Đền Hóa Dạ Trạch nằm ngay trong vùng đầm lầy Dạ Trạch, nay thuộc huyện Khoái Châu, Hưng Yên. Tương truyền, ngôi đền là nền lâu đài cũ của Chử Đồng Tử và Tiên Dung sau khi bay về trời.
Đền Hóa Dạ Trạch – Ngôi đền thờ Chử Đồng Tử, một trong “Tứ bất tử”
Đền Hóa Dạ Trạch tồn tại lâu đời nằm trên gò đất cao giữa đầm, người dân muốn vào đền phải đi thuyền leo 19 bậc mới đến sân đền. Năm 1883, đền Dạ Trạch bị thực dân Pháp đốt, đến 1890 đền mới được xây dựng lại.
Theo truyền thuyết, Chử Đồng Tử ở với cha ở xã Văn Đức, nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội. Chẳng may nhà cháy mất hết của cải, hai cha con chỉ còn lại một chiếc khố phải thay nhau mặc. Lúc người cha lâm chung, ông gọi con lại bảo rằng hãy giữ chiếc khố cho bản thân.
Tuy nhiên vì thương cha nên Chử Đồng Tử đã liệm khố theo cha, bản thân chịu cảnh trần truồng khổ sở đánh cá kiếm sống. Ban ngày dầm mình dưới nước hoặc đến gần thuyền đánh cá xin ăn.
Thuở ấy vua Hùng thứ 18 là Hùng Duệ Vương có cô con gái tên Tiên Dung đến tuổi cập kê mà vẫn thích ngao du sơn thủy không chịu lấy chồng. Một hôm thuyền rồng của Tiên Dung đến thăm vùng Chử Xá, nghe tiếng chuông trống đàn sáo người hầu tấp nập, Chử Đồng Tử hoảng sợ vội vùi mình vào cát lẩn tránh.
Thuyền ghé vào bờ, Tiên Dung dạo chơi rồi sai người quây màn ở bụi lau để tắm, ngờ đâu đúng ngay chỗ của Chử Đồng Tử, nước suối dần để lộ thân hình chàng dưới cát. Tiên Dung kinh ngạc bèn hỏi sự tình rồi xin được nên duyên vợ chồng.
Trong sách “Lĩnh Nam chích quái” viết, nhà vua Hùng Duệ Vương nghi vợ chồng công chúa Tiên Dung tạo phản bèn cho quân đến bắt thì nửa đêm trời bỗng nhiên sáng rực, lâu đài thành quách của Chử Đồng Tử Tiên Dung bay cả lên trời để lại đầm nước mênh mông. Quan quân sợ quá về tâu, vua đến tận nơi xem, truyền lập đền thờ, nhân dân bốn mùa cúng tế.
Đền Hóa Dạ Trạch được trùng tu cách đây 100 năm, ao đầm xung quanh được lấp kín, chỉ còn lại hồ bán nguyệt nhỏ, bước lên đền hôm nay chỉ phải leo 4 bậc. Đền thẳng hướng chính Đông, xây theo kiểu chữ “Công” có 3 tòa 5 gian, từ xưa là kiến trúc trang hoàng lộng lẫy.
Đối diện với chính điện, qua hết sân đền là lầu chuông, bia. Chuông được đúc năm Thành Thái 1902 với tên gọi “Dạ Trạch từ chung”. Sân đền rộng, ngoài chính điện, lầu chuông còn có một dãy nhà xây giữa sân đền. Thời kháng chiến chống Pháp từng là nơi đóng quân luyện võ của quân ta.
Đền Hóa Dạ Trạch nổi tiếng thâm nghiêm với nhiều cây cổ thụ càng tạo thêm nét trầm mặc cổ kính. Đặc biệt trong khuôn viên đền còn có vườn nhãn nhiều năm tuổi, loài cây đặc trưng ở Hưng Yên.
Kiến trúc gỗ bên trong đã sờn cũ, nhuốm màu thời gian càng tăng vẻ đẹp cổ kính. Những cột gỗ lim to nay vẫn còn chắc chắn. Các bức hoành phi câu đối, sự tích tôn vinh Thánh Chử Đồng Tử vẫn còn hiện diện.
Gian chính điện thờ Chử Đồng Tử, bên trái là vợ thứ nhất công chúa Tiên Dung, bên phải là vợ thứ hai công chúa Tây Sa. Chử Đồng Tử từ bỏ cuộc sống nhung lụa, khai hoang lập ấp, đi tới đâu giúp người tới đó. Không chỉ giúp dân chữa bệnh mà còn dạy dân nghề buôn bán. Do đó Thánh Chử Đồng Tử được tôn xưng là ông tổ nghề buôn.
Để ghi nhớ công ơn, hàng năm người dân tổ chức lễ hội Chử Đồng Tử từ ngày mùng 10 tháng Chạp, đây là một trong 16 lễ hội lớn nhất cả nước, thể hiện rõ nét văn hóa nông nghiệp vùng đồng bằng.
Theo iVIVU.com