Từ Hà Nội, đi theo hướng Phú Thọ, Tuyên Quang, đến Hà Giang. Giá phòng khách sạn Hà Giang khá tốt, dao động từ 100.000 – 180.000 VND cho một phòng sạch sẽ, tiện nghi. Đừng nên bỏ qua cơ hội thưởng thức bánh cuốn đặc sản Hà Giang, không giống như ở vùng xuôi, món bánh cuốn này được đổ chung với trứng và ăn kèm một bát nước lèo nghi ngút khói cảm giác lạ miệng và hấp dẫn.
Đêm Hà Giang không có nhiều lựa chọn giải trí, nhưng ngồi nhâm nhi một tách cà phê giữa tiết trời giá rét của vùng cao biết đâu cũng mang lại cho bạn cảm giác thú vị tận hưởng không khí yên bình của vùng đất này.
Điểm dừng chân đầu tiên là Cổng trời Quản Bạ, nơi đây từng có cửa đóng ra vào bằng gỗ Nghiến được làm từ năm 1939, đây cũng chính là cửa ngõ đầu tiên lên Cao nguyên đá Đồng Văn.
Và bắt đầu từ đây, cảnh đẹp liên tiếp hiện ra nhiều đến mức nhiều khi bạn chỉ kịp ghi nhớ bằng mắt lướt qua.
Đúng với tên gọi, nơi đây đi đến đâu cũng là đá. Bà con dân tộc cho đất vào những hốc đá để có thể trồng ngô, rau… cải thiện sinh hoạt.
Ngay ngã rẽ lên Lũng Cú, là khu phố cổ Đồng Văn, nơi đây có một di tích nổi tiếng không nên bỏ lỡ là nhà của Vua Mèo Vương Chí Sình. Nhà được xây bằng gỗ, tuy đã qua nhiều năm, cơ sở vật chất đã xuống cấp nhiều nhưng vẫn không làm mất đi nét uy quyền của ngôi nhà người giàu nhất Hà Giang xưa.
Rời nhà họ Vương, quay ngược lại khoảng 1km bạn sẽ thấy ngã rẽ lên Lũng Cú, nơi địa đầu Tổ Quốc. Đường đi khá khúc khuỷa, hiểm trở, cua liên tục nhưng cảnh đẹp thì cứ hút hồn nên bạn cần phải tập trung tỉnh táo để có thể đến nơi an toàn.
Để lên đến chân cột cờ, bạn cần leo hơn 389 bậc thang. Trên đường đi sẽ có một hóa thạch bọ Ba Thùy từ thời tiền sử đã được phát hiện tại đây. Bạn sẽ không khỏi thắc mắc là tại sao người ta có thể tìm ra nó trong khi kích thước chỉ cỡ đồng xu 5.000đ.
Cảm giác đầu tiên khi đứng dưới chân cột cờ Lũng Cú là một niềm xúc động xen lẫn tự hào, rằng ta đã đặt chân đến đây, nơi địa đầu, cực Bắc Quốc gia, bao nhiêu mệt mỏi của chặng đường dài bỗng dưng tan biến hết.
Sẽ là rất thiếu sót nếu bỏ lỡ con đèo hiểm trở và đẹp bậc nhất trong Tứ đại đèo Tây Bắc, đèo Mã Pí Lèng, nơi con Đường hạnh phúc chạy qua. Trên đỉnh đèo là bia ghi công, đứng tại đây, nhìn thấy sự hiểm trở của con đèo huyền thoại, ta mới thấy được sự hi sinh lớn lao của đồng bào 16 dân tộc vùng núi phía Bắc xây dựng đường hạnh phúc với mong muốn đưa miền núi biên giới tiến kịp miền xuôi.