Đảo cò nằm giữa hồ nước công viên Nam Hòa, thành phố Hưng Yên, nguyên là đầm Lò Nồi. Từ những năm 90 của thế kỷ trước, đảo này đã có nhiều đàn cò về ở, từ đó trở thành thắng cảnh tự nhiên tuyệt đẹp giữa thành phố.
Đến Hưng Yên chiêm ngưỡng đảo cò tự nhiên giữa lòng thành phố
Trong văn hóa dân gian Việt Nam, con cò gắn bó mật thiết với đời sống người dân. Nhiều câu ca dao đã thể hiện đều này, như:
“Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm, lộn cổ xuống ao
Ông ơi ông vớt tôi nao
Tối có lòng nào ông hãy xáo măng
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con!”
Hay những câu dân ca quen thuộc đối với nhiều người như:
“Cái cò bay lả bay la
Bay từ cửa phủ bay ra cánh đồng.”
Năm 2003, thành phố Hưng Yên cải tạo thành công đầm Lò Nồi trở thành công viên Nam Hòa nhưng giữ lại và tôn cao đảo ở giữa đầm trồng tre xanh để bảo tồn đàn cò tự nhiên. Năm 2005, công viên có hồ nước hơn 12 ha, giữa hồ là đảo cò rộng gần 4.000 mét vuông.
Vì “đất lành chim đậu” nên cò rủ nhau về làm tổ và sinh sản trên đảo ngày càng đông, ước tính có trên dưới một vạn con cò gồm đủ loại: cò trắng, cò mỏ trắng, cò mỏ vàng… Không những thế còn có cả vạc, bồ nông…
Ngày ngày người dân quanh vùng thường tản bộ trên bốn con phố quanh hồ: Lê Lai, Đoàn Thị Điểm, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, ngắm đàn cò bay đi kiếm ăn và bay về tổ.
Vào sáng sớm, âm thanh vỗ cánh, gọi bầy hàng vạn con cò như báo hiệu một ngày mới, lúc ánh bình minh đã len lỏi vào từng ngóc ngách của thành phố. Khi chiều tà, cò trắng bay về đảo rợp trời, thu hút nhiều em học sinh đến ngắm những cánh cò trắng bay liệng trên mặt hồ lung linh.
Cò đã gắn bó với người dân thành phố Hưng Yên như bè bạn. Cứ mỗi khi cò chao cánh trên mặt hồ là mọi người lại cất quần áo để tránh mưa, bởi mỗi lần cò bay như vậy là báo hiệu sắp có mưa.
Việc bảo vệ đảo cò đã thành ý thức tự giác của đông đảo người dân. Không ai bắt cò về nuôi hay nhặt trứng cò. Cò cũng coi người như bạn, nhiều con cò còn ung dung rỉa cánh bên mép hồ không hề sợ sệt trước hàng đoàn người tản bộ trong công viên.
Đảo cò được kè đá, trồng thêm tre, công viên được cải tạo thông thoáng, đặt nhiều phương tiện thể dục, phương tiện vui chơi giải trí. Trong thời gian cải tạo công viên, do mẫn cảm với tiếng động nên đàn cò bay đi. Nhưng cò không bay đi xa, khi không khí trở lại yên bình, đàn cò lại bay trở về.
Theo iVIVU.com