗ ngay giải nguyên. Sau đó đỗ hội nguyên rồi đỗ trạng nguyên năm Ất Mùi (1535).
Ra làm quan cho nhà Mạc được 8 năm, ông đã dâng sớ vạch tội và xin chém đầu 18 tên lộng thần. Vua không nghe, ông liền trả áo mũ từ quan, về quê dựng am dạy học. Học trò ông có nhiều người tài giỏi như Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Dữ…
Trong khi ở ẩn, vua Mạc cũng như các chúa Trịnh, Nguyễn vẫn cho người đến hỏi ý ông khi có những việc quan trọng. Ông thường kín đáo khuyên Vua tránh chiến tranh để giữ hòa bình cho nhân dân. Lúc qua đời, ông được truy phong Trình Quốc công. Ông là tấm gương sáng yêu nước, thương dân, dám tố cáo tham quan lộng thần, hết lòng phụng sự nhân dân.
Toàn bộ khu di tích gồm 9 hạng mục: tháp bút Kình Thiên; đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm dựng năm 1585 với ba gian tiền đường, hai gian hậu cung, phía trước có hai hồ nước, bức hoành phi ghi 4 chữ “An Nam Lý Học”; nhà trưng bày thân thế và sự nghiệp; phần mộ cụ thân sinh ông.
Ngoài ra còn có tượng Nguyễn Bỉnh Khiêm bằng đá cao 5,7m, nặng 8,5 tấn; hồ bán nguyệt rộng khoảng 1.000m²; chùa Song Mai; tượng thờ bà Minh Nguyệt, vợ của Nguyễn Bỉnh Khiêm và Quán Trung Tân, nơi lưu giữ quan niệm mới về chữ “Trung” hướng theo “chí trung chí thiện”.
Phía trước đền, hai con rồng đá ngự bên bức bình phong như trang sách mở ra tôn thêm vẻ trang nghiêm cho ngôi đền. Cây đa cổ thụ thân to mấy người ôm không xuể, tán cây um tùm ở sân, cạnh đó là hồ Thái Nhâm có cá vàng bơi lội dưới làn nước trong xanh.
Phía sau đền là nhà thờ vị thân sinh của Trạng Trình làm bằng gỗ nằm giữa những bồn hoa được cắt tỉa cẩn thận. Tiếp đến là khu nhà được lợp bằng cói mô phỏng Bạch Vân Am trước đây, nơi ông sau khi từ quan đã về dạy học, làm thơ.
Am được xem như một trường Đại tập nổi tiếng, là nơi tạo nguồn cảm hứng của 1000 bài thơ Nôm, Bạch Vân Am thi tập, Bạch Vân Quốc ngữ thi tập, Trình Quốc Công Sấm ký… Cũng chính từ Mái Am Bạch Vân này, ông đã từng tiếp kiến các sứ giả của nhà Mạc, chúa Trịnh, Nguyễn đến tham vấn.
Bên phải đền thờ là khoảng sân nhỏ, nơi trưng bày lát cắt trong quãng đời của Trạng Trình sau khi cáo quan về ở ẩn. Khoảnh sân có những bức tượng với đủ hình hài biểu cảm, cảnh người dân vui mừng ra đón Trạng trở về quê hương, trẻ nhỏ cùng bố mẹ đến xin cụ dạy chữ, học trò cũ đến vấn an…
Bên trái đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm là tượng đài của chính ông sừng sững giữa trung tâm di tích, uy nghiêm dưới trời đất. Tượng đài hướng ra hồ bán nguyệt có hàng liễu xanh rủ bên bờ, lưng tựa vào ngọn núi sấm sừng sững.
Trước tượng đài là quảng trường, địa điểm tổ chức lễ hội, cũng là khu vực để tổ chức các sự kiện của thành phố Hải Phòng. Đặc biệt, cứ đến mỗi kì thi hoặc vào đầu năm học mới, phụ huynh và học sinh thường đến đây xin chữ cầu may mắn.
Trong khu di tích có hai bức phù điêu, mỗi bức cao khoảng hơn 5m, dài hơn 20m. Một bức khắc họa những nét chính trong cuộc đời sự nghiệp của Trạng Trình từ lúc còn bé đến những năm cuối đời, bức kia tái hiện giai đoạn lịch sử địa phương từ khi thực dân Pháp xâm lược đến nay.
Cách không xa là tháp bút Kình Thiên, do học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm dựng lên cách đây hơn 400 năm để ca ngợi tài năng của thầy. Qua năm tháng, gò đất bị bào mòn, tháp bút bị đổ, đến thời Nguyễn được xây lại kiểu hai tầng tám mái, lòng tháp rỗng.
Qua nhiều biến cố, khu di tích đã được trùng tu nhiều lần để lưu giữ văn hóa lịch sử tốt đẹp cho du khách đến tham quan. Lượng du khách ngày càng tăng, không chỉ vào những ngày lễ hội. Năm 2015, quần thể di tích bao gồm đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm được công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt. Sự kiện này góp phần bảo tồn, quảng bá và phát huy giá trị của di tích.
Theo iVIVU.com