Những cấu trúc rễ cây lâu năm “kết” thành những cây cầu treo lơ lửng bắc ngang sông tạo nên kiệt tác thu hút du khách đến tham quan vùng East Khasi Hills thuộc bang Meghalaya, đông bắc Ấn Độ.
Du lịch Ấn Độ ngắm ‘kiệt tác cầu từ rễ cây’
Thông tin và hình ảnh về kiệt tác cầu treo từ rễ cây này được nhiếp ảnh gia Giulio Di Sturco ghi lại, đăng tải ngày 12-3 trên mục Du lịch của National Geographic.
Khi mùa mưa đến, nước mưa tràn về vùng thung lũng và các hẻm núi bồng bềnh mây trôi Meghalaya. Vùng cao nguyên bang này nằm giữa bang Assam (Ấn Độ) và Bangladesh là một trong những nơi ẩm ướt nhất Trái đất. Tộc người Khasi từ lâu đã sống hài hòa với vùng rừng nơi đây.
Người Khasi đã phát triển óc sáng tạo nghĩ ra cách khéo léo để vượt qua các nhánh sông, kết nối các ngôi làng bị cô lập bằng những cây cầu kết bằng rễ cây tự nhiên, họ gọi đây là “những cây cầu sống” mà theo tiếng địa phương gọi là jing kieng jri.
Theo người dân địa phương, cây đa búp đỏ hay còn gọi đa cao su (tên khoa học Ficus elastica) được trồng hai bên bờ. Khi cây phát triển trưởng thành trong khoảng 15-30 năm tạo ra bộ rễ trụ thòng xuống vững chắc.
Trong thời gian này, người Khasi luồn các sợi rễ cây qua giàn tre được lắp đặt tạm thời để cố định rễ. Trải qua thời gian, bộ rễ ngày càng phát triển và kết dính chặt với nhau, hình thành nên ‘những cây cầu sống’ độc đáo có chiều dài từ 4,5 – 75m và có thể chịu được tải trọng của 35 người mỗi lần đi qua.
Cấu trúc ‘vật liệu rễ cây’ không phải tốn nhiều chi phí xây dựng như vật liệu bê tông cốt thép. Chúng bền vững theo thời gian và có thể tồn tại hàng thế kỷ. Chúng đứng vững trước các trận bão và lũ quét thường xảy ra vào mùa mưa trong khu vực, giúp kết nối các làng hẻo lánh nằm rải rác trong địa hình hiểm trở của vùng Meghalaya.
Nguồn gốc ban đầu con người biết tận dụng rễ cây để làm cầu treo không rõ cụ thể có từ lúc nào, tuy nhiên các bản ghi chép đầu tiên đã xuất hiện cách đây hơn 100 năm.
Tại Meghalaya, người Khasi luôn quan tâm bảo vệ môi trường thiên nhiên. Điển hình ở làng Mawlynnong, người dân quét sạch rác tại khắp các đường làng, các chất rác thải được thu gom bỏ vào các thùng tre được đặt khắp các làng, sau đó được tái chế thành phân bón và sử dụng cho nông nghiệp.
Làng Mawlynnong tại Meghalaya được người dân tôn kính, gọi là ‘rừng thiêng của Chúa’, là ngôi làng sạch nhất tại Ấn Độ – ‘tên thương hiệu’ thu hút đông đảo du khách du lịch Ấn Độ đến tham quan tạo nguồn thu cho địa phương.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã ca ngợi ‘mô hình sạch đẹp làng Mawlynnong’ và tuyên truyền các nơi khác ở đất nước học tập kinh nghiệm mô hình này.
Một số hình ảnh khác của nhiếp ảnh gia Giulio Di Sturco cho thấy cuộc sống bình dị của người dân tại làng Mawlynnong ở Meghalaya:
Theo Huỳnh Phương/Tuổi trẻ