Đến Buôn Mê Thuột (Buôn Ma Thuột) là đến với văn hóa và bản sắc của các dân tộc Êđê, không khó để bắt gặp những ngôi nhà dài được làm bằng những vật liệu thô sơ như gỗ, tre, nứa, tranh…
Trải qua nhiều giờ liền ngồi trên chuyến xe thẳng tiến về Buôn Mê Thuột với những đoạn đường khá xấu và dằn xóc, nhưng trong lòng ai cũng nôn nao được đến với cao nguyên đất đỏ bazan, với con suối, con voi và những ngọn thác hùng vĩ.
Tên gọi Buôn Mê Thuột có nghĩa là “làng của mẹ thằng Thuột”, Buôn Ma Thuột hay còn gọi là Ama Thuột nghĩa là “làng của cha thằng Thuột” theo cách gọi của từng người.
Đến Buôn Mê Thuột là đến với văn hóa và bản sắc của các dân tộc Êđê, không khó để bắt gặp những ngôi nhà dài được làm bằng những vật liệu thô sơ như gỗ, tre, nứa, tranh. Ngày nay cũng có thể thấy những ngôi nhà dài làm bằng bê tông hiện đại.
Mỗi căn nhà dài luôn luôn có hai cầu thang là thang đực và thang cái. Thang cái to và đẹp hơn thang đực, có 5 – 7 bậc là con số may mắn của người Êđê. Người Êđê theo chế độ mẫu hệ, thang cái chỉ dành cho những người phụ nữ trong gia đình hoặc khách đến nhà, khi leo lên bậc cầu thang, họ phải sờ vào hai bầu ngực tạc trên đó để tỏ lòng kính trọng với người phụ nữ. Nếu lỡ như người đàn ông bị bắt gặp đi nhầm vào thang cái, họ sẽ bị phạt tiền, hoặc heo, gà… tùy lỗi nặng hay nhẹ.
Đón chào chúng tôi là hai cụ già người Êđê trình diễn nhiều loại nhạc cụ dân tộc khác nhau, lúc là tiếng sáo bầu mông lung, lúc là âm thanh réo rắt của đàn Chapi huyền thoại, hoặc là tiếng gọi hoang dã của tù và.
Trời sẩm tối, buổi tối Tây Nguyên không khí ôn hòa, dễ chịu, còn gì hơn là được thưởng thức cơm lam rượu cần. Cơm lam được làm từ gạo nếp bỏ vào ống tre nướng trên lửa. Khi cơm chín, mùi cơm mới quyện cùng mùi thơm ống lam nghe ngào ngạt, nhẹ nhàng chẻ bỏ lớp cháy bên ngoài là những hạt cơm mềm dẻo thơm nức mũi, ăn cùng với thịt rừng và một chút muối vừng, nhấp một ngụm rượu cần ngọt lịm. Đây mới đúng là thưởng thức hương vị núi rừng Tây Nguyên.
Buổi sớm mai thức dậy trong cái se se lạnh cao nguyên, từng giọt mưa bé đọng lại trên cửa kính xe, bên ngoài là những cánh đồng vàng ươm trải dài theo con đường nhỏ dẫn vào hồ Lak.
Hồ Lak hiện nay không còn vẻ đẹp hoang sơ tĩnh lặng vì những chuyến du lịch từ khách thập phương, cùng với trận mưa buổi sáng khiến lòng hồ ngả vàng và những trận gió lớn khiến du khách e dè khi quyết định ngồi thuyền độc mộc hay cưỡi voi băng qua hồ.
Đến Buôn Mê Thuột nếu không đến quán cà phê Chuông Đá thì là một thiếu sót. Đến đây không phải để uống cà phê mà cốc cà phê chỉ là để ngấm dần vào cuống họng cho câu chuyện của anh chủ quán thêm thi vị. Anh chủ quán Hoàng Thành người gốc Huế, nhưng đã sinh sống đã lâu ở Đăk Lăk vì niềm say mê văn hóa Tây Nguyên. Cách nói chuyện nhỏ nhẹ của người xứ Huế như rót mật vào tai ,dẫn dắt qua từng câu chuyện về văn hóa.
Và đây mới là điểm nhấn của quán, một tảng đá rất to, tròn trịa, nhưng khi gõ vào lại nghe tiếng chuông ngân thật diệu kỳ. Chia tay anh chủ quán Chuông Đá và những câu chuyện về Tây Nguyên chưa bao giờ dứt với cảm giác quyến luyến, đến với một trong những ngọn thác hùng vỹ nhất Tây Nguyên – DrayNur.
Thiên nhiên ưu đãi cho Buôn Đôn dòng sông Sêrêpok, lúc hiền hòa, cũng có lúc vô cùng giận dữ, ẩn chứa trong lòng một chuyện tình huyền sử Krông Ana và Krông Knô – sông vợ, sông chồng len lỏi rừng xanh tìm nhau bằng được.
Chuyện kể rằng, ngày xưa có một đôi trai gái của hai bản khác nhau yêu nhau tha thiết nhưng do hai bản có xung đột với nhau nên tìm đủ mọi cách ngăn cấm. Không nhận được sự cảm thông của dân làng, không thể hòa giải xung đột giữa hai bản, vào một đêm trăng, cả hai đã nhảy xuống sông để trọn đời bên nhau. Tức giận vì sự ích kỷ của dân làng dẫn đến quyết định sai lầm của đôi trẻ, trời nổi cơn giông bão, nước cuồn cuộn dâng cao, chia sông thành hai nhánh, ngăn cách đường đi của hai dòng tộc.
Truyền thuyết khác lại bắt nguồn từ hang động phía sau thác, nơi được cho là nơi ở của vua thủy tề. Ngày xưa vua Thủy Tề có một đứa con trai tên là Nur, chàng hoàng tử rất khôi ngô tuấn tú và rất thích chu du ngắm cảnh. Một ngày nọ, chàng gặp hai nàng công chúa, con của vị vua vùng đất mình ngang qua. Hai nàng rất xinh đẹp nhưng do vua cha mất sớm nên cuộc sống trở nên nghèo khó, phải đào củ mài mà ăn.
Thương hai nàng vất vả, chàng theo nàng về nhà, làm phép để thạp gạo trong nhà đầy tràn, và sống hạnh phúc cùng hai nàng. Một thời gian sau, chàng nhớ vua cha, muốn về thủy cung thăm người. Nhưng công chúa, vợ chàng lo sợ nếu chồng đi thì sẽ rất lâu, thậm chí không trở về nên tìm đủ mọi cách giữ chàng, một bước không rời. Không còn cách nào khác, chàng đành hóa thân thành con dũi vàng, vượt màn nước vào động thăm cha. Người vợ cứ đứng đợi bên ngoài, đợi mãi, đợi mãi vẫn không thấy Nur trở lại.
Từ đó, người dân nơi đây gọi ngọn thác này là Dray Nur, nghĩa là thác con dũi vàng. Hai truyền thuyết khác nhau nhưng những dòng nước lao từ những vách đá thẳng đứng, vỡ ra từng giọt, tung tóe vào nhau, xô đẩy nhau của thác lại giống nhau ở một điểm, đó là tựa như những giọt nước mắt khóc kẻ ở người đi. Chiếc cầu treo được rất nhiều đôi tình nhân chụp ảnh, như chứng giám một tình yêu mãi không bao giờ xa cách.