Stromboli đã hoạt động suốt 2.500 năm, liên tục phát ra tiếng nổ như sấm, bên dưới là những ngôi làng sơn trắng đặc trưng vùng Địa Trung Hải.
Cuộc sống dưới chân núi lửa Stromboli đang hoạt động
Có biệt danh là ngọn hải đăng của vùng Địa Trung Hải vì tỏa ánh sáng khi phun trào ở độ cao gần 1.000 m, Stromboli là một trong bảy ngọn núi lửa tạo nên quần đảo Aeolian ngoài khơi bờ biển bắc Sicily, Italy. Đây là một trong những núi lửa hoạt động mạnh nhất thế giới, các vòi phun dung nham gần như không ngừng nghỉ gần 2.500 năm nay.
Vài trăm cư dân trên đảo sống ở hai ngôi làng nằm sát biển là Stromboli và Ginostra. Phần màu đen là lớp đá hình thành từ dung nham núi lửa. Stromboli và các đảo lân cận đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 2000.
Tháng 7 năm ngoái, ngay trước khi các tour leo núi dài 4 tiếng bắt đầu, một vụ phun trào bất thường đã diễn ra. Ngọn núi lửa hoạt động tạo nên cột khí gas cao gần 5 km, đổ đất đá và tro bụi xuống sườn núi phía tây nam hòn đảo. Vụ phun trào đã khiến một người leo núi thiệt mạng, trong khi các thuyền cứu hộ sơ tán người dân và du khách mắc kẹt. Vài tuần sau, một vụ nổ lớn khác trên núi đã gây ra lở đá và một cơn sóng thần nhỏ. Cơ quan bảo vệ dân sự Italy đã cấm các hoạt động leo núi ở độ cao trên 300 m vì lý do an toàn.
Vào mùa hè, có nhiều khách du lịch tới đảo để tìm kiếm những bãi biển cát đen lấp lánh. Đây cũng là lúc có hàng trăm du khách trek lên đỉnh mỗi ngày để ngắm núi lửa hoạt động.
Nhóm du khách đi thuyền ngắm cảnh và bơi lội quanh đảo. “Các tour du lịch núi lửa trên đảo đã giảm đáng kể từ vụ phun trào gần đây nhất. Nếu du khách tiếp tục đến, chúng tôi cần có hướng đi mới”, Beatrice Fassi, người điều hành một công ty du lịch địa phương cho biết.
Du khách đạp xe khám phá núi lửa. Phía xa là miệng núi lửa đang hoạt động tỏa khói trắng lên bầu trời xanh. Con đường dẫn lên núi lửa thay đổi liên tục theo độ cao. Gần chân núi, con đường được lát bằng đá núi lửa từ năm 1951.
Cứ 15 phút, ngọn núi lại phát ra tiếng gầm như sấm sét và phun ra những tia sáng màu đỏ của magma.”Chúng tôi đang sống trên một quả bom”, hướng dẫn viên, đồng thời là nhà sử học núi lửa Mario Zaia nói. “Tôi cảm thấy vô cùng sợ hãi trước sức mạnh bền bỉ đã đẩy ngọn núi lửa này trồi lên từ đáy biển Tyrrhenia rồi liên tục phun trào hàng nghìn năm”. Zaia đã sống tại đảo hơn 30 năm. Với ông, núi lửa là nơi tiết lộ những bí ẩn về thế giới sâu trong lòng trái đất. Trong điều kiện an toàn, Zaia có thể dẫn dắt các nhóm lên xuống đỉnh hai lần một ngày. Theo ông, mỗi chuyến đi là một lần truyền tải đến du khách vẻ đẹp lộng lẫy nhưng đầy hiểm nguy của ngọn núi.
Mặc dù đỉnh núi đang đóng cửa, những người đi bộ vẫn có thể thực hiện các chuyến tham quan có hướng dẫn quanh nửa dưới núi lửa. Các tour tham quan thường bắt đầu vào rạng sáng để du khách ngắm bình minh từ những điểm cao. “Một mình trong thế giới xa lạ này, tôi cảm thấy bình tĩnh đến ngạc nhiên”, Giannella M. Garrett, tác giả bài viết kể lại.
Ngư dân của Stromboli đánh lưới lúc đêm khuya trên những chiếc thuyền gỗ nhỏ rồi trở về khi bình minh để bán hải sản. Cá cơm, tỏi, cà chua anh đào và ớt cay là những nguyên liệu cho món đặc trưng của đảo – mì spaghetti alla Stromboliana. Vào thế kỷ 18, cư dân của Stromboli đã canh tác các sườn dốc của núi lửa, nhưng vào năm 1880, một đợt bùng phát ký sinh trùng đã tấn công các vườn nho và phá hủy nền nông nghiệp địa phương. Một số cư dân quay ra biển để kiếm sống, những người khác di cư đến Australia.
Cá cơm ướp là một trong những món ăn đặc trưng trên đảo. Nguyên liệu của món ăn là cá cơm, lá bạc hà, saffron ăn kèm lá bạc hà và quả oliu.
Thực khách thưởng thức hải sản cùng rượu vang trắng tại một nhà hàng trên đảo, với tầm nhìn hướng ra biển Tyrrhenia, thuộc Địa Trung Hải.
Cây chanh vàng phát triển mạnh trên đất núi lửa giàu dinh dưỡng của Stromboli. Ngày nay, chính quyền địa phương đang thực hiện cam kết để xây dựng cuộc sống bền vững trên đảo cho các thế hệ tương lai. Vincenzo Cusolito, một cư dân trên đảo bắt đầu trồng những vườn nho giống Malvasia bốn năm trước. Gia đình Cusolito còn dành thời gian cho hợp tác xã Attiva Stromboli, một tổ chức phi lợi nhuận đang hồi sinh cây ô liu bị bỏ rơi bởi những người dân đảo trước đây.
Vị trí đảo Stromboli. Bản đồ: Google Maps.
Theo Kiều Dương/ Vnexpress