Nếu như lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội được ví như “trái tim của thủ đô” thì ở cao nguyên đất đỏ bazan, ta bắt gặp tượng Bác Hồ kính yêu ở quảng trường Đại Đoàn Kết, nơi được mệnh danh là “trái tim của thành phố Pleiku nói riêng và Tây Nguyên nói chung”.
Dạo quanh quảng trường Đại Đoàn Kết – linh hồn của phố núi Pleiku
Quảng trường Đại Đoàn Kết hay còn gọi quảng trường Lớn tọa lạc giữa trung tâm thành phố Pleiku thuộc tỉnh Gia Lai. Với khuôn viên rộng lớn 12 héc ta, quảng trường được mệnh danh là linh hồn của phố núi Peiku nói riêng và tỉnh Gia Lai nói chung.
Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng vững trên bệ, đưa tay vẫy chào đồng bào khắp cả nước, cao khoảng 10.8m, đứng trên bệ bê tông ốp đá xanh cao 4.5m, trọng lượng khoảng 16 tấn. Tượng được làm bằng đồng nguyên chất, đây cũng là tượng đúc Hồ Chí Minh lớn nhất Việt Nam, được thực hiện trong 2 năm bởi nhà điêu khắc Nguyễn Bá Đua tại sân bay Gia Lâm (Hà Nội) theo công nghệ gò ép hiện đại.
Phía sau tượng Bác là dãy phù điêu hình hoa sen được nghệ nhân điêu khắc cách điệu bằng đá uốn cong tượng trưng cho vùng đất đỏ Tây Nguyên hoang dã. Bên cạnh đó là những nét chạm khắc điêu luyện về cuộc sống sinh hoạt, sản xuất và chiến đấu của đồng bào nơi đây, mang đến một tác phẩm nghệ thuật vô cùng giá trị cho du khách tham quan khi đặt chân đến đây.
Giữa khuôn viên của quảng trường là khối đá bazan hình trụ tạo thành tháp đá 3 lớp cao dần lên, đầy sức sống của 54 dân tộc anh em. Bên trái và phải của bức phù điêu là 2 dàn cồng chiêng Tây Nguyên khá ấn tượng với chiêng bằng và chiêng núm.
Trước khu tượng đài là những bãi cỏ được xén ô vuông xen kẽ với đá granit tạo thành con đường tản bộ cho mọi người thong dong, cùng cột cờ cao 25 mét với lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới.
Trong những dịp lễ, đặc biệt là khi xuân về, quảng trường lớn này lại rộn rã tiếng cồng chiêng mừng xuân. Những giai điệu biến tấu độc đáo ấy sẽ đi sâu vào trong tâm hồn mỗi người con khi ghé thăm, khiến ai ai cũng nhớ về Bác, con người và vùng đất Tây Nguyên này.