Đền Quan Thánh được dựng trên một vách đá cheo leo, tạc nhiều phù điêu, khắc chữ Hán cổ… thu hút du khách ngày rằm, đầu tháng hoặc lễ Tết.
Đền Quan Thánh cổ hơn 300 tuổi trên vách đá ở Thanh Hóa
Đền Quan Thánh nằm ở sườn phía Đông dãy núi An Hoạch (phường An Hưng, TP. Thanh Hoá). Theo văn bia ghi lại, đền được dựng vào cuối thế kỷ 17 thời Lê Trung Hưng. Đến thế kỷ 18, ngôi đền được Quận công Lê Trung Nghĩa tu sửa, cho tạc thêm nhiều pho tượng trên vách núi hay lòng hang động.
Trên một vách núi dựng đứng phía ngoài lối dẫn lên đền có một chữ “Thần” lớn được khắc ở độ cao chừng 20m. Ngay trên chữ “Thần” là một quả chuông đồng cổ, nặng khoảng 60-70 kg. Các cao niên quanh vùng không biết chuông được đúc từ bao giờ và làm cách nào có thể treo lên sườn núi dốc đứng. Quả chuông hiện không hoạt động, nằm lộ thiên và vẫn còn khá nguyên vẹn, bề mặt có một chút han gỉ.
Trên vách đá phía cửa tiền và hậu của đền được chạm khắc nhiều tượng voi, ngựa đá và một số quan quản tượng hay giám mã đứng kế bên.
Xung quanh đền Quan Thánh còn hàng chục bài thơ, văn bia chữ Hán, chữ Nôm cổ do các bậc văn nhân, nho sĩ và quan lại đương thời lúc tham quan cho khắc đề trên vách đá. Nội dung các văn bia nhằm ca ngợi cảnh sắc thiên nhiên kỳ thú ở núi Nhồi (xưa còn có tên gọi là núi Khế) và tài nghệ của những người thợ xưa kia đã kỳ công tạo tác công trình độc đáo này. Các tấm bia trước đây được để mộc, rêu phong phủ mờ theo thời gian nhưng gần đây đã bị những người trông coi đền dùng sơn màu vàng và đỏ tô vẽ lại.
Hàng năm di tích đền Quan Thánh thu hút hàng nghìn người dân địa phương và du khách thập phương đến vãn cảnh, thắp hương nhất là dịp ngày rằm, đầu tháng hoặc lễ Tết.
Trên đền Thượng hiện còn một quần thể tượng quan văn võ, voi đá, ngựa đá và hương án được tạc từ hàng trăm năm trước. Những bức tượng này nặng hàng tấn song chưa rõ bằng cách nào mà những người thợ xưa đã vận chuyển được lên sườn núi như vậy.