Vùng vịnh Bái Tử Long có vẻ đẹp tráng lệ, kỳ vĩ nhưng vẫn giữ được nét hoang sơ trầm lặng vì bức tranh hữu tình của đá nước và mây trời. Nơi đây có một đặc sản xuất khẩu nổi tiếng, đó là hàu sữa Thái Bình Dương.
Đặc sản hàu sữa Thái Bình Dương ở Vân Đồn
Vùng biển của huyện Vân Đồn có diện tích khoảng 1.600 kilomet vuông với hơn 600 hòn đảo lớn nhỏ, ở đây có lợi thế rất lớn về nuôi trồng thủy hải sản nói chung, đặc biệt là con hàu sữa.
15 năm trước, giống hàu sữa Thái Bình Dương nổi tiếng được đưa về để nghiên cứu, nuôi trồng và phát triển thành công giống hàu sữa bản địa trên chính vùng vịnh Bái Tử Long. Từ đó mô hình nuôi hàu được người dân huyện đảo nhân rộng, đưa con hàu thành đặc sản.
Giống hàu sữa bản địa không chỉ có hàm lượng dinh dưỡng cao, ngon hơn hẳn mà còn cho năng suất vượt trội. Chính vì thế sản lượng hàng năm của khu nuôi Cống Tây và khu nuôi Bản Sen đạt từ 2.500 đến 3000 tấn hàu.
Để đạt được chất lượng và năng suất này là do nuôi trồng khép kín tự nhiên theo chuỗi liên tiếp dọc xuyên suốt. Vùng biển Vân Đồn lại khá lặng sóng, nhiều ghềnh đá, độ mặn đậm, môi trường sống lý tưởng, đã tạo ra hương vị hàu đặc trưng khi so sánh với những nơi nuôi hàu khác.
Với lợi thế đó, từ năm 2012, diện tích mặt nước nuôi hàu sữa tại vùng biển Vân Đồn dần mở rộng. Đến nay, huyện Vân Đồn được đánh giá là địa bàn lớn nhất cả nước về sản lượng và quy mô. Hàu sữa nuôi tại Vân Đồn được đánh giá có chứa nhiều đạm, kẽm và các vi chất có lợi, tốt cho sức khỏe.
Để có sản phẩm hàu tươi ngon, mang đậm hương vị hàu sữa Thái Bình Dương Vân Đồn, không chỉ phụ thuộc vào giống hàu, môi trường và quy trình nuôi, mà cả khâu khai thác, sơ chế và chế biến phải đảm bảo nghiêm ngặt các tiêu chí cho đến khi bảo quản, vận chuyển đến người tiêu dùng. Đặc biệt các sản phẩm đóng gói xuất khẩu được theo dõi cực kỳ nghiêm ngặt.
Đối với hàu nguyên con hoặc tách ruột bán tươi, hàu sau khi thu hoạch sẽ nhanh chóng được làm sạch rong rêu, sục rửa qua bể ozone, để khi đóng gói có thể bảo quản 10 ngày vẫn đảm bảo chất lượng.
Với sản phẩm ruốc hàu, dây chuyền sản xuất từ khâu tách vỏ, làm sạch để tránh mảnh vỏ vỡ, sục rửa qua nước muối loãng để hết nhớt, sau đó là xào chín, xé sợi, phối trộn với tôm và thịt theo tỷ lệ sau đó đóng vào lọ thanh trùng.
Để đảm bảo chất lượng, các doanh nghiệp nuôi hàu còn tái sử dụng chính các vỏ hàu. Từng chùm vỏ hàu được kết bằng dây cước, thả xuống biển tại các bè nuôi, trở thành nơi sinh sống cho các lứa hàu nuôi tiếp theo.
Nhờ vậy, doanh nghiệp không chỉ giải quyết được vấn đề rác thải sản xuất, mà còn giải quyết được chất lượng con hàu luôn đạt trạng thái đạt chuẩn tốt nhất, đi cùng với số lượng thu hoạch luôn ở mức cao.
Hàu có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau, trong đó có những món quen thuộc nhưng cũng có những món mới như hàu nấu canh với quả bứa chua, trứng tráng hàu…
Ngoài cách chế biến truyền thống, hàu sữa Thái Bình Dương còn được sơ chế thành nhiều sản phẩm đóng gói, như: ruốc hàu, hàu nướng, mắm hàu, chả hàu, nem hàu, hàu xông khói, hàu tẩm bột…