Du khách từ khắp nơi trên thế giới đang đổ xô về Myanmar.
Theo dự báo của ngành du lịch nước này, số khách du lịch trong năm 2013 sẽ tăng trưởng 150% với khoảng 1,5 triệu người nước ngoài. Trong khi đó cơ sở hạ tầng du lịch đang thiếu thốn trầm trọng.
Vừa trở về từ chuyến đi gần 10 ngày lang thang qua các điểm du lịch nổi tiếng ở Myanmar, anh Quốc Anh (44 tuổi, Hà Nội) vẫn còn nhớ như in buổi chiều nắng khét lẹt mà cả nhóm bạn gia đình loanh quanh giữa Nyaung Shwe để tìm cho ra một phòng khách sạn. Cuối cùng, sau hơn ba tiếng đi hết các điểm cung cấp dịch vụ cư trú, anh buộc lòng chọn căn phòng trên resort giữa hồ Inle khi trời đã tối đen như mực.
Một năm giá tăng hai lần
“Sau cú “chém đẹp” khi đi taxi từ sân bay Heho về Nyaung Shwe, đến tận tối thì tôi và anh bạn mới kiếm được hai phòng cuối cùng để nghỉ tận hồ Inle, vì trong thị trấn đã hết sạch phòng. Khách sạn rất khó kiếm, giá lại đắt” – anh Quốc Anh nói thêm – “Nếu ai sử dụng sách hướng dẫn du lịch của Lonely Planet (nhà xuất bản tư nhân chuyên về du lịch lớn nhất thế giới) ấn bản Myanmar mới nhất cuối năm 2011 sẽ thấy, giá cả cho các dịch vụ du lịch phần lớn đã tăng gấp hai lần”.
Có mặt trên dải đất nằm bên rìa còn lại của châu Á vào những ngày tháng này mới cảm nhận rõ được cái nóng hầm hập của cả thời tiết lẫn dòng người đang đổ xô về Myanmar. Mu Kyi, cô chủ đại lý du lịch A Tun giữa thị trấn Nyaung Shwe (phía đông Myanmar), tâm điểm của những khách du lịch tìm chỗ trú chân cho chuyến đi bằng thuyền trên hồ Inle nổi tiếng, nói với người viết bằng điệu bộ vô cùng ngạc nhiên: “Bây giờ đã là cuối mùa cao điểm rồi, thời tiết bắt đầu nóng lên. Thế mà không hiểu sao khách du lịch vẫn kéo đến ngày một đông. Những lái thuyền hồ Inle của tôi chạy hết công suất cả ngày. Chỉ chưa đầy một năm mà mọi thứ đã khác đi rất nhiều”.
Đại diện một công ty du lịch lớn ở Việt Nam cho hay: “Khách đi tour Myanmar tăng khoảng 38% so với năm 2011, khách đoàn đến đây để hành hương và xúc tiến thương mại có xu hướng phát triển khá tốt”.
Tăng trưởng 67%
Thống kê của Bộ Du lịch và khách sạn Myanmar cho thấy, thu nhập của ngành du lịch năm vừa qua tăng trưởng kỷ lục tới 67%, đạt 534 triệu USD, so với 319 triệu USD thu về hồi năm 2011.
Mỗi ngày có khoảng 1.500 khách du lịch đến khu vực thị trấn Nyaung Shwe và hồ Inle. Trong khi đó, số phòng có sẵn tại 45 khách sạn và nhà nghỉ là 1.200. Ở một điểm nóng du lịch khác là Bagan, ghi nhận có khoảng 600 – 1.000 khách du lịch đổ xô đến mỗi ngày. 80 khách sạn với 2.500 phòng tại khu vực được đánh giá là vẫn đủ khả năng giúp ngành dịch vụ lưu trú “cầm cự” được. Han Soe, hướng dẫn viên du lịch người Myanmar cho người viết hay, không ít khách du lịch “bụi” (không đi theo tour) đã phải chọn chỗ trú chân trong một số nhà hàng và tu viện vì không đặt được phòng khách sạn.
“12 giờ đêm, tôi và hai người bạn vật vờ giữa Nyaung U (thị trấn nằm sát Bagan) như xác chết, chỉ mong tìm được một cái giường để đặt chiếc ba lô hơn 20 kg và cái lưng xuống. Câu trả lời nhận được từ tất cả những khách sạn và nhà nghỉ chúng tôi đến là “Hết phòng”, “Không đặt trước, không có chỗ”. Cuối cùng cả nhóm tìm được một nhà trọ tồi tàn, và cô chủ nhỏ tốt bụng cho chúng tôi ngủ nhờ trên chiếc ghế sô pha chờ trời sáng”. Kỷ niệm hãi hùng của Yvonne (40 tuổi), phóng viên người Ireland là một trong những trải nghiệm tiêu biểu cho bất cứ khách nước ngoài nào đến Myanmar giữa cơn sốt du lịch này.
Theo dự báo của ngành du lịch Myanmar, số khách du lịch đổ xô đến đất nước này năm 2013 sẽ tăng trưởng chóng mặt tới 150% với khoảng 1,5 triệu người nước ngoài. Điều đáng ngại là cơ sở hạ tầng du lịch đang thiếu thốn trầm trọng. Thống kê cho thấy hiện có khoảng 28.291 phòng khách sạn trên cả nước. Con số này quả là khiêm tốn nếu so sánh với người láng giềng Thái Lan, bởi chỉ riêng thủ đô Bangkok đã có đến hơn 42.000 phòng khách sạn. “Chúng tôi buộc phải chọn một khách sạn ba sao với giá gần 70 USD/phòng đôi, nhưng nó chỉ đáng 20 USD là cùng”, ông Zbyszek cùng người vợ đến từ Phần Lan than thở về căn phòng khách sạn đang ở trong thành phố Mandalay.
Sống ở mức 21.000 đồng/ngày
Cô bé 12 tuổi Ma Or ngồi im lặng bên khung cửi trong một góc cửa hiệu Inn Shwe Pyi trên hồ Inle. Cùng với cô bé 15 tuổi Mu Than và người bà 51 tuổi Mu Line, họ mới chính là thứ để “tham quan” ở đây khi khách du lịch đến để thấy tận mắt những phụ nữ Myanmar đeo chiếc vòng cổ dài đến tận cằm. Chấp nhận sống xa nhà ở bang Kayah, cô bé đến hồ Inle để dệt vải và trò chuyện cùng khách du lịch. “Mỗi tháng, chủ trả cho em 30.000 kyats (khoảng 33 USD). Tính ra mỗi ngày kiếm được hơn 1 USD (21.000 đồng). Làm được khăn thì sẽ được trả thêm một ít, cứ hai ngày rưỡi thì dệt xong một chiếc khăn mới. Khách không mua khăn thì thường sẽ “bo” sau khi chụp ảnh tụi em”.
Ma Or chỉ là một ví dụ nhỏ trong số rất nhiều người Myanmar đang gia nhập đội ngũ “du lịch” vẫn sống ở mức nghèo khổ, bất chấp việc khách du lịch nước ngoài tràn vào nước này như thác lũ. Ko Lyin (53 tuổi), lái thuyền tâm sự với người viết, mỗi tour du lịch bằng thuyền mà khách đăng ký ở đại lý du lịch, ông nhận 3.000 kyats (3,3 USD) cho khoảng 10 tiếng theo khách đi hết tour, số còn lại thì chi hết cho dầu chạy máy, trong khi đại lý du lịch đã ôm trọn 4.000 kyats. “Mùa cao điểm thì ngày nào cũng có khách. Nhưng vào mùa nóng thì may mắn lắm mới có một tour”, ông Ko Lyin cho hay.
Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cho hay, cứ 4 người Myanmar thì có 1 người nghèo. Năm 2011, thu nhập bình quân đầu người tại Myanmar là 857 USD/người/năm, so với Campuchia là 900 USD/người/năm và Việt Nam là 1.411 USD/người/năm. Cùng với những chính sách mở cửa rầm rộ gần đây của Myanmar, rất nhiều tổ chức kinh tế thế giới đánh giá và kỳ vọng quốc gia này như một ngôi sao đang lên ở châu Á. ADB còn lạc quan cho rằng, chỉ từ nay đến năm 2030, Myanmar sẽ lột xác từ một trong những nước nghèo nhất châu lục trở thành quốc gia có thu nhập trung bình. Và du lịch sẽ là một trong những ngành quan trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế cũng như xóa đói giảm nghèo tại đất nước này.