Khác với vẻ đẹp rực rỡ của mùa thu, bức tranh Cửu Trại Câu mùa đông là tông màu trắng xám tuy ảm đạm nhưng huyền bí và đầy mê hoặc.
Cửu Trại Câu mùa đông huyền bí và đầy mê hoặc
Tứ Xuyên là một tỉnh nằm ở phía tây nam Trung Quốc, tỉnh lị là Thành Đô, và là một trung tâm kinh tế quan trọng của miền tây nước này. Nơi đây là một điểm đến thu hút sự quan tâm lớn của du khách bởi giá trị lịch sử lâu đời, cảnh quan đẹp, sản vật phong phú. Đặc biệt, nhắc đến Tứ Xuyên, không ai không biết “thiên đường nơi hạ giới” Cửa Trại Câu.
Ngõ lớn, ngõ nhỏ, ngõ đẹp là một trong những cảnh đẹp nổi tiếng của Tứ Xuyên. Những con ngõ chung sân này xuất hiện từ thời nhà Thanh, là nơi sinh sống của các quan lại, dân thường và binh lính. Cuộc sống về đêm của Tứ Xuyên khá nhộn nhịp với các nhà hàng cổ, quán rượu, quán trà, cửa hàng bán đồ thêu, đồ lưu niệm… Đặc biệt, tại Emeishan Organic, du khách sẽ được thưởng thức kinh kịch truyền thống Trung Hoa. Nhà hàng Bian là nơi rất thích hợp để ăn tối. Nổi tiếng với món gà hấp, salad tảo xanh trộn và món thịt heo luộc với dầu ớt.
Hành trình lên núi
Thung lũng Cửu Trại Câu, nằm ở rìa cao nguyên Tây Tạng thuộc phía bắc Tứ Xuyên, có độ cao từ 1.990 m đến 4.760 m so với mực nước biển, cách Thành Đô khoảng 450 km và mất khoảng 8 giờ đi xe ôtô. Bạn có thể chọn đường bay với thời gian khoảng gần một tiếng.
Trên đường đi, du khách sẽ bắt gặp đài tưởng niệm trận động đất Tứ Xuyên đặt tại trường trung học Xuankou thuộc thị trấn YingXiu, huyện Vấn Xuyên. Tại đây, du khách sẽ thấy bức tượng Wenchuan Dayu – hình ảnh của Yu, cháu nội của hoàng đế Tần Thủy Hoàng, ông là người khai phá huyện Vấn Xuyên, nơi cư trú của dân tộc Qiang.
Buổi trưa, du khách có thể dùng bữa tại nhà hàng Qangjia Jiudawan với các món ăn của người Thổ Gia Các. Món đặc sản của nhà hàng này bao gồm món gạo nếp với thịt heo, heo ninh nhừ, súp củ cải vịt và bí ngô nghiền trộn rau.
Buổi tối, hãy nghỉ chân tại một ngôi nhà của người Tây Tạng để hiểu thêm về lối sống của bộ lạc này. Mọi người ngồi quây quần trên những băng ghế dài, cùng uống rượu lúa mạch, trà bơ bò Tây Tạng, ăn khoai tây hấp và thưởng thức những bài hát, điệu múa truyền thống.
Thiên đường nơi hạ giới
Cửu Trại Câu trong tiếng của người Tây Tạng nghĩa là “Thung lũng chín làng”, ám chỉ chín ngôi làng nằm quanh một khu vực rộng 72.000 ha. Nét nổi bật của danh thắng này chính là vẻ đẹp tráng lệ của khung cảnh thiên nhiên rực rỡ vào mùa thu. Nhưng nếu đến đây vào mùa đông, với những mảng tuyết trắng bao phủ, bạn cũng sẽ thấy những điều thật kỳ diệu.
Có hơn 100 điểm tham quan trong thung lũng, tuy nhiên Hồ Gương là nơi bạn nên đến đầu tiên. Đúng như tên gọi của nó, mặt hồ trong vắt như một tấm gương hoàn hảo phản chiếu cảnh hồ. Đây cũng là địa điểm quay của bộ phim Anh hùng nổi tiếng của đạo diễn Trương Nghệ Mưu.
Một trong những điểm hút khách khác là Hồ Ngũ Hoa, nằm trên độ cao 2.472 m và chỉ sâu chừng 5 m. Hồ sở hữu làn nước xanh trong soi bóng cảnh núi non huyền diệu. Đây là hồ duy nhất không đóng băng vào mùa đông.
Dòng nước đổ xuống từ độ cao 40 m với bề rộng 160 m tạo nên một khung cảnh hùng vĩ và ấn tượng cho Thác Trân Châu.
Trường Hải là hồ dài nhất với 8 km, sâu nhất với độ sâu trung bình 44 m và cao nhất 3.060 m so với mực nước biển trong số các hồ của khu thắng cảnh này.
Một trong những địa điểm rất được du khách yêu mến là Hồ Ngũ Sắc. Đây là hồ nhỏ nhất nhưng quyến rũ nhất bởi màu sắc huyền ảo của thiên nhiên.
Trước khi rời khỏi khu vực này, bạn nhớ ghé thăm ngôi làng Suzheng để tham quan Tháp Sen và tìm hiểu về đời sống của 65 hộ gia đình người Tây Tạng.
Rời Cửu Trại Câu, thung lũng Mâu Ni Câu nằm cách đó 175 km cũng là một thắng cảnh thu hút rất nhiều khách tham quan. Đa số du khách đến đây để chiêm ngưỡng Trát Cát – thác nước đá vôi đầu tiên được tìm thấy trên thế giới. Với 23 khối nước đổ xuống mỗi giây từ độ cao 104m, dòng nước dường như được bắt nguồn từ tận trời xanh.
Trái ngược với vẻ yên bình của thung lũng Cửu Trại Câu là cuộc sống về đêm ở thị trấn cùng tên. Buổi biểu diễn kéo dài một tiếng ở công viên Lãng mạn Cửu Trại thu hút rất nhiều người theo dõi. Các màn trình diễn bao gồm một câu chuyện tình yêu, các màn nhào lộn, các bài hát và điệu múa của dân tộc Tây Tạng và dân tộc Qiang. Buổi biểu diễn kết thúc với câu chuyện về trận động đất Tứ Xuyên.
Địa điểm tham quan tiếp theo cũng rất nổi tiếng của Tứ Xuyên là Hệ thống thủy điện Đô Giang Yển. Nằm cách Thành Đô 75 km, nơi đây có lịch sử 2.300 năm tuổi và là một Di sản Thế giới khác của Trung Quốc. Thế kỷ thứ ba trước công nguyên, hệ thống đê được xây dựng bao quanh con sông Min để ngăn lũ. Sau đó, tận dụng lợi thế địa hình và thủy văn mà nơi này được xây dựng lại thành hệ thống thủy điện như ngày nay. Sau khi trở thành một công viên công cộng vào năm 1929, Đô Giang Yển thu hút rất nhiều du khách mỗi năm.
Gần hồ thủy điện là thung lũng Gấu Trúc – nhà của 12 chú gấu trúc. Thung Lũng rộng 134 ha này cũng là Trung tâm Nghiên cứu Gấu Trúc Thành Đô và Trung tâm Nghiên cứu Nông Nhiệp Đô Giang Yển.
Sau khi mỏi chân, du khách có thể đến nhà hàng Tianfu Zhanggui để dùng bữa. Các món đặc sản của Thành Đô như bánh nấm, bánh gấu trúc, bánh gạo được trình bày rất đẹp mắt.
Cuối cùng, bạn đừng quên mua sắm khi đã đến Tứ Xuyên. Khu phức hợp mua sắm Sino-Ocean Taikoo Li hay trung tâm thời trang trên đường Chunxi Road Pedestrian của Thành Đô là nơi lý tưởng cho người mê shopping. Sau bữa tối, du khách có thể khám phá khu phố cổ Jinli, nơi buôn bán rất nhiều đồ thủ công, đồ ăn, quần áo và cả các hoạt động giải trí.
Theo Vĩnh Hy/Ngôi Sao