Từ xa xưa Hưng Yên đã nổi tiếng là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi có truyền thống hiếu học. Minh chứng rõ nét là văn miếu Xích Đằng, biểu tượng của vùng đất khoa bảng.
Đến Hưng Yên thăm văn miếu Xích Đằng, niềm tự hào của người “xứ nhãn”
Văn miếu Xích Đằng hay còn gọi là văn miếu Hưng Yên, là di tích quan trọng trong quần thể di tích Phố Hiến. Văn miếu thờ Khổng Tử và thầy giáo Chu Văn An, nhà sư phạm tài năng đức độ của thời Trần, người được UNESCO vinh danh Danh nhân văn hóa thế giới.
Xưa kia văn miếu là nơi tổ chức các cuộc thi hương và sát hạch thí sinh đi dự kỳ thi hương. Với hơn 400 năm tồn tại, ghi danh 161 vị đại quan, văn miếu đã thể hiện tinh thần hiếu học của đất Hưng Yên.
Văn miếu được khởi dựng khá sớm từ thời kỳ Hậu Lê, trải qua cuộc trùng tu lớn vào năm 1839. Văn miếu Xích Đằng được xây dựng trên nền một ngôi chùa cổ, chùa Nguyệt Đường.
Tam quan văn miếu là công trình còn sót lại khá hoàn chỉnh từ khi văn miếu được xây dựng cho đến nay. Cổng tam quan được xây dựng theo kiểu chồng diêm hai tầng tám mái.
Từ trên lầu tam quan có ngưỡng cửa hình tròn có thể thu vào tầm mắt phong cảnh hữu tình đúng như câu đối ở tam quan “Bốn mặt hai đàn dâng ca hát, Tinh thần thoải mái lòng rộng mở, Một trời gió quang mây tạnh, Núi cũng cao mà nước cũng trong”.
Khoảng sân của văn miếu có con đường chữ thập, con đường này chia sân ra làm bốn ô. Các sĩ tử khi tham gia kỳ thi Hương sẽ ngồi ở 4 ô đó. Hai bên sân là hai lầu chuông và lầu khánh.
Khác với các văn miếu khác, chỉ riêng văn miếu Xích Đằng có chuông đồng và khánh đá có niên đại từ thời vua Gia Long. Nối tiếp là hai dãy tả vu và hữu vu hai bên, là nơi để quan đầu tỉnh sửa mũ áo trước khi vào tế lễ Đức thánh. Ngày nay hai dãy nhà này dùng để trưng bày những hình ảnh liên quan đến ngành giáo dục của tỉnh Hưng Yên xưa và nay.
Khu nội tự của văn miếu Xích Đằng được xây dựng theo kiểu chữ tam, gồm tiền tế, trung từ và hậu cung. Hệ thống mái của các tòa được làm liên hoàn kiểu trùng thềm địa ốc, mặt chính quay về hướng Nam. Toàn bộ hệ thống cửa, xà cột đều bằng gỗ lim và được chạm khắc công phu.
Cửa chính điện là bàn thờ thầy giáo Chu Văn An (1292-1370), nhà sư phạm tài năng đức độ thời Trần. Phía sau là ban thờ Khổng Tử (551-479 TCN), người sáng lập ra Nho giáo và tứ phối, 4 vị học trò của Khổng tử là Mạnh Tử, Tương Tử, Nhã Uyên và Tăng Sâm.
Nơi đây còn có 9 tấm bia đá trong đó có 8 tấm dựng năm Đồng Khánh 1888, và một tấm dựng năm Bảo Đại năm 1943. Trên 9 tấm bia có ghi danh 161 trên tổng 228 vị đã đỗ khoa bảng của tỉnh Hưng Yên trong thời phong kiến.
Lễ hội truyền thống của văn miếu Xích Đằng diễn ra vào ngày mùng 4 và 5 Tết Âm lịch với nhiều hoạt động như triển lãm thư pháp, cho chữ đầu xuân và hát ca trù.
Vào năm học mới, hay ngày nhà giáo Việt Nam ở văn miếu còn diễn ra các hoạt động như lễ báo công nhằm vinh danh học sinh nghèo vượt khó, có thành tích học tập tốt hay các thầy cô giáo có thành tích giảng dạy tốt trong năm học.
Văn miếu Xích Đằng được công nhận là Di tích Lịch sử cấp quốc gia vào năm 1992. Và văn miếu đã trở thành trung tâm giáo dục thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo, cũng là điểm đến hấp dẫn của đất nhãn Hưng Yên.
Theo iVIVU.com