Du khách đến xứ sở Phù tang từ tháng 11 đến tháng 3 không nên bỏ qua món cua tuyết, bởi đây là thời điểm cua nhiều và ngon nhất.
Cua tuyết – đặc sản phải thử trong mùa đông
Cua tuyết Zuwaigani là đặc sản trong mùa đông. Dù đắt đỏ và được coi là “cao lương mỹ vị”, cua tuyết vẫn phổ biến ở khắp nước Nhật. Ảnh: Explore Parts Un Known.
Zuwaigani trong tiếng Nhật nghĩa là loài cua có chân dài và mảnh, mô tả hình dáng cua tuyết. Loài cua này sống chủ yếu ở vùng biển phía tây Nhật Bản, ở những nơi nước sâu và lạnh. Do đó người dân phải phát triển kỹ thuật thả lưới bắt cua ở độ sâu tới 200 m. Ảnh: Jnto.
Mùa đánh bắt cua tuyết kéo dài khoảng 4 tháng mỗi năm. Chính phủ Nhật quy định ngư dân bắt cua đực từ 6/11 đến 20/3, còn cua cái chỉ từ 6/11 đến 10/1, để tránh khai thác quá mức dẫn tới cạn kiệt. Những con cua tuyết đực lớn thường được đấu giá và đóng hàng bán đi trên cả nước, cua cái nhỏ hơn sẽ tiêu thụ ở chợ địa phương. Ảnh: Guide Michelin.
Cua có vỏ càng nhiều đốm đen nghĩa là càng sống lâu và thịt nhiều. Thịt của chúng cũng chắc và ngon hơn những con cua vỏ trơn nhẵn. Ảnh: Youtube.
Đầu bếp làm sashimi cua tuyết bằng cách lột bỏ lớp vỏ chân rồi ngâm phần thịt vào nước đá 10 phút. Thịt cua xòe ra trông như chùm lá thông. Khi ăn thực khách có thể chấm với tương và thưởng thức vị ngon ngọt nguyên bản của thịt cua. Ảnh: Guide Michelin.
Ngoài sashimi, người Nhật còn thưởng thức cua tuyết sushi, luộc, hấp, nướng trên than đá hoặc ăn lẩu. Thịt cua tuyết dai, chắc, chứa nhiều canxi và những khoáng chất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là trẻ em. Ảnh: Travelhyogo.
Du khách có thể tìm thấy các nhà hàng sashimi và đặc sản về cua tuyết ở khắp nơi tại Nhật. Trong đó, Kani Doraku là một chuỗi nhà hàng nổi bật với mặt tiền mỗi quán trang trí bằng hình con cua tuyết khổng lồ. Ảnh: Hương Chi.
Cua tuyết tươi có giá cao và thường bán tới hơn 90 USD mỗi con. Những con ngon, nặng có giá lên tới 230 USD. Hiện tại cua tuyết mỗi vùng đánh bắt lại có một tên khác nhau. Khi đem về cảng, chúng được bán tới các công ty thu mua và đánh dấu bằng cách buộc dây dán nhãn hiệu riêng. Cách này giúp phân biệt với cua nhập khẩu. Ảnh: Wow.